Dập dìu theo từng cơn sóng đến với đảo, có lẽ cảm nhận đầu tiên đối với nhiều người là Cù Lao Chàm ẩn dấu một vẻ đẹp đầy quyến rũ. Vẻ đẹp ấy không chỉ hiển hiện ở cảnh núi non, trời biển với những gam màu khó tả mà còn tuôn chảy, dưỡng nuôi trong đời sống văn hoá của cộng đồng cư dân ở đây qua các thế hệ. Trên mảnh đất Lao Chàm, mỗi di tích là một mảng màu khắc họa bức tranh văn hoá cộng đồng, mỗi câu chuyện là một trang tư liệu bảo tồn và lưu truyền những giá trị văn hoá xưa. Mỗi lần đến Cù Lao Chàm, trong những đêm bàng bạc trăng non tôi đều được các cụ ông, cụ bà kể cho nghe nhiều câu chuyện xưa về đảo. Từ bãi cát hoang sơ mịn màng sóng vỗ đến những hang sâu chim yến gọi bầy làm tổ, mỗi địa danh, mỗi di tích đều được cư dân đảo khoát cho chiếc áo đượm màu huyền thoại nhưng giàu giá trị nhân văn. Có lẽ, thú vị nhất là những câu chuyện dẫn dắt vào hành trình khám phá giá trị văn hoá ẩm thực đã được vun bồi suốt dặm dài lịch sử. Cù Lao Chàm có rừng, có biển nên di sản ẩm thực ở đây ngào ngạt hương của rừng, mặn mà vị của biển, để lại những dấu ấn sâu đậm đối với ai đã một lần thưởng thức. Nhiều món ăn, thức uống dân dã gắn liền với đời sống thường nhật của cư dân đảo tự bao đời, ngày nay đã trở thành đặc sản cho du lịch với thương hiệu riêng - một chỉ dẫn địa lý về đảo như bào ngư, vú sao, vú nàng, cua đá, lá Lao, rau rừng... Thật hấp dẫn khi ăn chén cơm nóng với rau rừng luộc cay the thé chấm mắm cá cơm thơm mằn mặn vào những ngày mùa đông biển dậy sóng. Và cũng đầy thú vị sau khi tung tăng cùng sóng biển mát lành ngắm rạn san hô rực rỡ sắc màu mà được thưởng thức cua đá với muối tiêu... rồi uống bát nước lá Lao ngòn ngọt, phảng phất mùi thuốc Nam vào những ngày chang chang nắng hạ.
Trong những buổi trưa hè, lang thang trên các nẻo đường quanh co dẫn vào từng xóm nhỏ trên đảo, chúng ta sẽ bắt gặp cảnh các bà, các mẹ ngồi ru cháu, ru con bằng những lời ca mộc mạc, giản dị nhưng thắm đượm giá trị nhân văn, son sắc tình người. Trong những lời ca ấy, không ít câu phản ảnh cảnh sắc, văn hoá và con người mảnh đất Cù Lao Chàm mà qua đó hình ảnh của những món ẩm thực dần dần hiện ra, khơi dậy, trào dâng trong người nghe một ước muốn tìm tòi, khám phá.
“Cù Lao cơm gắm mắm cà,
Trầu rừng, cau rễ anh đà thấy chưa?”
Cơm gắm với mắn cà là món ăn thường nhật của hầu hết người dân Cù Lao Chàm trong những năm tháng trước đây, còn trầu rừng với cau rễ là thức ẩm thực dành riêng cho các cụ bà. Ở Cù Lao Chàm, tháng 4, tháng 5 là mùa Gắm chín. Từng lùm gắm trái chín sum suê là thức ăn khoái khẩu của lũ khỉ rừng và cũng chính là nguồn thực phẩm của cư dân trên đảo. Cách đây vài chục năm trở về trước, vào những lúc khó khăn, nghề biển đem lại thu nhập không bao nhiêu, lương thực phải mua nên vào mùa gắm chín, cư dân trên đảo thường lên rừng hái gắm về hấp cơm. Những chùm gắm chín được người dân hái bưng về cả rổ bộng, thứ thì luộc rồi hấp cơm, thứ thì phơi khô rồi rang. Gắm hấp cơm ăn có vị bùi bùi, gắm khô rang có mùi thơm thơm. Hết mùa, từ trẻ con đến người lớn đều cảm thấy thiếu thiếu, nhớ nhớ mùi vị mộc mạc, dân dã của gắm rừng đất đảo.
Người Việt có tục ăn trầu. Ở Cù Lao Chàm, cư dân vẫn gìn giữ tục này cho đến tận bây giờ. Thế nhưng, những cụ bà ở đây chẳng phải được ăn những quả cau tươi, lá trầu xanh với vôi trắng như trong chuyện “Sự tích trầu cau” mà chúng ta đã từng được nghe từ thuở nhỏ. Trầu ở đảo là loại trầu rừng lá nhỏ leo trên những vách đá. Cau là vỏ cây bồ cau sống ở trong rừng. Tóm tém lá trầu cỏ với vỏ bồ cau cùng vôi trắng là niềm thú vị đối với nhiều cụ bà lúc chuyện trò bên thềm nhà hay dưới tán cây.
Có lẽ, ít ở nơi đâu như mảnh đất Cù Lao Chàm, từ bãi cát, mũi đá, eo núi đến các con suối, dòng khe, gò, đồi, nỗng, trảng,... đều được cư dân trên đảo đặt cho những cái tên rất thú vị, hoang sơ và gần gũi. Trong đó không ít địa danh phản ảnh đặc điểm sinh thái của khu vực như Hố Mít Nài, Bãi Nần, Hòn Nần... mà mỗi lần nhắc đến lại nhớ về một thời cơ cực, thủa gian nan trèo núi, băng rừng, khoen dây đào củ. Những củ khoai mài, củ khoai nần, loại nhỏ như cái ao, loại lớn bằng cái mủng được cư dân đào từ các vách núi mang chế biến thành thực phẩm để ăn cho qua ngày đoạn tháng. Nồi cơm trắng nóng thơm không phải bởi gạo ngon mà từ những lát khoai nần dẻo. Nhìn vào nồi cơm, hơn ba phần tư là khoai nần hấp nhưng là niềm hạnh phúc của bao mái ấm trên đảo. Gia đình sum vầy và sẻ chia.
Hương vị của đảo, từ những món ăn mộc mạc dân dã trong nghệ thuật ẩm thực đến những câu chuyện ly kỳ mang màu sắc liêu trai của di sản văn hoá đã khắc sâu vào trong tâm khảm của mỗi người con đất đảo. Dù họ phải đi xa, ở đâu vẫn luôn thổn thức về nơi chôn nhau cắt rốn, về mảnh đất đã chắp cánh cho những ước mơ. Và ai, nếu có dịp một lần đến với Cù Lao Chàm đều cảm thấy gần gũi thân thương, lúc trở về mang đầy ắp kỷ niệm sau khi bỏ lại những làn sóng lăn tăn./.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền