TRIẾT LÝ ÂM DƯƠNG NGŨ HÀNH TRONG HÔN NHÂN CỦA NGƯỜI VIỆT Ở HỘI AN

Thứ ba - 11/02/2014 04:21
Theo quan niệm của người xưa, khi chưa nắm được các quy luật của thiên nhiên thì thế giới này là một thứ hỗn mang không xác định. Từ sự quan sát, cảm nhận về sự biến đổi của tự nhiên, người Á Đông cổ đại đã nhận ra các mặt đối lập diễn ra thường xuyên trong cuộc sống.
Từ nhận thức cảm tính đến nhận thức lý tính, người ta đã tìm ra những quy luật vận động của tự nhiên và hình thành nên lối tư duy đặc thù - tư duy lưỡng hợp, cụ thể là tư duy âm dương. Âm dương ban đầu được dùng để chỉ hai thứ khí thay đổi trong ngày. Khí có hơi ấm mặt trời gọi là khí dương và khí không có hơi ấm mặt trời gọi là khí âm. Trên cơ sở cảm nhận được sự vận hành của 2 khí trên, người Á Đông cổ đại đã tiến hành những quan sát mang tính thực nghiệm, sau đó xử lý những kết quả, khái quát thành nguyên lý chung nhất về sự đối lập của các sự vật hiện tượng như trời >< đất, ngày >< đêm, nóng >< lạnh, sáng >< tối,… làm nền tảng cho triết lý âm dương.
     Từ sự quan sát, người xưa đã phát hiện trời có màu xanh, đen, vàng, đỏ, trắng; người thì có tâm, can, tỳ, phế, thận; đất thì có kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Từ các sự vật, hiện tượng trên, con người đã phát hiện ra mối quan hệ tác động qua lại giữa chúng và xây dựng nên mô hình Ngũ Hành. Ngũ là 5, Hành là vận động. Ngũ Hành là sự vận động của 5 nhóm sự vật, hiện tượng, mà đại diện đó là 5 loại vật chất cơ bản là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Các nhóm sự vật, hiện tượng này luôn vận hành và quan hệ lẫn nhau theo những mối quan hệ bình thường và cả những mối quan hệ khác thường và chuyển hóa cho nhau để tiếp tục tạo ra vạn vật. Với sự vận động và chuyển hóa của ngũ hành tạo ra các quan hệ tương sinh, tương khắc, tương thừa, tương vũ và chế hóa.
      Với những quan niệm trên, người Trung Hoa với ưu thế của mình đã thâu hóa, ghi chép, hệ thống hóa, bác học hóa sản phẩm trí tuệ này thành sách. Do chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, nhất là qua hệ thống giáo dục theo kinh sách Nho học, văn hóa thời phong kiến của các nước láng giềng Trung Hoa, trong đó có Việt Nam đều lấy triết lý âm dương, tam tài, ngũ hành làm nền tảng. Tuy nhiên, mỗi dân tộc đều có ý thức phát triển tư duy theo hướng riêng(1). Với triết lý âm dương, ngũ hành ở trên, người Hội An xưa đã áp dụng vào lý giải những vấn đề của tự nhiên và xã hội, trong đó có vấn đề hôn nhân.
     Trong hôn nhân của người Việt nói chung và người Hội An nói riêng, chúng ta dễ dàng nhận thấy những biểu hiện của âm dương, ngũ hành. Nhưng không phải ai cũng có thể hiểu được các triết lý âm dương, ngũ hành và vận dụng đúng trong hôn nhân của mình, nhưng rất nhiều người, khi xác định tình yêu để đi đến hôn nhân đều tìm đến các nhà nho hay thầy bói để tìm hiểu mối quan hệ giữa hai người nam và nữ (dương và âm) có đi đến được với nhau suốt cuộc đời hay không. Hầu hết các lý giải của thầy bói còn mang tính mê tín dị đoan do thần thánh hóa mệnh của con người hoặc cố tình làm khó hiểu ý nghĩa của triết lý nên con người không thấy được tính chất khoa học của triết lý âm dương, ngũ hành trong đời sống xã hội nói chung cũng như hôn nhân nói riêng.
      Hôn nhân là một giai đoạn gồm nhiều bước của một đôi trai gái và của cả hai bên gia đình. Trong thời Bắc thuộc và thời kỳ phong kiến, hôn nhân của người Việt chịu ảnh hưởng bởi phong tục hôn nhân của Trung Quốc nên có 6 lễ, gọi là “Lục lễ”, bao gồm lễ nạp thái, vấn danh, nạp cát, nạp chưng, thỉnh kỳ, tân nghênh. Nếu không có đầy đủ các lễ trên thì hôn nhân không thành. Nhưng ngày nay, phần lớn người Việt thường chỉ dùng 3 lễ: lễ giạm (lễ vấn danh), lễ hỏi (lễ nạp tệ) và lễ cưới (lễ thân nghinh).
Lễ Vấn danh là bên nhà trai mời bà mối đến xem mặt và hỏi tên tuổi, ngày, tháng, năm, giờ sinh (tứ trụ) của cô gái có hợp với con trai mình hay không. Người mai mối trong hôn nhân của người Việt phải là những người có gia đình hạnh phúc, đủ vợ đủ chồng, có uy tín, có duyên ăn nói trong làng. Điều này thể hiện khá rõ triết lý âm dương. Thêm nữa Thần mai mối ở Trung Hoa chỉ là một ông Tơ Hồng, khi vay mượn vào Việt Nam thì được biến thành ông Tơ bà Nguyệt(2). Có nghĩa là có âm thì phải có dương.
     Xem mặt người con gái là xem cách người con trai chọn người con gái như thế nào. Có đoan trang, hiền thục hay cứng cỏi, nhanh nhẹn để phù hợp với tính cách của con trai gia đình mình hay không. Điều này cũng thể hiện rất rõ những biểu hiện của triết lý âm dương. Theo thuyết Âm Dương, sự vận động của âm dương đối lập nhưng không triệt tiêu lẫn nhau, trái lại chúng cùng song song tồn tại, cùng chuyển hóa cho nhau theo hướng vận động trên trục cân bằng. Hôn nhân là sự phối hợp giữa hai người nam và nữ, giữa hai cực âm - dương,... Vì vậy, hôn nhân muốn hòa hợp là phải làm sao giải quyết các vấn đề theo thể cân bằng. Trong hôn nhân, khi chọn đối tượng, người nam hoặc nữ thường chọn cho mình đối tượng phù hợp. Ví dụ, người nam mạnh mẽ thường chọn cho mình người nữ yểu điệu, thục nữ. Người nam yếu đuối thường chọn cho mình người nữ cứng cỏi, hoạt bát. Đó là sự quân bình của âm dương, đảm bảo sự cân bằng cho một mái ấm gia đình và cũng là vận mệnh cho cuộc hôn nhân hạnh phúc hay không. Đây là lối tư duy biện chứng hết sức logic, phù hợp cho đời sống thường nhật. Người nam mạnh mẽ thường hoạt động xã hội nhiều, tính khí dễ nóng nảy, việc chọn người vợ đoan trang, hiền thục sẽ giúp đảm nhận những việc gia đình, dạy dỗ con cái chu đáo, làm hóa giải những gây cấn cho gia đình. Ngược lại, người nam yếu đuối thì thường ít giao tiếp, không lanh lợi trong công việc nên việc chọn một người vợ hoạt bát, cứng cỏi cũng nhằm giúp đỡ người chồng trong những vấn đề xã hội, vấn đề kinh tế cho gia đình. Vì vậy trong truyện Kiều có một câu:
"Trǎm nǎm tính cuộc vuông tròn
Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông".
     Theo các nhà tứ trụ học, con người sinh ra đã có vận mệnh. Vận là vận trình, là quá trình sống. Mệnh là giờ, ngày, tháng, năm sinh (tứ trụ). Vận và mệnh hợp với nhau thành vận mệnh cả cuộc đời của một con người. Sách Luận ngữ, Nhan Uyên viết rằng: Sống chết có mệnh, phú quý tại trời. Thế là người ta dùng giờ, ngày, tháng, năm sinh để đoán mệnh của con người. Và trong hôn nhân, việc xem tuổi của cả hai người nam và nữ để đoán mệnh được người xưa rất quan tâm. Tuy ngày nay việc quan niệm về số mệnh có phần phai nhạt, nhưng nếu ta hiểu theo triết lý khoa học sẽ thấy rõ được giá trị của nó.
     Từ tứ trụ, con người xây dựng lên hệ đếm can, chi. Hệ đếm can, chi lại xây dựng trên cơ sở ngũ hành, phương vị, màu sắc,… Vì vậy mà mỗi con người được sinh ra đã được xác định cho mình một mệnh, một hành, một phương, một màu,… Từ mỗi sự vật, hiện tượng đó, người thầy bói có thể lý giải được mối quan hệ về tuổi tác giữa vợ chồng thông qua các thuật đoán số tử vi, bát trạch, ngũ hành, âm dương,… Xem tuổi trong hôn nhân có nhiều cách như vậy, nhưng quan trọng nhất vẫn là chú ý vào mối quan hệ tương sinh và tương khắc. Ví dụ, người nam mệnh Hỏa gặp người nữ mệnh Thổ thì thuộc quan hệ tương sinh vì theo quan hệ tương sinh thì Hỏa sinh ra Thổ (lửa cháy ra tro bụi) và người nam mệnh Hỏa gặp người nữ mệnh Thủy thì xét theo ngũ hành thì thuộc quan hệ tương khắc vì theo quan hệ tương khắc Hỏa khắc Thủy (nước dập tắt lửa). Thật ra, để lý giải theo đời sống thường nhật thì ta có thể hiểu được vấn đề như sau: Hỏa (nam) và Thổ (nữ) là tương sinh vì Hỏa so với Thổ thì Hỏa là dương mà Thổ là âm. Mà trong hôn nhân, dương thịnh hơn âm có nghĩa là người chồng mạnh mẽ hơn vợ bao giờ cũng là điều tốt hơn và phù hợp với văn hóa hôn nhân của người Việt, nơi mà vai trò của người cha, người chồng, người anh trong gia đình phải đảm nhận những công việc nặng nhọc, làm ra của cải cho gia đình. Hỏa (nam) và Thủy (nữ) là tương khắc vì Hỏa so với Thủy thì Thủy là dương mà Hỏa là âm. Trong hôn nhân, âm mà thịnh hơn dương có nghĩa người vợ mạnh mẽ hơn người chồng thì gia đình không hài hòa, dễ dẫn đến đỗ vỡ vì quan niệm của người đàn ông Việt Nam thì bao giờ cũng muốn người vợ của mình là người phụ nữ hiền hậu, đảm đang việc nhà, chăm lo cho gia đình, ít đàn ông nào muốn vợ mình là người của xã hội. Cách xem tuổi theo mô hình âm dương, ngũ hành ở trên nếu được lý giải theo đời sống xã hội như vậy, ta có thể thấy được triết lý sống của nó.
      Lễ ăn hỏi còn được gọi là lễ đính hôn là một nghi thức trong phong tục hôn nhân truyền thống của người Việt. Lễ vật trong lễ hỏi được biểu hiện triết lý âm dương, ngũ hành rõ nhất. Tùy vào mỗi vùng, mỗi miền có những lễ vật khác nhau như trầu cau, rượu, chè, bánh, nem…. Nhưng trầu cau là thứ lễ vật không thể thiếu trong các đám cưới của người Việt. Nó vừa là thứ sính lễ, vừa là món quà tiếp khách “Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Miếng trầu được người xưa chăm chút tem hình cánh phượng để mang tính thẩm mỹ và thể hiện sự khéo tay, lòng hiếu khách, mà nó còn được sắp đặt lá trầu đặt sấp, miếng câu đặt ngửa trong khay trầu, thể hiện tín ngưỡng phồn thực, biểu hiện rất rõ cho triết lý âm dương. Loại bánh thường được dùng trong lễ hỏi là bánh Su Sê (đọc chệch từ bánh Phu Thê). Bánh được làm bằng đường trắng, dừa, đậu xanh và các hương ngũ vị, rắc vừng (), bọc bằng hai khuôn (làm bằng lá cau hay lá dừa) hình vuông úp khít vào nhau. Đó là biểu tượng của triết lý âm dương (vuông tròn) và ngũ hành (ruột dừa trắng, nhân đậu vàng, rắc vừng đen, khuôn lá xanh, buộc lạt đỏ) biểu tượng cho sự vẹn toàn, hòa hợp - hòa hợp của đất trời và của con người(3).  Tất cả lễ vật dùng trong lễ ăn hỏi đều được đựng trong hộp màu đỏ hoặc bọc trong giấy đỏ. Màu đỏ màu của sự sống (dương), sự vui mừng.
      Sau lễ ăn hỏi, nhà gái dùng các lễ vật nhà trai đã đưa để chia ra từng gói nhỏ để làm quà biếu cho họ hàng, bè bạn, xóm giềng,... Ý nghĩa của tục này là sự loan báo cô gái đã có nơi có chỗ. Trong việc chia bánh trái, cau, chè cau phải chia theo số chẵn, nhưng kiêng chia hai quả, nghĩa là mỗi nơi từ bốn quả cau, bốn lá trầu trở lên theo quan niệm số chẵn là số dương, số lẻ là số âm dùng trong việc cúng lễ(4).
Sau lễ hỏi, thì chuẩn bị chọn ngày, giờ, tháng tốt để tiến hành lễ cưới. Ngày, giờ, tháng cưới cũng được sử dụng thiên can, địa chi, âm dương, ngũ hành,… để xác định ngày tốt, xấu. Sau khi xác định ngày giờ, cả hai gia đình chuẩn bị sửa sang nhà cửa, dựng rạp để đón dâu. Cách trang hoàng nhà cửa quan trọng nhất là bàn thờ gia tiên. Bàn thờ được trang hoàng trang trọng với đôi đèn, một cây chạm khắc hình Long (nam, dương) và một cây chạm khắc hình Phượng (nữ, âm); mâm ngũ quả (ngũ hành); bình hoa, nhang, trầm,… để cho đôi nam nữ cẩn mình khấn vái thông báo với tổ tiên họ chính thức là vợ chồng.
Đoàn đón dâu nhà trai gồm có ông bà, cha mẹ, cô chú, cậu mợ, anh chị,… nhưng phải đủ đôi, đủ cặp và chọn một người có tuổi còn đủ vợ chồng (âm dương đầy đủ), kiêng người góa vợ/góa chồng (thiếu âm/dương), giỏi ăn nói, đối đáp để làm chủ lễ, cùng một đoàn thanh niên trẻ, đẹp, chưa lập gia đình (dương) để bưng lễ vật. Đoàn đưa dâu nhà gái cũng tương tự, nhưng người đón lễ vật của nhà trai là các cô gái trẻ, đẹp, chưa lập gia đình (âm).
       Lễ vật cưới là theo yêu cầu thỏa thuận giữa hai bên gia đình trong lễ hỏi. Thông thường cũng bao gồm quả trầu câu, quả rượu chè, quả bánh, quả trang sức, quả nem chả,… nhưng số lượng hay chất lượng cũng tùy thuộc vào kinh tế từng gia đình và biểu hiện âm dương, ngũ hành tương tự như trong lễ hỏi.
Về trang phục cưới cũng như trong trang trí của người Việt thường chọn màu đỏ làm chủ đạo vì theo quan niệm ngũ hành, màu đỏ là màu của phương Nam, màu của niềm vui và mọi sự tốt lành. Vì vậy, việc trang trí nhà cửa cũng như áo cưới của cô dâu thường là màu đỏ(5).
      Trong lễ cưới, còn có các tục thể hiện triết lý âm dương như tục trải chiếu cho lễ hợp cẩn. Gia đình cũng lựa chọn một người phụ nữ cao tuổi, đông con, phúc hậu, vợ chồng song toàn vào trải chiếu cho cô dâu chú rể; chiếu phải một đôi - một chiếc trải ngửa, một chiếc trải sấp (một âm một dương) úp vào nhau(6). Tất cả những phong tục đó nhằm mong mỏi có nàng dâu hiếu thảo, sớm có con, vợ chồng hoà thuận đến "bách niên giai lão".
      Vợ chồng là một cặp âm - dương. Cho nên trong đời sống vợ chồng thì chỉ một vợ, một chồng thì gia đình mới hạnh phúc. Vì vậy có câu “Nhất âm nhất dương chi vị đạo”, có nghĩa là một âm một dương mới gọi là đạo. Đạo vợ chồng cũng tương tự như vậy. Ngày xưa trai năm thê bảy thiếp, nhưng sống theo lối sống như vậy sẽ dẫn đến bất hòa trong gia đình. Chính vì vậy mà luật pháp nhà nước đã quy định lại chỉ có một vợ một chồng trong hôn nhân.
       Sự hòa hợp giữa hai vợ chồng đó là sự hòa hợp giữa hai cực âm và cực dương. Nếu âm dương không cân bằng thì sẽ sinh ra bất hòa. Người chồng hoặc người vợ vượt quá chức năng của mình sẽ dẫn đến gia đình mất hòa khí. Chính vì vậy mà trong dân gian, các bà mẹ thường lo con trai của mình bị cô gái sau này ức hiếp nên thường dặn dò người con trai để ý một số hành động của người vợ như không được để người vợ móc áo quần chồng lên áo quần của mình hoặc không để người vợ bước qua người của người chồng khi lên giường. Quan niệm dân gian cho rằng, nếu để người vợ làm vậy thì âm sẽ thịnh, dương sẽ suy, như vậy người vợ sẽ ức hiếp người chồng sau này.
      Như đã nói ở trên, âm dương, ngũ hành là các mối quan hệ luôn vận động và chuyển hóa cho nhau. Âm dương không phải cái gì cao siêu mà đó là hai mặt đối lập của vấn đề. Ngũ hành không có nghĩa là 5 yếu tố kim mộc thủy hỏa thổ trong vũ trụ mà đó là mối quan hệ của các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên và xã hội. Từ việc mượn 5 yếu tố Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ trong Ngũ Hành và 2 cực Âm và Dương trong thuyết Âm Dương mà ta lý giải ra những vấn đề của xã hội. Đặc biệt là trong hôn nhân, mối quan hệ âm dương trong hôn nhân không có gì khác hơn là mối quan hệ giữa vợ chồng, giữa nam và nữ. Giải quyết hài hòa mối quan hệ vợ chồng, nam - nữ ắc hẳn gia đình sẽ hạnh phúc. Mối quan hệ Ngũ Hành trong hôn nhân không có gì khác hơn là mối quan hệ giữa gia đình và các vấn đề trong cuộc sống, trong xã hội. Nếu ta biết giải quyết hài hòa các mối quan hệ cũng như khắc phục được những nhược điểm thì hôn nhân sẽ hạnh phúc. Việc dự đoán về hôn nhân của con người trong xã hội phải dựa trên nhiều bình diện như đặc điểm di truyền, truyền thống và hoàn cảnh gia đình, môi trường sống, môi trường giáo dục, ý thức cá nhân, mức độ tình cảm,… Nhưng những dự đoán chỉ nhằm giúp cá nhân điều chỉnh hành vi, quan niệm sống sao cho phù hợp, góp phần tạo ra một gia đình mới hạnh phúc, có ích cho bản thân và xã hội.
      Qua dẫn chứng và lý giải một số biểu hiện âm dương, ngũ hành trong hôn nhân của người Việt nói chung và người Việt ở Hội An nói riêng, ít nhiều có cơ sở do luận giải theo những vấn đề của tự nhiên và xã hội. Những vấn đề không luận giải được thì bản thân không dám bàn luận trong bài thảo luận này, dễ dẫn đến tình trạng mê tín dị đoan♠
 
       Chú thích:
      (1) Trần Long, Giáo trình “Triết lý âm dương trong văn hóa truyền thống Á Đông”, tr. 2-4.
      (2) Trần Ngọc Thêm, “Tìm về Bản sắc Văn hóa Việt Nam”, tr. 124.
      (3) Trần Ngọc Thêm, “Tìm về Bản sắc Văn hóa Việt Nam”, tr. 294.
     (4) http://vi.wikipedia.org
     (5) Trần Ngọc Thêm, “Tìm về Bản sắc Văn hóa Việt Nam”, tr. 152.
     (6) Trần Ngọc Thêm, “Tìm về Bản sắc Văn hóa Việt Nam”, tr. 209.

 
 

Tác giả: Đỗ Thị Ngọc Uyển

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây