Hội An - 110 năm Duy Tân hội và phong trào Đông Du

Chủ nhật - 09/02/2014 20:31
Trong những năm đầu của thế kỷ XX, trước tình hình phong trào kháng Pháp theo khuynh hướng bảo hoàng là Khởi nghĩa Cần Vương bị thất bại, nhà yêu nước Phan Bội Châu đã khởi xướng một phong đấu tranh kháng Pháp mới cũng theo hướng bảo hoàng nhưng hướng tới mục tiêu xây dựng nhà nước quân chủ lập hiến. Một hoạt động quan trọng thể hiện khuynh hướng này là thành lập Duy Tân hội.
        Tháng 5 - 1904, tại Nam Thịnh sơn trang ở Thăng Bình, Quảng Nam, Phan Bội Châu cùng với Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Thành, Đặng Thái Thân, Đặng Tử Kính, Đỗ Tuyển . .. đã tuyên bố thành lập Duy Tân hội với mụch đích "cốt sao khôi phục Việt Nam độc lập, ngoài ra chưa có chủ nghĩa gì khác" và tôn Cường Để - một nhân vật là hoàng thân triều Nguyễn làm Hội chủ. Duy Tân hội đề ra 3 nhiệm vụ: Phát triển hội viên, tài chính, chuẩn bị cho bạo động vũ trang và xuất dương cầu viện mà sau này gọi là Đông Du sang Nhật Bản.
        Có thể nói Hội An có sự gắn bó với Duy Tân hội trong thời gian trước và sau khi Duy Tân Hội ra đời thông qua một nhân vật, một mạnh thường quân tâm huyết đó là Châu Thượng Văn, gốc người làng Minh Hương, tổng Phú Triên, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nay là phường Minh An, thị xã Hội An. Nguyên vào thời kỳ cụ Nguyễn Duy Hiệu lãnh đạo phong trào Nghĩa hội Quảng Nam thì Châu Thượng Văn đã tích cực đóng góp của cải cho phong trào Cần Vương Quảng Nam. Đồng thời cụ Châu Thượng Văn cũng có mối tâm giao với các chí sĩ yêu nước Nguyễn Thành, Phan Bội Châu và nhà của cụ Châu ở Hội An là nơi thường tiếp nhiều nhân vật yêu nước Quảng Nam, Huế tới lui, trao đổi chuyện quốc sự. Đồng thời nơi đây cũng là địa điểm tiếp nhận sách báo tiến bộ từ Trung Quốc, Nhật Bản, góp phần hình thành tư tưởng cách mạng kháng Pháp mới cho các chí sĩ yêu nước Nguyễn Thành, Phan Bội Châu… qua đó hình thành nên cơ sở tư tưởng quan trọng để thành lập một Duy Tân Hội mang dáng dấp của một tổ chức chính trị.
        Theo lời tự phán của Phan Bội Châu thì để triển khai hoạt động Đông Du vào: “Thượng tuần tháng chạp Giáp Thìn tức tháng 1-1905, tôi cùng ông Ngư, Hải, ông Tử Kính với nhà Tiểu La nhóm mật hữu ba bốn người như các ông Trình Ô Gia, Tôn Thất Toại, Châu Thơ Đồng thương định những kế hoạch, chia đường làm việc”. Từ đây, Châu Thượng Văn cầm văn khế nhà đất được 300 đồng ủng hộ Duy Tân Hội, góp phần trang trải cho Phan Bội Châu, Tăng Bạt Hổ, Đặng Tử Kính… xuất dương sang Nhật Bản học tập, nâng cao dân trí, phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ngôi nhà của ông ở giữa chợ Phố cũng trở thành nơi hội họp, đón tiếp chí sĩ Đông Du, Duy Tân ghé đến Hội An. Số tiền này của Châu Thượng Văn được tích cóp từ việc bán nhiều ruộng và đoạn mãi ngôi nhà giữa phố Hội. Điều này cho thấy sự hy sinh gia sản của Châu Thượng Văn đối với Duy Tân Hội là lớn lao qua đó góp phần tạo nên một phong trào yêu nước mới mẽ dưới sự chủ xướng của Phan Bội Châu trong đầu thế kỷ XX. Qua đó thể hiện được vị trí của phố thị Hội An trong việc tiếp nhận và chuyển hóa các luồng tư tưởng mới tiến bộ cũng như có vai trò quan trọng trong việc góp phần hình thành, phát triển Duy Tân Hội.
         Tài liệu tham khảo:
         1. Nguyễn Quang Ngọc 2006, Chương VIII - Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến cuối chiến tranh thế giới thứ nhất, Tiến trình Lịch sử Việt Nam, H., Giáo Dục, Tr.235 - 238, website: lichsuvietnam.vn cập nhật.
         2. Thy Hảo Trương Duy Hy (2006): Châu Thượng Văn - Một nhân cách lớn - website hoian24h.vn.
         3. Trương Hoàng Vinh (2012): Châu Thượng Văn - Danh nhân Hội An thời cận đại - website hoianheritage.net.

Tác giả: Trương Hoàng Vinh

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây