Để bày tỏ lòng tri ân của dân làng, từ xa xưa ông cha ta đã xây dựng miếu để thờ vị thần của nghề nông, đó là Thần Nông. Cho đến hiện nay, nằm rải rác trên địa bàn thành phố Hội An vẫn còn một số ngôi miếu hoặc đàn/nền Thần Nông như miếu Thần Nông (số 76 đường Trần Hưng Đạo, phường Cẩm Phô), nền Thần Nông (Hòn Gieo, xã Tân Hiệp), đàn Thần Nông (thôn Thanh Đông, Cẩm Thanh),...
Hàng năm, sau những ngày lao động nhọc nhằn, vất vả với ruộng đồng là mùa thu hoạch của người nông dân và cũng là dịp để mọi người cùng chung góp lại trước là cúng tạ ơn Thần Nông, các vị Thần linh, sau là cầu mong dân làng làm ăn thuận lợi, phát đạt, năm sau sẽ được mùa hơn.... Vì thế, mục đích chính của lễ cúng Thần Nông là cầu mong mùa màng tươi tốt, bội thu. Lễ cúng được tổ chức vào khoảng tháng 3 âm lịch (sau khi thu hoạch vụ Đông Xuân), có nơi tổ chức cúng vào dịp Thanh minh.
Trước đây, đối với nghề nông, lễ cúng Thần Nông là một lễ lệ rất quan trọng của dân làng, hầu như địa phương nào làm nông nghiệp đều tổ chức cúng Thần Nông, lễ cúng được tổ chức rất quy mô với sự tham gia đông đảo của bà con dân làng, có năm cúng lớn còn tổ chức rước long chu. Hiện nay, một số địa phương trên địa bàn thành phố Hội An vẫn còn duy trì lễ cúng Thần Nông nhưng không còn được tổ chức quy mô, bài bản như trước kia.
Lễ vật cúng Thần Nông cũng đơn giản giống một số lễ cúng liên quan đến nghề nông như cúng mục đồng, cúng cơm mới. Lễ vật chính gồm: Hương, đèn, hoa quả, trầu cau, rượu, cơm in muối mè, thịt heo, gà, đồ thổ thần (lễ vật cần có để cúng ông Thần Nông). Ngoài ra, còn có một số vật phẩm khác.
Từ những lễ lệ truyền thống còn lưu truyền trong dân gian, cúng Thần Nông là lễ cúng mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, có tác dụng giáo dục tính cộng đồng, động viên mọi người ở nông thôn tham gia phát triển nông thôn mới ngày càng văn minh, hiện đại, giàu bản sắc truyền thống.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền