Theo các vị cao niên trong làng cho biết, làng Thanh Nhất xưa kia phân thành 3 ấp là Thân Lân, Thân Lân thượng, Thân Lân hạ. Di tích nằm ở ấp Thân lân thượng. Hiện nay, không có tài liệu nào cho biết thời gian di tích được xây dựng ngôi miếu, mà theo sự phỏng đoán của một số vị cao tuổi trong làng di tích được xây dựng cách đây khoảng hơn 200 năm. Nơi đây khi xưa là khu đất của Ông Điều thuộc dòng họ Lê Văn. Nghe các bô lão trong làng kể lại, xưa kia do lũ lụt, một người đàn ông gặp nạn ở đâu đó và xác trôi dạt đến đây. Chính vì vậy mà Ông Điều đã hiến đất và cùng bà con trong xóm xây dựng ngôi miếu này để thờ. Lúc đầu miếu xây dựng khá khang trang, lợp ngói âm dương. Phía trước có bình phong chạm rồng. Sân miếu có trồng 2 cây cổ thụ lớn là cây sanh và cây sợp. Bên trong thờ thần, phía ngoài bình phong thờ âm linh.
Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nơi đây còn là căn cứ cách mạng, nhiều cuộc họp bí mật được tổ chức tại đây. Các đồng chí như Lê Ngọc Thanh,… cũng thường xuyên họp bàn công tác chiếu đấu tại đây. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, do các trận càn quét, đánh bom của địch đã phá hỏng ngôi miếu, nhưng nền móng cũ vẫn còn.
Sau giải phóng, người dân đã góp tiền xây dựng lại ngôi miếu xóm nhỏ trên nền móng cũ. Đến năm 2008, được sự hỗ trợ của nhà nước 40%, cọng với sự đóng góp của nhân dân đã xây dựng ngôi miếu khang trang hơn.
Miếu xây theo hướng Đông Nam, mặt bằng tổng thể gồm phía trước là bình phong, tiếp theo là bàn án âm linh có mái che, sân chính điện và hậu tẩm. Di tích không có hàng rào bảo vệ.
Bình phong phía trước di tích được làm đơn giản hơn khi xưa. Mặt trước và mặt sau bình phong không chạm trỗ hoa văn, được xây bằng gạch, tô trát xi măng. Bàn cúng âm linh đúc bằng bê tông, mặt trên giật thành 1 cấp nhỏ đặt 1 nồi hương, mặt dưới đặt 3 nồi hương. Trên bình phong là mái che bằng tôn, xây bốn trụ xi măng.
Tiếp đến là sân xi măng, chính điện và hậu tẩm. Chính diện và hậu tẩm có kết cấu gồm tường bao xây bằng gạch, tô trát xi măng. Chính điện có rộng: 5m, dài 3m. Khung chịu lực của miếu bằng gạch, bê tông, hệ mái ngói âm dương với bờ nóc bờ chảy được trang trí đề tài “Lưỡng long triều dương”, giao lá cẩn sành sứ. Ở phía trước tiền đường có khắc 3 chữ Thân Lân Ấp, trong tiền đường có các án thờ Tiền vãng, Hậu vãng, Tả ban, Hữu ban.
Hậu tẩm dài khoảng 2m 5, cao: 3m, rộng 2m. Ngăn cách giữa hậu tẩm và tiền đường là hệ cửa gỗ bốn cánh có đắp nổi hoa văn. Hậu tẩm được trang trí nhiều đồ án truyền thống với kỹ thuật đắp nổi hình quy đội hạc và chữ Phúc cách điệu dạng hình tròn ở quần bàn án thờ chính. Án thờ chính được đắp thành khám, giữa lòng khám có đắp 2 chữ Hán kính thành. Tả hữu của án thờ chính là hai án thờ nhỏ có đề Hán tự là Quang tiền, Dụ hậu.
Trước đây, người dân tổ chức cúng hai lệ Xuân, Thu. Lệ xuân ngày 17, 18 tháng 2 âm lịch, lệ thu ngày 17,18 tháng 7 âm lịch. Sau năm 1975 đến nay, người dân trong xóm chỉ cúng lệ Xuân, vào ngày 17/2 với đầy đủ lễ túc vào ngày 17 tháng 2 và lễ chánh vào ngày 18 tháng 2. Đặc biệt, vào ngày ngày 27, 28 tháng chạp hằng năm, bà con trong xóm có tổ chức cúng tất niên tại miếu.
Trải qua quá trình hình thành lâu đời, di tích được trùng tu tôn tạo theo nguyện vọng mong muốn của người dân thôn Thanh Nhứt nói riêng và xã Cẩm Thanh nói chung đã đáp ứng nhu cầu về văn hóa tín ngưỡng trong cộng đồng đại phương. Di tích góp phần làm phong phú loại hình di tích lịch sử, tôn giáo tín ngưỡng ở Hội An, trở thành phong tục, tập quán không thể thiếu trong phần đông cư dân nơi đây.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền