Theo một số kết quả nghiên cứu, trước thế kỷ XVI, vào những năm 1318 và 1324, một số giáo sĩ phương Tây đang truyền giáo tại Trung Hoa, trong đó có Odoric De Pordenone cũng đã ghé thăm Vương quốc ChamPa với mục đích tìm kiếm mảnh đất mới để truyền giáo song bất thành. Công cuộc truyền giáo của các giáo sĩ ở Hội An, Đàng Trong vào thế kỷ XVI không được ghi lại ngoại trừ sự kiện năm 1523 giáo sĩ Duark Coelh đến vùng biển Hội An và đã tạc trên vách đá đảo Cù Lao Chàm hình cây Thánh giá lớn để làm lưu niệm. Tuy vậy, sang đầu thế kỷ XVII, hoạt động truyền giáo của các giáo sĩ tại Hội An nói riêng, Đàng Trong nói chung diễn ra ngày càng mạnh mẽ.
Một số tài liệu cho biết, vào thời kỳ thịnh vượng của thương cảng Hội An, người Nhật và người Trung Hoa là hai thành phần dân cư nước ngoài chủ yếu đến buôn bán, sinh sống tại Hội An. Được sự cho phép của các Chúa Nguyễn, người Nhật và người Trung Hoa đã xây dựng ở Hội An hai thành phố riêng như miêu tả của C.Bori, Thích Đại Sán… Năm 1614, Chính quyền Nhật thực hiện chính sách cấm đạo Thiên Chúa và trục xuất những giáo sĩ nên bắt đầu từ đây có nhiều người Nhật Bản theo đạo đến Hội An. Chính vì thế mà Toà Giám mục Macao cũng chuyển hướng truyền giáo sang Việt Nam, giúp đỡ người Nhật theo đạo về mặt tinh thần, đồng thời tìm kiếm mảnh đất mới để truyền bá đạo. Ngày 18/1/1615, Toà Giám mục Macao cử đến Hội An một phái đoàn Dòng Tên để lập ra giáo đoàn Đàng Trong. Phái đoàn này gồm có giáo sĩ Francesco Buzomi, Diego Carvalho và ba thầy dòng trong đó có hai thầy dòng người Nhật. Phái đoàn đặt chân lên đất Đà Nẵng ngày 18-1-1615 và lập ở đây ngôi nhà thờ đầu tiên, sau đó vào Hội An - Thanh Chiêm rồi xây dựng ngôi nhà thờ thứ hai tại Thanh Chiêm.
Theo một số kết quả nghiên cứu, trong thời gian từ năm 1615 - 1665, ở Hội An có 3 cộng đoàn Thiên Chúa giáo của người Nhật, người Hoa và người Việt, mỗi cộng đoàn có ngôi nhà thờ riêng. Năm 1643, trụ sở truyền giáo của các giáo sĩ ở Hội An là một trong hai trụ sở chính của giáo đoàn Đàng Trong. Trụ sở ở Hội An có nhà thờ chung và nhà ở riêng cho các giáo sĩ và thầy giảng. Năm 1675, giáo sĩ Conrtaulin xây dựng một ngôi nhà thờ tại phố Hội An. Vào giữa thế kỷ XVII, một số giáo sĩ của Hội truyền giáo ngoại quốc ở Pháp (Hội Thừa sai Pari) được cử đến Hội An, người đầu tiên là giáo sĩ Louis Chevreuil, Lambret la Motte, Luy Laneun... Những giáo sĩ Hội Thừa sai Pari đã xây dựng ở Hội An trụ sở truyền giáo riêng của mình bên cạnh trụ sở truyền giáo của các giáo sĩ Dòng Tên. Từ cuối thế kỷ XVIII, cùng với những biến động về chính trị - xã hội, công cuộc truyền giáo tại Hội An bị gián đoạn, các ngôi nhà thờ đều bị hoang phế. Đến năm 1914, một số người dân theo đạo ở Hội An xây dựng ngôi nhà thờ mới bằng tranh gỗ tại địa điểm nhà thờ Thiên Chúa giáo Hội An hiện nay. Hơn 20 năm sau, năm 1935, nó được thay thế bằng ngôi nhà thờ kiên cố theo kiểu kiến trúc Gothique. Năm 1965, ngôi nhà thờ này bị hạ giải và thay vào đó là ngôi nhà thờ mới với kiểu dáng như hiện nay.
Ngôi nhà thờ hiện tại nằm trong khuôn viên khá rộng, xung quanh có tường rào xây bằng gạch. Lối vào nhà thờ qua cổng tam quan cách điệu hình mái nhà, trên đỉnh cổng đặt hình cây Thánh giá. Phía sau cổng là khoảng sân rộng rãi với bên trái là hang đá lớn nằm bên dưới tán cây cổ thụ, bên phải là đồi cỏ - giả sơn và khu mộ các vị giáo sĩ Phương Tây. Thánh đường được xây dựng theo kiểu kiến trúc “Neo Gothique” kết hợp với lối kiến trúc nhà truyền thống Hội An. Nội thất Thánh đường phân thành 3 không gian chính với chức năng riêng gồm khu vực dành cho người theo đạo tham dự các buổi lễ, khu Cung thánh là nơi tiến hành các nghi lễ và phòng áo. Khu dành cho người theo đạo bố trí bốn dãy ghế, trên tường khu này treo các bức phù điêu mô tả hành trình khổ nạn của chúa Jesu. Khu Cung thánh được thiết kế cao hơn khu vực xung quanh, chính giữa là bàn lớn dùng để cử hành nghi lễ được đặt trên nền cao với ba bậc cấp tượng trưng cho 3 đức “Tin - Cậy - Mến”. Sát tường phía sau cung thánh là Thánh giá có tượng Chúa Cứu Thế. Đầu cây Thánh giá có bảng nhỏ đề chữ “INRI” nghĩa là “Đây là Jesuite, vua dân Do Thái”. Phòng áo nằm ở phía sau Cung thánh, có lối dẫn vào Cung Thánh. Phòng áo là nơi cất giữ y phục hành lễ của linh mục và trang phục của các lễ sinh giúp lễ, đồng thời là nơi chuẩn bị lễ vật. Toàn bộ Thánh đường có lắp hệ thống gương màu nhằm tạo không gian bên trong thiêng liêng hơn, thanh thoát hơn.
Trong lịch sử, những ngôi nhà thờ Thiên Chúa giáo ở Hội An từng là điểm đến, nơi cư trú, truyền giáo của các giáo sĩ Dòng Tên, Hội Thừa sai Pari ở Hội An nói riêng, Đàng Trong nói chung. Đồng thời đây cũng là nơi các giáo sĩ học tiếng Việt, sáng lập chữ Quốc ngữ qua sự giúp đỡ của một số người Việt. Đây cũng là nơi giao lưu, tiếp xúc văn hoá Đông - Tây tại Hội An.
Trong quá khứ, các giáo sĩ thường tập trung các lễ vật là sản phẩm của nền khoa học phương Tây tại các nhà thờ ở Hội An để dâng tặng cho các Chúa Nguyễn. Lễ vật mà các giáo sĩ dâng tặng cho Chúa Hiền - Nguyễn Phước Tần vào năm 1676 gồm: 2 cây vải hồng mịn, 1 hộp bạc chạm trổ lớn và 4 họp nhỏ, 2 gương soi venise bọc da lừa có đính bằng bạc, 1 đồng hồ có chuông điểm giờ, nửa giờ, 15 phút, 1 cây hàng mỹ Hoà Lan, 2 ram giấy mạ vàng, 1 ống viễn kính, 1 kính hiển vi cỡ lớn và 1 cỡ nhỏ, 2 kính cửu cửu biểu viền bạc, 2 kính lấy lửa tạo được sức nóng chảy bạc dưới ánh mặt trời, 1 bật lửa hình khẩu súng nhỏ bằng bạc. Trước đó, A.D. Rhodes đến Hội An đã mang theo một số đồng hồ để dâng tặng cho Chúa Thượng.
Tọa lạc tại số 02 đường Nguyễn Trường Tộ (thời Pháp gọi là đường Gouverneur Général Cherles), nhà thờ Thiên Chúa giáo ở Hội An hiện nay là một di tích biểu hiện sâu đậm mối quan hệ giao lưu văn hóa Đông - Tây trong lịch sử tại Hội An, góp phần tạo nên những mảng màu mới trong bức tranh văn hóa Hội An. Ngôi nhà thờ đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh vào ngày 7/4/2008 theo Quyết định số 1161/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Nam.
Tư liệu tham khảo chính:
1. Trần Ánh (2007), “Những Thăng Trầm của Kitô giáo tại thương cảng Hội An thời Trung Đại”, tập san Văn hoá Hội An xuân Đinh Hợi, tr48-51.
2. Đỗ Quang Chính (2007), Lịch sử chữ quốc ngữ năm 1620 – 1659, An Tôn và Đuốc sáng xuất bản.
3. Đỗ Quang Chính (2007), Tản mạn lịch sử Giáo hội Công giáo Việt Nam, An Tôn và Đuốc sáng xuất bản.
4. Đỗ Quang Chính (2007), Dòng Tên trong xã hội Đại Việt năm 1615-1773, An tôn và Đuốc sáng xuất bản
5. Đỗ Quang Chính (2007), Hai Giám mục đầu tiên tại Việt Nam, An tôn và Đuốc sáng xuất bản.
6. Lê Như Hảo (1985), Phải chăng Hội An là cái nôi hình thành chữ quốc ngữ đầu thế kỷ XVII - Kỷ yếu hội nghị khoa học về khu phố cổ Hội An năm 1985, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An xuất bản năm 2008.
7. Nguyễn Văn Hoàn(1990), “Hội An, một trung tâm giao tiếp văn hoá thế giới của Việt Nam ở thế kỷ XVII”, kỷ yếu hội thảo quốc tế về Đô thị cổ Hội An, NXB KHXH, HN,1991.
8. Phạm Đình Khiêm (2000), Người chứng thứ Nhất - Thiên anh hùng ca vị tử đạo tiên khởi Việt Nam, tái bản lần 2
9. Nguyễn Văn Kiệm (2001), Sự du nhập của đạo Thiên Chúa giáo vào Việt Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, Hội khoa học Lịch sử Việt Nam cùng Trung tâm UNESCO Bảo tồn và Phát triển văn hóa dân tộc Việt Nam xuất bản.
10. Nguyễn Chí Trung (2005), Cư dân Faifo - Hội An trong lịch sử, In tại Công ty in Quảng Nam.
11. Nguyễn Chí Trung (2007), “Biên niên Cù Lao Chàm”, Kỷ yếu Cù Lao Chàm: Vị thế, tiềm năng và triển vọng, Trung tâm QLBT Di tích Hội An xuất bản.
12. Nguyễn Phước Tương(2001), “Cảng thị Hội An-Cái nôi ra đời của chữ Quốc ngữ”, Huế Xưa & Nay, số 46(2001).
13. Nguyễn Văn Xuân, Niên biểu Hội An từ giữa thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XVIII, Hội thảo quốc gia về Đô thị cổ Hội An năm 1985.
14. Cổ Học Tùng Thư , Quảng Nam qua các thời đại, quyển thượng.
15. C-harles B.MayBon, Những người châu Âu ở nước An Nam (Nguyễn Thừa Hỷ dịch), Nhà xuất bản thế giới, Hà Nội, 2006.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền