Chiến thắng vùng Thượng Phước

Thứ tư - 25/12/2013 03:55
Vùng Thượng Phước thuộc thôn Trung Hà, xã Cẩm Kim, thành phố Hội An. Trong giai đoạn 1967 - 1975, nơi đây là địa bàn hoạt động của cán bộ xã Cẩm Kim, cán bộ Thị xã Hội An. Là nơi ghi dấu nhiều chiến công đánh địch của quân và dân Hội An.
          Sau tết Mậu Thân 1968, ở Cẩm Kim, Mỹ và chính quyền tay sai ra sức củng cố lực lượng, mở nhiều cuộc càn quét bằng máy bay vào thôn 1, 2, 3 và vùng Thượng Phước gây nhiều tổn thất nặng nề cho cách mạng. Đến năm 1969, Mỹ tiến hành chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh trên toàn miền Nam. Ở Hội An và Cẩm Kim, Mỹ và tay sai củng cố lực lượng, mở các cuộc càn quét, bắn phá dồn dập vào các thôn 1, 2, vùng Thượng Phước tàn phá các cơ sở cách mạng, truy lùng cán bộ. Chúng còn thường xuyên giám sát, phong tỏa các trục đường dẫn về Thượng Phước, chia cắt cán bộ với nhân dân. Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng các cán bộ Cẩm Kim vẫn bám trụ tại đây để duy trì phong trào cách mạng và chờ đợi thời cơ để tiến công địch.
          Tháng 6/1969, Đảng bộ Cẩm Kim xây dựng Thượng Phước trở thành khu căn cứ mạnh về mọi mặt, làm bàn đạp tấn công địch ở các thôn 1, 2, 3, Ngọc Thành… Đồng thời tiến hành đấu tranh chính trị, binh vận, mở nhiều cuộc đột kích, chống càn quét làm rối loạn vùng kiểm soát của địch, giành nhiều thắng lợi quan trọng. Bị đánh ngay trong vùng mình kiểm soát nên cuối tháng 7/1969, Mỹ và tay sai huy động một tiểu đoàn ngụy, có sự yểm trợ bằng máy bay, pháo binh từ quận Hiếu Nhơn mở một đợt phản kích lớn vào vùng Thượng Phước nhằm tàn phá căn cứ cách mạng. Qua nhiều ngày bám trụ, kiên quyết chiến đấu, giành giật từng tấc đất với địch, Bộ đội địa phương Hội An và du kích Cẩm Kim đã bắn cháy 1 máy bay, loại khỏi vòng chiến đấu một trung đội địch, bẽ gãy cuộc càn quét của chúng, ngăn chặn địch mở rộng chiếm đóng đông Duy Xuyên, nam Hội An, giữ vững vùng giải phóng Thượng Phước.
          Sang đầu năm 1971, Mỹ và tay sai âm mưu tiếp tục giữ vững thế chủ động trên địa bàn xã nên đổi phương châm bình định cấp tốc sang bình định đặc biệt, chúng mở nhiều cuộc kiểm soát, càn quét khống chế căn cứ cách mạng Thượng Phước. Nắm được chủ trương của địch, Đảng bộ Cẩm Kim chỉ đạo cán bộ, du kích xã tấn công liên tục vào các đồn bốt tiêu hao sinh lực Mỹ và tay sai. Bị quân ta tiến công liên tục nên đến giữa năm 1972, chúng mở nhiều cuộc hành quân phản kích quy mô lớn vào căn cứ Thượng Phước. Mỹ và tay sai huy động 1 tiểu đoàn bộ binh cùng nhiều xe M.113 đánh vào Thượng Phước. Sau hai ngày tấn công không có kết quả, bọn chúng rút lui, căn cứ Thượng Phước được giữ vững. Trong cuộc chống trả này, cán bộ và du kích Cẩm Kim bắn cháy 1 xe lội nước, làm thiệt hại nhiều sinh lực địch.
          Bị thất bại liên tiếp trên các chiến trường miền Nam, Mỹ phải chấp nhận ký hiệp định Paris vào ngày 27/1/1973, buộc phải rút quân về nước, thừa nhận độc lập, chủ quyền của Việt Nam. Sau khi ký hiệp định, Mỹ vẫn chưa muốn từ bỏ sự can thiệp ở Việt Nam. Tại Cẩm Kim, Mỹ và tay sai củng cố bộ máy chính quyền đàn áp lực lượng cách mạng nhằm giành thế chủ động. Vào ngày 28/1/1973, địch huy động 1 tiểu đoàn lính cùng máy bay, xe tăng, ca nô chiến đấu tiến hành càn quét, mở rộng chiếm đóng vùng Thượng Phước. Với khẩu hiệu “tấc đất tấc vàng, giang san một dòng máu đỏ”, Đảng bộ xã đã chỉ đạo cán bộ, du kích chiến đấu kiên cường trong suốt 20 ngày đêm. Trong trận đánh này, chúng ta tiêu diệt một số tên địch, bắn cháy một máy bay, căn cứ Thượng Phước vẫn được giữ vững. Sau chiến thắng này, tại vùng giải phóng Thượng Phước, quân ta chủ động đối phó các cuộc càn quét của địch, giữ vững thế chủ động và chuẩn bị thời cơ tiến công địch trên toàn địa bàn Thị xã cho đến ngày quê hương Hội An giải phóng hoàn toàn.
          Có thể nói, vùng Thượng Phước không chỉ là địa điểm ghi dấu nhiều chiến công mà còn là căn cứ cách mạng phía Tây Nam Hội An trong những năm từ 1967 – 1975. Nơi đây nhiều đồng chí cán bộ chủ chốt của Thị xã Hội An, lực lượng cách mạng Hội An, Cẩm Kim… bám trụ, tổ chức nhiều cuộc tấn công, càn quét tiêu diệt sinh lực địch, giữ vững thế chủ động tiến tới giải phóng hoàn toàn quê hương Hội An.

* Tài liệu tham khảo:
- Ban chấp hành Đảng bộ thị xã Hội An (1996), Lịch sử Đảng bộ thị xã Hội An 1930 – 1975.
- Ban chấp hành Đảng bộ xã Cẩm Kim (2010), Lịch sử Đảng bộ xã Cẩm Kim 1930 – 1975, Nxb Đà Nẵng.
 

Tác giả: Phạm Phước Tịnh

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây