Bảo quản, phòng ngừa được thực hiện đồng bộ tại nơi trưng bày và kho bảo tàng. Được xác định là nơi lưu giữ tổng thể hiện vật bảo tàng nên việc thực hiện bảo quản, phòng ngừa đối với hiện vật tại kho bảo tàng là hết sức cần thiết.
Công tác bảo quản, phòng ngừa là công việc quan trọng và rất khó khăn, vì vậy chúng ta cần đảm bảo một số yêu cầu:
* Yêu cầu về phân chia tỷ lệ diện tích kho:
Kho bảo quản gồm có các phòng: phòng làm kho cơ sở, phòng làm kho bảo quản hiện vật tạm thời, phòng bảo quản các tài liệu, hiện vật được tạo ra trong quá trình nghiên cứu trưng bày, phòng xử lý hiện vật.
* Yêu cầu về mặt kỹ thuật của kho bảo tàng:
Khi thiết kế xây dựng kho cần chú ý: độ kín đáo của các phòng kho, hướng thải chất độc, vị trí đặt các thiết bị khử độc, thông gió, phòng cứu hoả được thuận tiện. Việc đảm bảo kỹ thuật kho bảo quản sẽ giảm thiểu nguy cơ bị tấn công bởi vi sinh vật, ô nhiễm môi trường…
* Phân loại hiện vật bảo tàng ở kho:
Phân loại hiện vật là chia hiện vật thành nhiều loại theo các tiêu chí nhất định. Từ đó, đối với từng loại sẽ có biện pháp bảo quản, phòng ngừa thích hợp riêng.
* Sử dụng hệ thống giá, kệ như một công cụ chính để bảo quản:
Không kê gần vách, đặc biệt là vách bên ngoài, vật liệu chế tạo giá, kệ phải là vật liệu không thải ra hoá chất và không gây ảnh hưởng hoá lý đến hiện vật.
* Tạo môi trường ổn định cho kho bảo quản:
- Vị trí của kho: ở nơi khô ráo, không sát vách ngoài, ở vị trí trung tâm của toà nhà để các phòng xung quanh có thể tạo ra những lớp đệm vì khí hậu và môi trường.
- Nhiệt độ, độ ẩm: Cần thường xuyên có chế độ theo dõi sự biến động của nhiệt độ, độ ẩm. Số lượng hiện vật kho cơ quan đang lưu giữ chủ yếu là hiện vật gốm, độ ẩm cần đảm bảo ở mức 60%, và không dưới 40%, nhiệt độ duy trì ở mức 180c. Có các thiết bị thông gió hoặc sử dụng thông gió tự nhiên (mở cửa vào buổi sáng, những ngày nóng bức mở cửa vào buổi chiều).
- Ánh sáng: Không cho ánh sáng tự nhiên chiếu vào phòng kho, điều quan trọng là ánh sáng phải đủ để có thể kiểm tra và quan sát được hiện vật (ánh sáng đảm bảo từ 500-600Lux).
- Ô nhiễm không khí: kiểm soát và khống chế các nguồn gây ô nhiễm, giảm thiểu sự thâm nhập ô nhiễm công nghiệp và đô thị.
- Nấm mốc, côn trùng động vật gây hại: thường xuyên kiểm tra định kỳ các bộ sưu tập hiện vật, sử dụng các loại bẫy để bẫy động vật gặm nhấm phá hoại.
- Phòng cách ly hiện vật: là phòng để hiện vật khi vừa sưu tầm về hoặc dùng để cách ly các hiện vật có các biểu hiện nhiễm côn trùng hoặc nấm mốc. Phòng luôn trong điều kiện ổn định về nhiệt độ và độ ẩm, nên cách biệt với kho của bảo tàng. Trong mọi trường hợp phòng này không được làm kho của bảo tàng.
- Xử lý hiện vật bị nhiễm ký sinh trùng: cách ly hiện vật, tìm nguyên nhân (độ ẩm quá cao, cửa sổ mở,…); vệ sinh hiện vật bị nhiễm ký sinh trùng, tẩy trùng thiết bị đã sử dụng.
Hiện trạng hệ thống kho bảo tàng Hội An: Có 03 phòng kho riêng biệt được bố trí tại tầng 03 của tòa nhà, gồm có: 01 kho hiện vật gốm vớt biển, 01 kho tranh ảnh, 01 kho bảo quản chung.
* Ưu điểm: Kho được bố trí tách biệt với các phòng làm việc, lựa chọn vị trí ở nơi cao, kho hiện vật gốm và tranh ảnh không sát vách ngoài, ở vị trí trung tâm của toà nhà. Một số kho tương đối kín, được trang bị các thiết bị thông gió, báo cháy. Việc phân loại hiện vật theo chất liệu được làm khá tốt, tạo được không gian cho từng loại hiện vật, thuận tiện cho việc bảo quản, sắp xếp. Đã trang bị được 06 kệ sắt sơn tĩnh điện chống gỉ sét, 06 kệ gỗ và 03 rương nhôm lớn và 03 rương gỗ để bảo quản hiện vật, 16 rương gỗ để bảo quản ảnh. Các vật dụng được đặt ở vị trí đảm bảo không ẩm hay thấm nước. Trang bị silicagel hút ẩm, các loại xốp mềm để đóng gói những hiện vật mỏng, dễ vỡ. Hệ thống điện đảm bảo đủ sáng cho việc kiểm tra hiện vật và không chiếu trực tiếp vào hiện vật.
* Nhược điểm: Kho bảo quản dù đã được quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu: các phòng sát kho vẫn bị nước mưa tạt vào gây đọng nước và làm ảnh hưởng đến các phòng kho đặc biệt là tranh ảnh và các hiện vật giấy, kho vẫn chưa khép kín còn nhiều khoảng hở nên dễ bị côn trùng xâm hại, việc hạn chế ánh sáng tự nhiên là rất khó thực hiện, thiếu các thiết bị để đảm bảo độ ẩm, nhiệt độ. Hệ thống điện vẫn chưa hoàn chỉnh nên gây khó khăn cho công tác nghiệp vụ tại kho. Chưa xây dựng được các phòng làm việc chuyên biệt trong kho bảo quản, thiếu phòng cách ly hiện vật, hiện nay việc xử lý các hiện vật sử dụng chung không gian với phòng cất giữ hiện vật, điều này gây khó khăn cho việc đảm bảo môi trường kho ổn định và an toàn cho hiện vật. Các trang thiết bị dù được bổ sung thường xuyên nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc và số lượng hiện vật hiện có, những thiết bị máy móc cần thiết cần được bổ sung cho kho để bảo quản hiện vật chất liệu giấy, kim loại vẫn chưa được đầu tư, vì thế những hiện vật khác nhau vẫn đang được lưu giữ trong một môi trường giống nhau nên chưa tạo được sự chuyên biệt và chuyên nghiệp trong việc bảo quản.
* Đề xuất:
Chọn 1 vị trí cố định để đặt phòng kho, cải tạo không gian hiện có theo phương án nâng cấp kho (đang triển khai) để đảm bảo sự khép kín và sử dụng các trang thiết bị hiện đại tạo môi trường ổn định cho phòng kho. Chọn vị trí để làm phòng xử lý hiện vật, phòng bảo quản hiện vật tạm thời. Sửa chữa hệ thống điện để đảm bảo chiếu sáng và thông gió cho các phòng kho. Cải tạo mái che với các phòng xung quanh để tránh nước mưa tạt vào gây ảnh hưởng đến độ ẩm trong các phòng kho. Trang bị thêm các máy móc, trang thiết bị hiện đại trong khả năng có thể như máy điều hòa nhiệt độ, máy hút bụi, hút ẩm, nhiệt kế, ẩm kế…
Kho bảo quản hiện vật có một vị trí quan trọng trong hoạt động bảo tàng vì thế sự quan tâm và đầu tư cho hệ thống kho là điều cần thiết. Có được điều đó thì việc bảo quản phòng ngừa tại kho sẽ được thực hiện tốt và đảm bảo sức sống cho hiện vật bảo tàng đang được lưu giữ Bảo tàng Hội An./.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền