Về ngôi nhà số 80 Trần Phú

Thứ ba - 11/02/2014 23:27
Nhắc đến Đô thị cổ Hội An - Đô thị thương cảng quốc tế lừng danh một thời, nằm phía tả hạ lưu sông Thu Bồn với nhiều chứng tích lịch sử, được bảo tồn gần như nguyên vẹn cho đến ngày nay, chúng ta thường nói đến các di tích lịch sử văn hóa như: Chùa Cầu (Cầu Nhật Bản, Lai Viễn Kiều), Chùa Ông, Tụy Tiên Đường Minh Hương, Hội Quán Phúc Kiến, Hội Quán Triều Châu, Hội Quán Quảng Đông,… Nhưng mấy ai để ý rằng, chính những ngôi nhà cổ đã góp phần quan trọng tạo nên những vẻ đẹp đằm thắm cho phố cổ. Trong số những ngôi nhà cổ ấy, chúng ta không thể không nói đến ngôi nhà số 80 đường Trần Phú, phường Minh An, thành phố Hội An. Ngôi nhà còn được biết đến với tên gọi hiện nay là “Bảo tàng Gốm sứ Mậu dịch Hội An”, nơi lưu giữ các giá trị di sản văn hóa lịch sử đặc sắc của cư dân Hội An nói riêng cũng như dân tộc Việt Nam và nhân loại nói chung.
        Vài nét về lịch sử của ngôi nhà: Từ thế kỷ XV, mảnh đất Hội An của xứ Quảng đã chính thức được gia nhập vào lãnh thổ Đại Việt. Nhà nước Hồ, Lê đã đúng đắn khi sử dụng hình thức “chinh phục bằng người” hơn “chinh phục bằng binh đao” đối với vùng đất lạ lẫm này. Nói rõ hơn thì nhà Hồ và nhà Lê đã tích cực đưa người Việt từ phương Bắc (chủ yếu là người Thanh, Nghệ) vào Chiêm Động, Cỗ Lũy (Quảng Nam, Quảng Ngãi) để khai hoang, lập làng, phát triển kinh tế thay vì dùng binh đao để chinh phạt. Tuy nhiên, phải đến thế kỷ XVII, dưới thời cai trị của chúa Nguyễn thì Hội An của xứ Quảng mới được biết đến với vai trò là một đô thị phồn thịnh bậc nhất của xứ Đàng Trong. Chính chúa Nguyễn với những chính sách cai trị hết sức tài giỏi, khôn khéo đã biến vùng đất “ác địa” này thành xứ sở trù phú. Một chính sách đặc biệt của chúa Nguyễn là cho phép những người ngoại quốc, mà cụ thể là người Hoa và người Nhật được phép đến Đàng Trong để tiếp tục khai hoang, mở đất, lập nên các xóm làng yên vui, rồi dần dà phố xá cũng theo đó mà xuất hiện. Chính Cristophoro Borri, một trong những nhà truyền giáo đầu tiên đến Nam Kỳ (Đàng Trong - BBT) đã nói về việc chúa Nguyễn Phúc Nguyên cho người Hoa và người Nhật được phép lập những khu phố riêng của họ ở Hội An. Ông ghi lại: “Vì cho tiện việc hội chợ, chúa Nguyễn đã cho phép người Trung Quốc và Nhật Bản làm nhà cửa theo tỷ lệ với số người của họ để dựng lên một đô thị. Đô thị này gọi là Faifo và nó khá lớn. Chúng ta có thể nói có hai thành phố, một của Trung Quốc, một của Nhật Bản. Họ sống riêng biệt đặt quan cai trị riêng và theo phong tục tập quán của mỗi nước(1).
         Như vậy, ngoài người Việt, chính người Hoa và người Nhật đã trực tiếp tạo dựng Hội An thành một thương cảng sầm uất được thế giới biết đến lúc bấy giờ. Hội An đã trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa lớn nhất ở Đàng Trong, là “chợ phiên quốc tế” nối liền các vùng miền và nhiều quốc gia lãnh thổ lại với nhau. Nhờ làm thương mại giỏi mà cư dân ở đây nhanh chóng trở nên giàu có, phố xá khang trang, nhiều ngôi nhà “bề thế” được dựng lên, trong đó có nhà số 80 Trần Phú. Theo một số tài liệu, dưới thời Pháp thuộc ngôi nhà này mang số 178 Rue Du Japonnail. Trước năm 1975 là số 110 đường Cường Để (2).
         Về chủ nhân ban đầu của ngôi nhà thì đến nay vẫn chưa xác định được. Theo khế ước còn lưu lại thì khế ước xưa nhất là thời Tự Đức thứ 11 (1858). Mãi đến năm Duy Tân thứ 9 (1915), ông Thái Thuận Thắng mua lại và ở cho đến năm 1992 (3). Nay ngôi nhà trở thành “Bảo tàng Gốm sứ Mậu dịch ở Hội An” do Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An chịu trách nhiệm quản lý.
        Về kiến trúc: Qua việc nghiên cứu, tìm hiểu thư tịch cùng với khảo sát thực tế cho thấy phần lớn các ngôi nhà cổ “bề thế” hiện đang bảo tồn ở khu phố cổ Hội An đều mang những nét tương đồng về kiến trúc tổng thể. Đó là nó được xây dựng theo dạng hình ống, gồm nhiều nếp, lợp ngói âm dương bằng đất nung, có giếng trời… và nhà số 80 Trần Phú cũng không nằm ngoài quy luật đó. Cụ thể nó được làm theo dạng hình ống, dài 30m, rộng 7m và được chia làm 4 nếp nhà nối liền nhau, mặt quay về hướng Nam (4). Nhà gồm có hai tầng, tường xây bằng gạch, sườn gỗ, mái lợp ngói âm dương. Ngôi nhà có chức năng chính là để ở, kinh doanh/buôn bán, thờ tự,… Trải qua thời gian dưới tác động bởi các yếu tố bất lợi của tự nhiên, ngôi nhà bị xuống cấp nặng. Chính vì vậy, năm 1993, Ủy ban Nhân dân thị xã Hội An (nay là Uỷ ban Nhân dân thành phố Hộ An) đã tiến hành trùng tu, tôn tạo ngôi nhà với sự hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật từ phía Nhật Bản. Đến năm 1995 thì việc trùng tu hoàn thành và được sử dụng làm Bảo tàng Gốm sứ Mậu dịch ở Hội An cho đến nay nhằm phát huy hiệu quả những giá trị vốn có của ngôi nhà.
        Về những hiện vật được trưng bày:  Hiện nay, tài nhà 80 Trần Phú - Bảo tàng Gốm sứ Mậu dịch Hội An trưng bày rất nhiều hiện vật gốm sứ có nguồn gốc từ nhiều vùng miền, nhiều nước với nhiều niên đại khác nhau. Nhưng phần lớn là gốm sứ có nguồn gốc Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan…
        Về hiện vật gốm sứ có nguồn gốc Việt Nam: Bảo tàng hiện tại đang trưng bày nhiều hiện vật gốm sứ khác nhau như: chén, bát, đĩa, vò, hũ, ống điếu, hạt cườm, đồ chơi… được sản xuất từ các lò gốm khác nhau ở nước ta như: Thanh Hà (Hội An), Phước Tích (Thừa Thiên Huế), lò Gò Sành (Bình Định). Các hiện vật có niên đại trong khoảng thế kỷ XVI-XVIII.
       Về các hiện vật gốm sứ có nguồn gốc Nhật Bản: Gốm sứ Hizen (Nhật Bản) được trưng bày ở đây gồm nhiều loại khác nhau như: đĩa, chén, bát,… phần lớn có niên đại vào khoảng thế kỷ XVII - XVIII. Gốm sứ Hizen được tráng men, có hoa văn trang trí rất sắc sảo, mô tả về cỏ cây/hoa lá, thú vật, con người… rất sinh động. Hầu hết gốm sứ Hizen trưng bày ở bảo tàng được phát hiện ở Hội An. Điều này khẳng định rằng cư dân Hội An lúc bấy giờ rất ưa chuộng gốm Hizen (Nhật Bản) và nó chứng minh rằng vào thế kỷ XVII người Nhật sống ở Hội An rất đông đúc.(5)
 

 
       Về hiện vật gốm sứ có nguồn gốc Trung Quốc: Cùng với gốm sứ có nguồn gốc Nhật Bản thì gốm sứ có nguồn gốc Trung Quốc được trưng bày ở Bảo tàng là khá phong phú và đa dạng. Các hiện vật gồm: chén, đĩa, bát, liễn, ché… có nguồn gốc từ các lò gốm Trung Quốc như: lò Việt Châu, Cảnh Đức Trần, Long Tuyền, Phúc Kiến… Niên đại từ thế kỷ XII - XIX.  Trong các hiện vật trưng bày nổi bật là ché. Ché được trưng bày ở đây rất đẹp, hoa văn tinh xảo, trang trí hình rồng 4 móng, với chủ đề “Lưỡng long tranh châu”...
      Ngoài ra, Bảo tàng còn trưng bày nhiều hiện vật gốm sứ có nguồn gốc từ: Thái Lan, Islam, Chăm (Việt Nam). Căn cứ vào các hiện vật gốm sứ được trưng bày tại nơi đây sẽ cho chúng ta hiểu rõ hơn về lịch sử mà cụ thể là: sự phát triển của kỹ thuật làm gốm qua từng thời kỳ, nền thương mại của Đàng Trong dưới thời các chúa Nguyễn, đời sống vật chất và tinh thần của cư dân Hội An (Faifo) nói riêng và những nơi khác nói chung…
 

Hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Gốm sứ mậu dịch Hội An
Ảnh: Trung tâm QLBT DSVH Hội An
 
     Đặc biệt, ở đây còn trưng bày mô hình chiếc “ghe bầu”, là phương tiện mà thương nhân Đàng Trong, trong đó có thương nhân Hội An dùng để đi lại trên biển hồi thế kỷ XVI-XVIII. Ghe bầu đã được nhà truyền giáo tại Nam Kỳ - Bénigne Vachet mô tả: “Tại đây có hai loại thuyền hay ghe đi biển; một loại tên là ghe bầu, là các ghe lớn đi ven biển, có mái gắn chặt, được làm nên bởi nhiều tấm ván do đinh ghép lại, lớn nhỏ tỳ cỡ riêng của nó…” (6). Chính những chiếc ghe bầu đã làm sứ mệnh đưa hàng hóa (trong đó có đồ gốm sứ) ở Hội An nói riêng và của Việt Nam nói chung ra ngoại quốc và ngược lại. Đó như là lý do giải thích vì sao riêng ghe bầu được trưng bày cùng với các hiện gốm sứ vây quanh, nhưng nó sẽ là không bao giờ lẻ loi.
        Như vậy, ngôi nhà số 80 Trần Phú (Bảo tàng Gốm sứ Mậu dịch ở Hội An) mang trong nó các giá trị di sản văn hóa lịch sử hết sức đặc sắc, là chiếc cầu nối giữa quá khứ với thực tại, là “cái đơn” trong “cái đa” của nhà cổ, góp phần rất lớn trong việc tạo nên một Quần thể Đô thị cổ Hội An đồ sộ, độc đáo, đồng thời cho chúng ta thấy được những giá trị vô giá mà người xưa để lại cho hậu thế, đặc biệt rõ nhất là về gốm sứ. Và khi chúng ta đến với ngôi nhà này là tưởng chừng như mình đang được sống lại với một không gian xưa của Hội An. Hiện nay, ngôi nhà đang ở trong trình trạng được bảo quản, khai thác và phát triển du lịch rất tốt; thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu. Thiết nghĩ, chúng ta có thể học hỏi, rút kinh nghiệm từ đây trong việc trùng tu, quản lý, bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa nói chung và nhà cổ nói riêng, để góp phần nâng cao hơn nữa các giá trị di sản văn hóa lịch sử nước nhà. Bởi như J.H.Peyssonnaux đã từng nói “Xứ An Nam đẹp không phải chỉ do tự bản thân nó, mà một phần nào còn bởi các vết tích xưa kia trong quá khứ… nếu có một vết tích nào mất đi, thì đồng thời có ít nhiều cái đẹp của nó không còn tồn tại”(7)
        Chú thích
       1. Cristophoro Borri (1998), Xứ Đàng Trong năm 1621, Hồng Nhuệ dịch, Thành Phố Hồ Chí Minh: NXB Thành phố Hồ Chí Minh.
      2, 3. Nguyễn Thị Nhung (1992), Nhà 80 Trần Phú, tài liệu lưu trữ số LT9B.IV.68/80.1992.Nh tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, tr.1.
     4. Hướng Nam (hướng Ngọ), theo như các thầy địa lý xưa thì hướng này được xem là hướng rất tốt. Vì vậy mà các công trình của nhà nước phong kiến ở nước ta phần lớn đều quay mặt về hướng này. Tiêu biểu như Kinh thành Huế, chùa Thiên Mụ (Linh Mụ), lăng Khải Định...
     5. Xem thêm Võ Hồng Việt (2013), “Đồ sứ Hizen-Nhật Bản phát hiện ở Hội An”, hoianheritage.net, 10/01/2013.
     6. L.Cadière (Phan Xưng dịch) (2001), “Một chuyến đi thuyền ven biển Nam Kỳ vào thế kỷ XVIII”, BAVH, tập VIII, tr.51.
     7. J.H.Peyssonnaux (Phan Xưng dịch) (2001), “Các cuốn sổ tay của một nhà sưu tập đồ gốm cổ người Anh tại An Nam”, BAVH, tập IX, tr.125-126.

 
 

Tác giả: Hồ Châu

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây