Ấp chiến lược của Mỹ và chính quyền Sài Gòn xây dựng ở Hội An

Chủ nhật - 16/02/2014 20:44
Sau thắng lợi của phong trào Đồng Khởi năm 1960, lực lượng cách mạng miền Nam bắt đầu phát triển về mọi mặt. Trong khi đó, Mỹ và chính quyền tay sai bị thất bại nặng nề trên các chiến trường miền Nam. Nhằm củng cố lực lượng và giành lại thế chủ động trên các chiến trường, Mỹ và tay sai tiến hành chiến lược Chiến tranh đặc biệt với chính sách lập Ấp chiến lược. Mỹ và tay sai xem Ấp chiến lược là nội dung cơ bản, là “xương sống” của chiến lược Chiến tranh đặc biệt. Biện pháp chủ yếu trong Chiến tranh đặc biệt là hành quân càn quét, đánh phá, triệt hạ làng mạc, dồn dân, chiếm đóng, làm dân bị kìm kẹp nhằm “tát nước bắt cá”, cô lập lực lượng vũ trang cách mạng để họ không thể dựa vào dân, nhằm thực hiện ý đồ tiêu diệt lực lượng cách mạng.
      Ấp chiến lược tổ chức theo hình thức “tự quản, tự phòng và tự phát triển”, quản lý ấp là một Ban trị sự, phòng thủ bảo vệ ấp là lực lượng Phòng vệ dân sự, phối hợp với các đơn vị Thanh niên, Thanh nữ Cộng Hoà của ấp đó phụ trách.
      Ở Hội An, Mỹ và tay sai xây dựng Ấp chiến lược quy mô và chặt chẽ, không làm theo kiểu “hai sông ba núi(1) như các nơi khác. Ở những vùng xung yếu chúng bắt nhân dân nộp tre làm rào, sau đổi thành cọc sắt và dây thép gai, còn các nơi khác chúng bắt nhân dân trồng gai xương rồng dày đặc xung quanh. Mỗi ấp chúng để một hoặc hai cổng ra vào có lính thường xuyên kiểm tra, cổng chỉ mở từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều mỗi ngày, ai ra vào phải báo cáo ghi sổ theo dõi. Trong ấp chúng lập ra các “tam gia liên bảo”, “ngũ gia liên bảo” để kiểm soát chặt chẽ từng gia đình và từng người dân. Những người bị tình nghi, bị bắt ngủ tập trung và tham gia canh gác hằng đêm. Có thể nói, Ấp chiến lược thực chất là những trại giam trá hình của Mỹ và tay sai nhằm kìm kẹp nhân dân, tách rời nhân dân với cách mạng của chúng. Cùng với ấp chiến lược, chúng còn mở các cuộc càn quét, tấn công xuống đồng bằng nhằm tăng cường hệ thống phòng thủ và phân chia lại chiến trường với ta.
       Chính sách Ấp chiến lược đã gây ra những khó khăn rất lớn đối với phong trào cách mạng Hội An, nhiều cơ sở cách mạng bị cô lập và đánh phá, phải tạm lắng một thời gian dài.T uy nhiên, dưới sự chỉ đạo của Thị ủy Hội An, các cán bộ cách mạng Hội An vẫn duy trì hoạt động, khôi phục mạng lưới cơ sở đã bị đánh phá trong đợt “tố cộng, diệt cộng”. Đến năm 1962, đã có 68 cơ sở cách mạng được xây dựng, phục hồi, trong đó Cẩm Hà có: 25 cơ sở, Cẩm Châu: 8, Cẩm An: 15, Cẩm Nam: 1, Cẩm Thanh: 10, Cẩm Kim: 7 và nội ô: 2(2)
       Vào tháng 11/1963, chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ, sự khủng hoảng về chính trị tạo thời cơ cho phong trào cách mạng Việt Nam, cách mạng Hội An đấu tranh, nhiều cán bộ cách mạng Hội An được thả tự do về lại địa phương tiếp tục hoạt động, một số cơ sở cách mạng trong quần chúng được liên lạc, tổ chức lại chặt chẽ và giành được nhiều thắng lợi giành ở Cẩm An, Cẩm Hà, Cẩm Thanh….
      Đến tháng 8/1964, Hội nghị cán bộ Hội An được tổ chức nhằm mục đích bàn chiến lược tiêu diệt địch, mà trọng tâm lúc này là phá ấp chiến lược giành quyền làm chủ ở các vùng nông thôn do địch chiếm đóng. Hội nghị thống nhất chủ trương, kế hoạch phát động nhân dân Thị xã khởi nghĩa làm chủ các vùng nông thôn, lấy lực lượng quần chúng tại Thuận Tình làm nòng cốt để giải phóng Cẩm Thanh, sau đó dùng Cẩm Thanh làm bàn đạp giải phóng các xã còn lại.
Sau hội nghị, công tác chuẩn bị khởi nghĩa được tiến hành khẩn trương, dưới sự lãnh đạo của Thị ủy Hội An, cách mạng Hội An dành nhiều thắng lợi quan trọng tại Cẩm Thanh, Cẩm Hà, Cẩm Châu… Bước sang năm 1965, bộ đội và du kích các xã tiếp tục mở các cuộc tấn công địch để hỗ trợ cho các lực lượng quần chúng ở các địa phương, vùng giải phóng phía Nam thị xã được mở rộng liên hoàn với vùng giải phóng Đông Duy Xuyên. Với nhiều thắng lợi quan trọng trên toàn Thị xã, chính quyền cách mạng được thành lập ở các xã ngoại ô và nhanh chóng bắt tay vào xây dựng những nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.
     Như vậy, với nhiều thắng lợi quan trọng của quân và dân Hội An trong giai đoạn 1961 - 1965, chiến lược Chiến tranh đặc biệt với quốc sách lập Ấp chiến lược của Mỹ và tay sai bị phá sản hoàn toàn, buộc chúng phải thay đổi chiến lược nhằm cứu vãng tình thế. Từ đây, quân và dân Hội An tiếp tục xây lựng các cơ sở cách mạng mạnh về lực và chất để đối phó với âm mưu, thủ đoạn của Mỹ và tay sai cho đến ngày quê hương Hội An giải phóng hoàn toàn.

     * Tài liệu tham khảo:
     - (1), (2). Ban chấp hành Đảng bộ thị xã Hội An (1996), Lịch sử Đảng bộ thi xã Hội An 1930 - 1975, tr. 232.
     - Trần Bá Đệ (Chủ biên) (2008), Giáo trình lịch sử Việt Nam từ 1954 - 1975, Tập VII, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

Tác giả: Phạm Phước Tịnh

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây