Trước hết, địa danh ở Hội An nhiều về số lượng, phong phú về loại hình phản ánh rõ nét đặc điểm sinh thái, tự nhiên, xã hội và lịch sử của vùng đất nằm ở cửa sông, ven biển và đảo ven bờ. Ít có nơi nào mà số lượng loại hình địa danh đa dạng như ở Hội An với gần 100 loại hình chỉ các đối tượng địa lý tự nhiên và địa lý nhân văn thuộc khu vực đất liền và hải đảo Cù Lao Chàm. Một điều dễ dàng nhận thấy là khu vực nào mà địa hình địa mạo tự nhiên đa dạng thì nơi đó số lượng địa danh và loại hình địa danh nhiều. Hẳn nhiên điều này còn xuất phát từ hoạt động lao động sản xuất, sáng tạo và khám phá của con người. Nếu như ở Cẩm Thanh, số lượng địa danh chiếm khoảng 10% tổng số địa danh sưu tầm được trên toàn địa bàn thành phố Hội An thì ở Cù Lao Chàm lại chiếm đến 25%. Đặc biệt, trong tổng số địa danh ở Hội An chỉ đối tượng địa lý tự nhiên thì ở Cù Lao Chàm chiếm đến 45,4%. Tiếp cận địa danh chỉ đối tượng địa lý tự nhiên ở Cù Lao Chàm, số lượng loại hình và tần số xuất hiện của mỗi loại hình rất cao. Trong khi các địa phương ở khu vực đất liền chỉ có một vài loại hình thì ở Cù Lao Chàm có đến 27 loại hình, bao gồm nổng, nhỏn, nương, hòn, gò, cồn, dốc, đồi, eo, hố, hang, hục, vũng, sũng, khe, suối, mũi, bãi, bến, truông,… Ở Hội An, trong địa danh chỉ đối tượng địa lý tự nhiên, loại hình có số lượng địa danh nhiều nhất là cồn. Trong địa danh chỉ đối tượng địa lý nhân văn, loại hình có số lượng địa danh nhiều nhất là xóm.
Hội An được mệnh danh là mảnh đất “Hội thủy, hội nhân và hội tụ văn hóa vô cùng đa dạng”. Về tính chất “Hội thủy” của Hội An, dưới góc độ địa danh thể hiện rất rõ. Ở Hội An, số lượng loại địa danh địa hình và địa danh liên quan đến nước rất nhiều như cồn (cồn biển - cồn sông), ao, bến, hói, sông, vũng, khe, cống, cầu, bàu, suối,… Tính chất “Hội nhân” của mảnh đất Hội An thể hiện khá rõ trong diễn trình lịch sử. Những kết quả nghiên cứu khảo cổ học đã chứng minh trong quá khứ trên mảnh đất Hội An có nhiều lớp cư dân kế tiếp nhau sinh sống. Đầu tiên là lớp cư dân Tiền Sa Huỳnh - Bãi Ông, đến lớp cư dân Sa Huỳnh, Champa và các cộng đồng cư dân Việt, Hoa, Nhật, phương Tây. Tại Hội An có nhiều địa danh mang dấu ấn Champa như miếu Thần Hời, Trà Quân, Trà Quế, Lùm Bà, Lăng Bà Lồi, Lùm Bà Yàng, Cù Lao Chàm, … Hầu hết những địa danh ở Hội An mà hiện nay sưu tầm được được hình thành, xuất hiện dưới thời Đại Việt. Những đợt di dân của người Việt, người Hoa đến Hội An cư trú cùng với sự lui tới buôn bán của các thương nhân Nhật Bản, phương Tây đã thúc đẩy sự hình thành các địa danh chỉ đối tượng địa lý nhân văn ở Hội An như tổng, làng/xã, xóm, ấp,… thuộc địa lý hành chính cư trú, các địa danh chỉ công trình xây dựng mang tính chất văn hóa - tôn giáo, tín ngưỡng, các công trình xây dựng mang tính chất dân sinh và mang tính chất quân sự - chính trị. Ngoài địa danh người Việt chiếm số lượng áp đảo còn có nhiều địa danh liên quan đến người Hoa như cồn đất Bang, xã Minh Hương,… Dấu ấn lịch sử Hội An thời Pháp cũng thể hiện rất rõ qua địa danh với sự xuất hiện nhiều tên đường mang tiếng Pháp như Rue de Cantonnaise, Rue du Marché, Rue Hoi An,…
Địa danh ở Hội An thể hiện sự kết hợp đa dạng các yếu tố của ngôn ngữ. Về mô hình cấu trúc, địa danh ở Hội An bao gồm hai yếu tố chứa đựng hai nội dung thông tin. Yếu tố 1 là danh từ chung, chứa đựng thông tin về loại hình của đối tượng như làng/xã, xóm, ấp, hòn, bãi, hang,... Yếu tố 2 là tên riêng, chứa đựng thông tin riêng của từng đối tượng hoặc những ý nghĩa mà chủ thể đặt tên gửi gắm. Mỗi yếu tố đều có vai trò và chức năng riêng. Danh từ chung giúp nhận biết loại hình của đối tượng địa lý, tên riêng giúp phân biệt được đối tượng.
Một góc Cù Lao Chàm - Ảnh Hồng Việt
Danh từ chung chỉ các đối tượng địa lý tự nhiên, ngoài những từ quen thuộc chung như: sông, núi, ao, đầm, hồ, hố, lạch, kinh/kênh, mương, vũng, cửa, khe, gò, bãi, đồi, dốc, lùm, ruộng... còn có nhiều từ ít phổ biến hoặc biểu thị cho đặc điểm địa lý của Hội An như bàu, cù lao, hói, rộc, sũng, trảng. Danh từ chung chỉ đối tượng địa lý nhân văn, ngoài những danh từ chung chỉ các khu cư trú thường gặp như: xóm, ấp, thôn, làng, xã, phường, tổng, huyện,... ở Hội An còn có các danh từ chung mang sắc thái về lịch sử phát triển, phân cấp chính quyền, địa phương như vạn, phố, lân, khu,...
Tên riêng là thành phần chính trong cấu trúc địa danh. Ở Hội An, cấu trúc tên riêng ở Hội An khá đa dạng, bao gồm cấu tạo đơn và cấu tạo phức. Cấu tạo đơn gồm chỉ một từ đơn đơn tiết, được cấu tạo từ nhiều từ loại khác nhau như danh từ, động từ, tính từ, trạng từ, số từ; hoặc từ đơn đa tiết như Kiệt Sica... Cấu tạo phức gồm hai thành tố trở lên. Tên riêng cấu tạo phức ở Hội An được kết cấu theo 3 dạng gồm quan hệ đẳng lập, quan hệ chính phụ, quan hệ chủ vị.
Về phương thức định danh cho các địa danh ở Hội An sưu tầm được có phương thức tự tạo, phương thức ghép, phương thức gộp, phương thức rút gọn, phương thức chuyển hóa. Các địa danh chỉ đối tượng địa lý tự nhiên thường định danh theo phương thức tự tạo dựa vào đặc điểm sinh thái, tính chất hay hoạt động đặc trưng/điển hình tại khu vực. Các định danh này thể hiện rất rõ đối với các địa danh ở Cù Lao Chàm.
Địa danh được xem là “hóa thạch” của tự nhiên, lịch sử và văn hóa. Do đó, qua nghiên cứu về địa danh ở Hội An sẽ nhận diện sâu nhiều vấn đề về văn hóa, lịch sử của mảnh đất Hội An, góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Hội An hiệu quả hơn.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền