Một số thông tin về di tích Nhà lao xóm mới - Hội An

Thứ hai - 10/03/2014 04:04
Để đối phó với phong trào đấu tranh cách mạng của quân và dân Hội An nói riêng, của tỉnh Quảng Nam nói chung, thực dân Pháp rồi đến đế quốc Mỹ cùng bọn tay sai đã lập ra một số nhà lao ở Hội An để giam cầm, tra tấn cán bộ, chiến sĩ và đồng bào yêu nước của ta. Nhà lao Hội An do đế quốc Mỹ và tay sai lập ra cũng không ngoài mục đích đó.
        Kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi chưa lâu, quân và dân Hội An cùng với quân dân miền Nam lại phải đương đầu với một kẻ thù mới tàn bạo hơn là đế quốc Mỹ. Để phục vụ mưu đồ xâm lược lâu dài, đế quốc Mỹ đã nhanh chóng thiết lập hệ thống ngụy quyền trên khắp miền Nam. Riêng ở Quảng Nam, đến tháng 10/1954, ngụy quyền và các cơ quan đầu não cấp Tỉnh đã được kiện toàn và đóng hành dinh tại Hội An.
       Để đàn áp phong trào cách mạng của quân và dân Hội An nói riêng, của tỉnh Quảng Nam nói chung, ngụy quyền đã thực hiện nhiều biện pháp, trong đó có việc tiếp tục sử dụng nhà lao Thông Đăng ở số 129a Phan Chu Trinh, do thực dân Pháp xây dựng trước đó để giam cầm, tra tấn, qua đó làm nhụt ý chí chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào yêu nước của ta. Tại nhà lao Thông Đăng, hậu quả của chính sách “Tố cộng”, “Diệt cộng” mà chính quyền tay sai thực hiện từ năm 1955 làm cho số lượng tù nhân tăng cao, trong khi không gian chật hẹp của nhà lao này không còn đủ sức chứa. Vì thế từ cuối năm 1958, đầu năm 1959, ngụy quyền Quảng Nam lựa chọn khu đất ở Xóm Mới (thuộc phường Sơn Phong hiện nay) để lập nên một nhà lao mới. Đó là nhà lao Hội An, cũng thường được gọi là nhà lao Xóm Mới.
 


Nhà lao Xóm mới - Hội An
 
       Sau khi xây dựng xong, đến tháng 6/1960, chúng chuyển toàn bộ tù nhân ở nhà lao Thông Đăng ra giam cầm ở nhà lao này. Trong khoảng thời gian từ năm 1960 đến năm 1975, nhà lao Hội An đã giam cầm hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ và đồng bào yêu nước ở nhiều địa phương trong toàn tỉnh Quảng Nam. Tại đây, bên cạnh việc xây dựng cơ sở vật chất kiên cố để phục vụ mục đích giam cầm, tra tấn tù nhân ở bên trong như các hạng mục nhà giam, phòng biệt giam (xà lim), hội trường, văn phòng, … chúng còn tập trung thiết lập hệ thống bảo vệ với hàng rào, bốt gác xung quanh. Chế độ cai quản hàng ngày vô cùng khắt nghiệt, các hình thức tra tấn man rợ được sử dụng, … là những gì mà tù nhân phải chịu đựng bên trong nhà lao được núp dưới vỏ bọc của một “Trung tâm cải huấn”.
     Mặc dù vậy, tất cả những gì địch cố gắng thực hiện đều không khuất phục được ý chí kiên cường, tinh thần bất khuất của những người tù yêu nước. Những cuộc đấu tranh của tù nhân vẫn luôn diễn ra dưới nhiều thức khác nhau để chống chào cờ địch, đòi dân sinh, dân chủ, cải thiện bữa ăn, … đã góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh cách mạng ở Hội An phát triển. Cũng tại nhà lao này đã diễn ra những cuộc chiến đấu ác liệt giữa ta và địch. Tiêu biểu là trận tập kích vào đêm ngày 14/7/1967 của lực lượng vũ trang Hội An phối hợp với một đơn vị thuộc tiểu đoàn 2 của Tỉnh giải thoát 1.240(1) tù nhân.
      Trải qua thời gian lâu dài, đến nay nhiều hạng mục của nhà lao Hội An đã bị hư hại, xuống cấp. Tuy nhiên kết cấu của một nhà lao vẫn còn được bảo tồn tương đối đầy đủ với những hạng mục quan trọng gồm: bót gác và 2 trụ cổng; một dãy nhà văn phòng nằm về phía Tây và một dãy nhà lính gác lao nằm về phía Đông cổng vào; nhà hướng nghiệp nằm về phía Bắc nhà lính gác lao; nhà hội trường ở giữa khuôn viên nhà lao; dãy nhà giam nam ở phía Tây; nhà y tế, phòng biệt giam (xà lim), bếp ăn cơm tù và dãy nhà giam nữ nằm về phía Bắc hội trường. Các hạng mục khác đã bị hư hại chỉ còn lại nền móng như dãy nhà giam nữ phía Đông, khu hỏa thực phía Đông Bắc,… Ngoài ra trong khuôn viên nhà lao hiện còn 02 bót gác ở góc Đông Bắc và Tây Nam đều làm bằng bê tông và 04 giếng nước.
     Với những giá trị lịch sử quan trọng góp phần phản ảnh vào truyền thống đấu tranh cách mạng chung của Tỉnh, ngày 08/02/2007, di tích nhà lao Hội An được UBND tỉnh Quảng Nam ban hành quyết định xếp hạng là di tích cấp Tỉnh. Đặc biệt ngày 17/9/2010, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành quyết định phê duyệt dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích nhà lao Hội An. Từ năm 2012, dự án đã được triển thực hiện. Hiện nay, dự án đã hoàn thành giai đoạn I và sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn tiếp theo trong thời gian đến.
      Trong tương lai, di tích nhà lao Hội An sẽ trở thành một địa chỉ đỏ, một minh chứng sinh động về tội ác của địch đối với đồng bào đồng chí của ta để giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng không chỉ cho nhân dân Hội An mà còn nhân dân cả Tỉnh, nhất là đối với thế hệ trẻ; đồng thời giới thiệu đến bạn bè du khách gần xa về bề dày lịch sử và sự phong phú trong văn hóa của mảnh đất và con người Hội An.
      ----------------------
      Chú thích:
     (1): Theo Lịch sử Đảng bộ thị xã Hội An (1930 - 1975), trang 274.

Tác giả: Nguyễn Cường

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây