Du khách thích thú làm món Cao Lầu và mì Udon
Tương đồng
Năm nào cũng vậy, chị Akiyo Ninobe đến từ thành phố Kagawa (Nhật Bản) cũng quay lại Hội An ít nhất một lần. Cũng như những lần trước, lần trở lại vào dịp Tết Giáp Ngọ này, ngoài thăm những người bạn cũ, chị Akiyo không bỏ qua món cao lầu nổi tiếng ở phố cổ. Khi thưởng thức cao lầu Hội An, Akiyo kể say sưa về mối lương duyên giữa món cao lầu và mỳ udon của đất nước mình. Người Nhật tự hào để có được món mỳ udon Sanuki ngon nhất cần phải kỹ lưỡng trong khâu nhồi bột. Cách nhồi bột để làm ra món mỳ udon khá độc đáo. Người thợ phải sử dụng đôi chân của mình dẫm đạp khoảng 500 lần thì bột làm mỳ mới đảm bảo độ dai và ngon. “Từ khi người Nhật có mặt giao lưu buôn bán thì món mỳ nổi tiếng udon cũng xuất hiện tại Hội An. Chúng tôi chắc một điều rằng món mỳ udon Nhật Bản và cao lầu Hội An có mối giao thoa văn hóa rất đặc biệt. Sự tương đồng trong chế biến món cao lầu và udon là nét văn hóa tiêu biểu ẩm thực, thắt chặt thêm tình cảm giữa hai dân tộc Nhật - Việt” - chị Akiyo chia sẻ.
Từ lâu, cao lầu đã trở thành một món ăn có vị trí hàng đầu trong danh mục ẩm thực truyền thống ở Hội An. Tính độc đáo của món mỳ này không chỉ thể hiện ở cách làm mà còn thể hiện ở sự tài hoa chế biến của người dân địa phương, khả năng cảm thụ nhu cầu ẩm thực của các đối tượng khách đa dạng. Qua tô mỳ cao lầu làm từ những nguyên liệu sẵn có tại địa phương, du khách phần nào hiểu được cuộc sống cũng như tình cảm của con người, vùng đất Hội An. Lang thang phố cổ, thưởng thức món cao lầu thật ngon, tận mắt chứng kiến những công đoạn để làm nên một tô cao lầu bắt mắt, đầy hấp dẫn của ông Tạ Ngọc Hùng (phường Cẩm Châu) mới cảm nhận hết “Tại sao cao lầu Hội An nổi tiếng đến vậy?!”. Ông Tạ Ngọc Hùng cho biết: “Nghề làm mỳ cao lầu này tuy đơn giản nhưng kép công lắm, không như các loại mỳ khác, đặc trưng mỳ này ngon và dai. Mỳ cao lầu là đặc thù của riêng Hội An, không nơi nào có nên nó nổi tiếng”.
Tích hợp
Năm 2013 ghi dấu ấn 40 năm mối bang giao Việt Nam - Nhật Bản và sự kiện “Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản” lần thứ XI để lại nhiều ấn tượng sâu sắc, thú vị đối với du khách đến tham quan và trải nghiệm thực tế tại phố cổ. Đặc biệt, đối với những ai vốn yêu thích ẩm thực, món cao lầu Hội An và mỳ udon của người Nhật đã tạo nên sắc màu văn hóa độc đáo của 2 dân tộc, là dấu tích quá trình tiếp biến văn hóa từ thế kỷ XVII.
Từng nhiều lần đến Hội An, vợ chồng bà Jo Newbery (Úc) không ngại chờ đợi hàng tiếng đồng hồ xem người thợ làm ra tô cao lầu. “Rau, gia vị thật hấp dẫn, mùi vị thật ngon, khác bất cứ loại mỳ nào mà tôi từng thưởng thức. Thật thú vị khi tìm hiểu cách làm mỳ cao lầu của người dân nơi đây. Đất nước chúng tôi làm thực phẩm bằng máy móc, không giống như các bạn làm bằng tay, nhìn có vẻ dễ nhưng thật khó và cũng thật ngon” - bà Jo Newbery nói.
Cao lầu và udon không đơn thuần là một món mỳ ngon, nổi tiếng của Hội An và Nhật Bản, hơn thế nữa, nó còn lưu giữ nhiều dấu tích của quá trình giao lưu - tiếp biến văn hóa từng diễn ra mạnh mẽ một thời thương cảng Hội An vào những thế kỷ XVI - XVII. Là người có nhiều năm nghiên cứu văn hóa Hội An, ông Phùng Tấn Đông cho rằng, khoảng giữa thế kỷ XVII, người Nhật đã giao thương buôn bán và mang theo cách chế biến món udon đến Hội An. Mỳ cao lầu và udon của Nhật có nhiều nét tương đồng về sử dụng bột, cách chế biến và nước dùng… Món ăn này thích hợp cho những chuyến đi xa, lúc nào cũng có thể làm được, khi có bột mỳ, người Nhật có ngay món udon, có bột gạo thì người Hội An có món cao lầu. Ông Phùng Tấn Đông cũng cho rằng, lâu nay người ta tập trung giải mã xem mỳ cao lầu Hội An du nhập từ nước nào, nhưng có một thực tế đã được khẳng định: cao lầu Hội An và udon Nhật Bản là món ăn tích hợp của các nền văn hóa…
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền