Một công trình tu bổ di tích có thể được đánh giá là hiệu quả khi nó bảo tồn được tối đa các yếu tố có giá trị nguyên gốc. Các yếu tố đó bao gồm về hình dáng, kích thước, chất liệu, vật liệu, màu sắc, nghệ thuật trang trí,... của từ tổng thể, mặt đứng, nội thất đến từng bộ phận, cấu kiện hay chi tiết trang trí nhỏ nhất của công trình. Đặc biệt đối những di tích mà khi tu bổ nhất thiết phải hạ giải, cục bộ hay hoàn toàn, thì việc trả lại đúng vị trí ban đầu của từng cấu kiện, từng bộ phận, chi tiết cấu thành nó sau khi được sửa chữa, gia cố cũng là một yếu tố hết sức quan trọng quyết định đến hiệu quả của công tác tu bổ, và để thực hiện được điều đó thì việc đánh dấu chúng trước khi tiến hành hạ giải là hết sức cần thiết và có ý nghĩa rất quan trọng.
Việc đánh dấu cấu kiện còn đặc biệt quan trọng hơn đối với loại hình kiến trúc gỗ truyền thống, như trong quần thể kiến trúc khu phố cổ Hội An chẳng hạn. Với tính chất đặc thù của thể loại công trình, bao gồm nhiều cấu kiện, bộ phận, chi tiết liên kết với nhau chủ yếu bằng các loại mộng và được gia công từ vật liệu gỗ vốn dễ hỏng theo thời gian cũng như do các yếu tố tác động từ bên ngoài. Tính chất đó khiến cho công trình khi đến tuổi thọ nhất định thì thường xảy ra tình trạng hư hỏng đồng loạt, ở hầu hết các cấu kiện, từng bộ phận dẫn đến xuống cấp toàn bộ công trình. Điều đó cho thấy, các di tích kiến trúc gỗ nói chung và di tích trong khu phố cổ Hội An nói riêng khi đã hư hỏng phải tiến hành sửa chữa thì hầu hết đều phải hạ giải hoàn toàn. Phân tích như vậy để thấy rõ hơn tầm quan trọng và tính cần thiết của công tác đánh dấu cấu kiện, đặc biệt là cấu kiện gỗ của di tích trước khi hạ giải để tiến hành tu bổ.
Đề cập đến vấn đề đánh dấu cấu kiện không phải vì công tác này trong tu bổ di tích ở Hội An chưa được thực hiện hay chưa được quan tâm đúng mức. Mà thực tế công việc này luôn được tiến hành tại tất cả các công trình tu bổ di tích cần hạ giải để tu bổ, sửa chữa. Điều muốn nói ở đây là mặc dù được quan tâm, tuy nhiên việc triển khai đánh dấu cấu kiện lại gần như chỉ dựa vào thói quen, kinh nghiệm người thợ, mà mỗi người thợ lại có cách đánh dấu của riêng mình. Thực tế chưa có một phương pháp thật sự khoa học và thống nhất nào được đưa ra để áp dụng cho tất cả mọi người, mọi công trình. Điều này gây khó khăn không nhỏ đến việc tổ chức thi công, đặc biệt là ảnh hưởng đến chất lượng khoa học của công trình tu bổ di tích. Bởi với phương pháp đánh dấu một cách chủ quan, manh muốn như vậy thì ngay cả người thực hiện việc đánh dấu cũng rất khó khăn khi muốn xác định chính xác vị trí nguyên trạng của cấu kiện sau khi đã tháo rời chúng ra khỏi cấu trúc, kết cấu của di tích. Và điều này lại càng khó khăn hơn nhiều đối với những người khác có liên quan, đặc biệt là những người làm công tác kiểm tra, giám sát và lập hồ sơ khoa học. Thực tế nhiều công trình lâu nay cho thấy, sau khi rời khỏi kết cấu, cấu trúc tổng thể của di tích thì bản thân cấu kiện đã không thể hiện được một cách cụ thể, rõ ràng và chính xác “địa chỉ” của nó trong cái tổng thể ấy. Để biết được điều đó, những người làm công tác quản lý, giám sát hay lập hồ sơ khoa học thường phải thông qua những người thợ. Nhưng như đã nêu ở trên, kể cả như vậy cũng chưa hẳn đã có thể được cho là chính xác. Nói như vậy không có nghĩa là công tác tu bổ di tích ở Hội An lâu nay là không đảm bảo nguyên tắc khoa học, cũng không có nghĩa là cấu kiện sau khi tháo dỡ để gia cố sửa chữa không được trả lại vị trí ban đầu của nó mà vấn đề muốn đề cập ở đây là sự trở ngại, khó khăn về nhiều mặt trong việc thi công và xây dựng hồ sơ khoa học khi chưa có một phương pháp đánh dấu cấu kiện thực sự bài bản.
Phân tích như vậy để thấy được những bất cập, tồn tại của việc đánh dấu cấu kiện, đặc biệt là cấu kiện gỗ trong công tác tu bổ di tích ở Hội An và yêu cầu cần thiết và cấp thiết phải có một phương pháp đánh dấu thật sự bài bản và khoa học, được sử dụng thống nhất chung cho mọi công trình, cho mọi đối tượng trực tiếp tham gia vào quá trình tu bổ di tích. Một phương pháp mà mọi chủ thể tham gia đều phải biết, phải hiểu và phải tuân thủ để cùng nhau triển khai thực hiện một cách có hệ thống, có trình tự trong suốt quá trình triển khai công trình, từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc.
Phương pháp đánh dấu cấu kiện bài bản, khoa học phải đưa ra được các hướng dẫn, điều kiện cũng như những yêu cầu một cách cụ thể, rõ ràng và đầy đủ. Chẳng hạn đối với cách ký hiệu một cấu kiện phải thể hiện được tên (viết tắt), thứ tự và vị trí chính xác của nó trên cơ sở các trục bản vẽ định vị, tuyệt đối không có sự trùng lắp giữa các cấu kiện khác nhau. phải hướng dẫn đánh dấu cho toàn bộ các loại cấu kiện ở mọi vị trí khác nhau, các ký hiệu phải được đơn giản hóa để thuận tiện cho việc đánh dấu cũng như ghi chép hồ sơ... Hay đưa ra yêu cầu về chất liệu và vị trí ghi ký hiệu, phải đảm bảo không bị phai mờ trong suốt quá trình tháo dỡ, gia công cho đến khi lắp dựng và dễ dàng nhìn thấy khi quan sát ở những vị trí cơ bản,... Và đặc biệt, phương pháp phải đưa ra trình tự thực hiện, bắt đầu ngay từ trong hồ sơ thiết kế thi công việc đánh dấu đã phải thể hiện một cách chính xác rõ ràng và đầy đủ. Từ bản vẽ ký hiệu hoàn hảo, các ký hiệu mới được cụ thể hóa lên cấu kiện và phải được nghiệm thu chấp nhận mới tiến hành công việc tháo dỡ...
Đánh dấu cấu kiện di tích khi hạ giải tu bổ là công việc hết sức quan trọng nhằm đảm bảo các nguyên tắc về tu bổ di tích. Đối với khu phố cổ Hội An, công việc này càng cực kỳ quan trọng giúp bảo tồn nguyên vẹn và phát huy hiệu quả giá trị di sản kiến trúc nói riêng, di sản văn hóa nói chung./.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền