Đây là một ngôi chùa của làng Kim Bồng, có niên đại xây dựng từ khá sớm, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Kim Bồng xưa, Cẩm Kim ngày nay. Theo bài viết “Những thông tin mới về chùa Kim Bửu ” của ông Tống Quốc Hưng, ngôi chùa này có niên đại hình thành muộn nhất cũng phải vào giữa thế kỷ thứ XVIII.
Từ khi được xây dựng cho đến nay, chùa Kim Bửu đã gắn bó, gần gũi với đời sống của người dân Kim Bồng, trở thành nơi sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng, đáp ứng đời sống tâm linh của người dân. Hơn thế nữa, nơi đây còn ghi dấu những sự kiện quan trọng về quá trình đấu tranh cách mạng của quân và dân Hội An, Quảng Nam.
Theo lịch sử Đảng bộ xã Cẩm Kim giai đoạn 1930-1975, vào tháng 4/1944, tại chùa Kim Bửu, còn gọi là chùa làng Kim Bồng, Tỉnh ủy Quảng Nam đã mở hội nghị tái lập Tỉnh ủy lâm thời, do đồng chí Trần Văn Quế làm bí thư. Trong hội nghị này, Tỉnh ủy đã đề ra nhiệm vụ xây dựng lại tổ chức Đảng, đoàn thể, đẩy mạnh công tác tuyên truyền.
Đầu năm 1945, mặc dù lúc này người dân Kim Bồng đang sống trong cảnh đói nghèo cùng cực do chính sách độc canh nông nghiệp của Nhật ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân xứ Quảng nhưng phong trào cách mạng ở Kim Bồng ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Vào ngày 12/3/1945, Trung ương Đảng ra chỉ thị“Nhật- Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” trong đó có nội dung chỉ đạo các địa phương chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, đánh đuổi quân Nhật giành chính quyền. Cuối tháng 5/1945, tại chùa Kim Bửu, Tỉnh ủy mở hội nghị để quán triệt các chỉ thị “Nhật- Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, “Chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang”, “Lập ủy ban Dân tộc giải phóng”. Theo tinh thần đó, ở Kim Bồng, Uỷ ban Việt Minh đã được củng cố, các hội đoàn như: Hội công nhân Cứu quốc, Thanh niên Cứu quốc, Phụ nữ Cứu quốc được kiện toàn phát triển, số lượng các hội viên của hội đoàn đã lên đến cả trăm người. Từ đây, không khí chuẩn bị khởi nghĩa bắt đầu diễn ra khắp xã.
Sự nổi dậy mạnh mẽ của người dân Kim Bồng, hòa cùng không khí hào hùng, sôi động của phong trào cách mạng tỉnh Quảng Nam, đến 6h00 ngày 18/8/1945, Tỉnh trưởng bù nhìn Tôn Thất Giáng buộc phải giao nạp ấn tín, tài liệu, sổ sách, đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của chính quyền phong kiến, tay sai tỉnh Quảng Nam đóng tại Hội An, cuộc khởi nghĩa được thành công triệt để. Hội An trở thành một trong bốn thành phố tỉnh lị giành được chính quyền về tay nhân dân sớm nhất trong cả nước, góp phần quan trọng vào sự thành công của cuộc Cách mạng tháng Tám vĩ đại của dân tộc.
Với những thuận lợi về địa bàn hoạt động, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, chùa làng Kim Bửu lại là một trong những cơ sở cách mạng quan trọng của Thị uỷ Hội An.
Vào một buổi sáng tháng 4/1965, du kích xã phối hợp cùng bộ đội Thị xã mai phục tại bến đò chùa Kim Bửu, chờ thuyền lính nghĩa quân Cẩm Kim đến gần, quân ta nổ súng, bắn chìm đò, diệt gọn một trung đội địch, trong đó có một thiếu úy. Chiến công này khiến cho quân địch trở nên dao động hơn khi hành quân ở Cẩm Kim.
Bước sang năm 1967, Cẩm Kim lại trở thành một trong những trọng điểm tấn công càn quét của địch, địch thường xuyên truy lùng, càn quét, bắn phá bằng không quân, hải quân vào vùng giải phóng, vùng tranh chấp, mở rộng chiếm đóng, khiến cho hoạt động kháng chiến của quân dân Cẩm Kim trở nên hết sức khó khăn. Vì vậy chính quyền cách mạng phải chuyển sang hoạt động bí mật vào ban đêm. Một số cán bộ hợp pháp của xã phải chọn chùa Kim Bửu là trụ sở hoạt động chính vào ban đêm để đảm bảo an toàn.
Trong chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ ngụy (1969-1975), ở Hội An và Cẩm Kim địch triển khai theo mô hình tam giác chiến: chiến tranh tâm lý, chiến tranh vũ trang, chiến tranh gián điệp.
Trước tình hình đó, quân và dân Cẩm Kim, Hội An kiên cường bám trụ, phá kèm, chống địch bình định và giành đất. Trong giai đoạn này, khu vực xung quanh chùa Kim Bửu cũng là một trong những địa điểm phục kích địch của ta. Tại đây, vào tháng 7/1969, đội công tác xã bí mật tiếp cận khu vực tập trung quân của địch gần chùa Kim Bửu, dùng lựu đạn diệt một tiểu đội Mỹ, phá hủy hệ thống liên lạc của chúng. Đây là trận đánh Mỹ thu được thắng lợi lớn trên địa bàn xã nhà, tạo nên tâm lý phấn khởi cho người dân.
Đầu năm 1974, du kích xã tiếp tục phát huy thế chủ động, mở nhiều cuộc tấn công lớn vào quân địch. Tiêu biểu là trận đánh vào tháng 4, đồng chí Nguyễn Đình Bán cùng 8 du kích mai phục xung quanh chùa Kim Bửu, khi lính biệt kích 706 đi càn ở các thôn về đến chùa, du kích tung lựu đạn, nổ súng, diệt 1 sĩ quan, 5 tên lính rồi rút lui an toàn. Sau đó du kích Cẩm Kim liên tục đánh các chốt điểm của địch khiến quân địch ở Xã phải vất vả, lúng túng đối phó.
Những thắng lợi mà quân và dân xã Cẩm Kim đã giành được là cơ sở quan trọng để Cẩm Kim thực hiện tốt công tác chuẩn bị lực lượng tiến đến giải phóng quê hương ở giai đoạn sau này.
Để góp vào thành công chung của quê hương, chùa Kim Bửu là một di tích, đồng thời là một địa điểm đã ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử cách mạng quan trọng trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Với những giá trị về mặt lịch sử, khoa học, nghệ thuật và văn hóa, di tích đã được UBND tỉnh Quảng Nam ra quyết định xếp hạng di tích cấp Tỉnh năm 2011.
-----------
* Tài liệu tham khảo:
- Lịch sử Đảng bộ xã Cẩm Kim (1930 - 1975).
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền