Giá trị mộc bản ở Chùa Phước Lâm

Thứ tư - 12/02/2014 04:39
Mộc bản Hán Nôm là một trong những loại hình văn khắc, nói cụ thể hơn nó là công cụ để in ấn khi công nghệ in ấn công nghiệp chưa ra đời. Chữ Hán Nôm được khắc ngược lên ván gỗ sau để khi in lên giấy sẽ có mặt chính diện có thể đọc được. Hiện nay, đa phần mộc bản không còn được sử dụng để in ấn mà trở thành nguồn tư liệu quý giá phục vụ nghiên cứu lịch sử, tôn giáo, mỹ thuật… Đến nay, tại Hội An còn lưu giữ được một lượng lớn (theo số liệu thống kê chưa đầy đủ có khoảng 1000 mộc bản các loại) các mộc bản ở các chùa – chùa Chúc Thánh, chùa Phước Lâm, chùa Long Tuyền, Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa Hội An và một số nhỏ khác nằm rải rác ở các ngôi chùa nhỏ và tại các tư gia. Trong bài viết này chúng tôi sẽ giới thiệu về nguồn tư liệu mộc bản hiện đang được lưu giữ tại chùa Phước Lâm.
Chùa Phước Lâm là một ngôi chùa thuộc dòng Lâm Tế Chúc Thánh do hòa thượng Ân Triêm (1712 – 1796) khai sơn vào khoảng năm 1736, đến nay đã trải qua 14 đời Trụ trì. Vị hòa thượng Trụ trì hiện nay là Thích Hạnh Hoa, được sự đồng ý của Hòa thượng chúng tôi đã thực hiện khảo sát nguồn tư liệu tại đây. Mộc bản chùa Phước Lâm được lưu giữ trên gác cổ lâu (gác trống) nằm về phía Tây Đại hùng Bảo điện. Chất liệu của mộc bản là các loại gỗ có tính chất mềm dẻo được sử dụng trong chạm khắc như mít, thị, mức… Do các yếu tố môi trường, vi sinh vật và các tác nhân khác nên chất lượng mộc bản tại đây đã xuống cấp và sẽ xuống cấp nặng nếu không có các phương pháp bảo quản chuyên nghiệp. Các mộc bản ở đây chủ yếu là ván khắc của các bộ kinh Phật, bùa chú, sớ điệp, công văn sử dụng trong chùa và các bản khắc kinh, giấy tờ, công văn trong tín ngưỡng thờ cúng Quan Thánh Đế Quân. Hòa thượng Thích Hạnh Hoa cho biết số mộc bản đang lưu giữ tại chùa có nhiều nguồn gốc khác nhau: là ván khắc của chùa được truyền lại từ các đời trước, của các chùa trong dòng Lâm Tế Chúc Thánh và các bản lưu lạc trong dân gian được thu lượm về chùa. Do xuất phát từ nhiều nguồn gốc khác nhau và quá trình lưu truyền đã bị hao hụt, mất mát nên số mộc bản ở đây tuy thuộc nhiều đầu mục kinh sách khác nhau nhưng hầu hết không còn đủ bộ, có rất nhiều bản chữ bị nứt, vỡ không đọc được. Hơn nữa, trong quá trình in ấn, các mộc bản này không được vệ sinh sạch sẽ nên mực in đọng lại trên ván khắc rất nhiều gây khó khăn cho việc đọc và giải mã tư liệu. Trong số các mộc bản ở đây cũng có nhiều mộc bản có nguồn gốc từ các chùa khác như chùa 勅 賜 金 (蓮?) 寶 印 寺: Sắc tứ Kim Liên Bảo Ấn tự1, chùa Thiền Tông ở Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng, chùa Chúc Thánh ở Hội An.
Các bản khắc này có kích thước dài - ngắn, dày - mỏng, cỡ chữ khác nhau. Bản khắc có kích thước lớn nhất là bản điệp thọ giới: 126,2 x 53,8 x 1cm bản khắc có kích thước nhỏ nhất là Thọ sinh kinh (壽 生 經): 26 x 25,5 x 3cm.
Về mặt niên đại, một số bản có thể xác định được niên đại tuyệt đối dựa vào các dòng chữ chú thích được khắc (khắc xuôi) lên mộc bản, bộ bản khắc bùa chú có dòng chữ Hán khắc lên bản đầu tiên như sau: 保 大 三 年 闰 二 月 十 方 本 道 仝 奉 供 勅 賜 福 林 寺 正 住 持 號 普 明 藏 板 共 十 六 片 留 在 本 寺 以 曉 後 印.
Phiên âm:
Bảo Đại tam niên nhuận nhị nguyệt, thập phương bổn đạo đồng phụng cúng Sắc tứ Phước Lâm tự chính Trụ trì hiệu Phổ Minh tàng bản cộng thập lục phiến lưu tại bản tự dĩ hiểu hậu ấn.
Dịch nghĩa:
Bảo Đại năm thứ 3 nhuận tháng 2, bổn đạo thập phương cùng phụng cúng [cho] ngài Phổ Minh [là] Chánh Tụ trì chùa Sắc tứ Phước Lâm tàng bản tổng cộng 16 phiến lưu tại bổn tự để in ấn sau này [cho] rõ ràng.
Hay trong một bản điệp có dòng: 臨 濟 源 派 … 天 台 山 禪 宗 寺 嗣 祖 开 山 諱 寶 耀 號 了 觀 和 尚 讀 偈…
Phiên âm:
Lâm Tế nguyên phái… Thiên Thai sơn Thiền Tôn tự tự tổ khai sơn húy Bảo Dực hiệu Liễu Quán hòa thượng độc kệ…
Dịch nghĩa:
Nguyên phái Lâm Tế… chùa Thiền Tôn [ở] núi Thiên Thai, nối tổ khai sơn tên húy Bảo Dực hiệu Liễu Quán hòa thượng đọc kệ…
Căn cứ vào đó có thể xác định được nguồn gốc của bản điệp này thuộc dòng Liễu Quán, tuy nhiên, dựa vào văn tự và phong cách hoa văn thì văn bản này được khắc lại vào thời Nguyễn chứ không phải thời chúa Nguyễn.
Các mộc bản không xác định được niên đại tuyệt đối thì có thể dựa vào thư pháp và các phương pháp văn bản học khác để xác định niên đại tương đối. Tóm lại, các bộ mộc bản đang được lưu giữ tại chùa Phước Lâm đều có khung niên đại nằm vào khoảng từ thời các chúa Nguyễn đến vị vua cuối cùng của Triều Nguyễn.
Với mục đích in ấn kinh sách, công văn phục vụ trong tín ngưỡng Phật giáo, bản khắc các bộ kinh Phật ở đây gồm: Đại thừa Kim cương bát nhã ba la mật kinh (大 乘 金 剛 般 若 波 羅 密 經 ), Kim cương thọ mệnh kinh (金 剛 壽 命 經), Diệu pháp liên hoa kinh (妙 法 蓮 花 經), A di đà kinh (阿 彌 佗 經 ), Vu lan bồn kinh (于 蘭 盆 經 ), Thọ sinh kinh (壽 生 經), Kinh hoa nghiêm (華 嚴 經). Tuy các bộ kinh này không còn được đầy đủ và chất lượng của các bản khắc đã xuống cấp, nhiều bản hoàn toàn không đọc được. Tuy nhiên, đây là nguồn tư liệu quý để nghiên cứu Phật giáo, đặc biệt là hệ phái Lâm Tế Chúc Thánh ở Hội An. Ngoài các bộ kinh, còn có các công văn phục vụ trong nghi thức Phật giáo khác, đó là các bản bùa, chú, sớ, điệp,… đây cũng là nguồn tư liệu quý giá phục vụ nghiên cứu Phật giáo, cũng như sự giao thoa giữa Đạo giáo, tín ngưỡng dân gian và Phật giáo ở Hội An. Thêm một điểm khá thú vị nữa, trong số các mộc bản ở đây có bản kinh, công văn của tín ngưỡng thờ cúng Quan Công: Đại Hán Hiệp Thiên Quan Phu tử thân giáng tế thế cứu cấp văn (大 漢 協天 關 夫 子 親 降 濟 世 救 急 文), Quan Thánh đế quân giác thế chân kinh (觀 聖 帝 君 覺 世 真 經). Ngoài các văn bản này, còn có một bộ kinh có tên là Minh thánh kinh hay còn gọi là Quan Thánh đế kinh2, điều này chứng tỏ tục thờ cúng Quan Công ở Hội An đã trở thành một tín ngưỡng dân gian phổ biến, nếu không nói là hội đủ các yếu tố để hình thành một tôn giáo3.

Mộc bản chùa Phước Lâm - Ảnh Trung tâm QLBT DSVH Hội An 
 
Ngoài giá trị về mặt nội dung, mộc bản chùa Phước Lâm còn mang nhiều giá trị về mặt nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật chạm khắc trên gỗ của nghệ nhân mộc ở Hội An. Nhiều bản khắc chi tiết và rất tinh xảo hình chư Phật, Bồ Tát, La Hán, khắc văn tự, hoa văn, và nhân vật. Các bản như: hồng danh bửu sám nghi thức (鴻 名 寶 懴 儀 式), niệm Phật vãng sanh tịnh thổ Tây phương công cứ chi đồ (念 佛 往 生 淨 土 西 方 公 據 之 圖), chư Phật hải hội (諸 佛 海 會), đại bi chú (大 悲 咒)… có độ chi tiết, phức tạp rất cao nhưng được các nghệ nhân mộc thể hiện nhuần nhuyễn không thua kém tranh vẽ.
Nhận thức được những giá trị đó, vào những năm 1990 Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đã tổ chức rập số lượng mộc bản này gần 852 bản để lưu trữ. Vừa qua (2013), Trung tâm cũng đã thực hiện phân loại, và đưa vào tủ chuyên dụng để bảo quản số mộc bản ở đây. Công tác này sẽ đảm bảo được nguồn tư liệu phong phú phục vụ học tập, nghiên cứu lâu dài♠
 
Chú thích
1. Có thể đây chính là chùa Kim Bửu tại thôn Phước Thắng xã Kim Bồng, thành phố Hội An.
2. Bộ này được lưu trữ tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An.
3. Vấn đề này chúng tôi sẽ đi sâu làm rõ trong bài viết sau.
 
Phụ lục bảng thống kê sơ bộ mộc bản chùa Phước Lâm
TT Tên mộc bản Kích thước
(cm)
Số lượng
1 Tuyển Tăng Đồ (選 僧 圖) 54 x 13 x 2,5 07
2 Đại thừa Kim cương bát nhã ba la mật kinh (大 乘 金 剛 般 若 波 羅 密 經 ) 63 x 24 x 2,8 21
3 Kim cương thọ mệnh kinh (金 剛 壽 命 經 ) 68 x 24 x 2,9 02
4 Đại bi chú (大 悲 咒 ) 63 x 13 x 3 09
5 Diệu pháp liên hoa kinh (妙 法 蓮 花經) 65 x 24 x 2 09
6 Phật tuyết tùy cầu tức đắc tự tại đà la ni thần chú kinh (佛 說 隨 求 即 得 自 在佗 羅 尼 神 咒 經) 58 x 8 x 2 04
7 A di đà kinh (阿 彌 佗 經 ) 64,6 x 25,2 x 1,9 04
8 Vu lan bồn kinh (于 蘭 盆 經 ) 64,7 x 25,9 x 2,7 02
9 Bùa chữ Phạn (không rõ nội dung) 80,5 x 14,3 x 2,1 01
10 Bùa khắc hình nam nhân, nữ nhân (cúng thế mạng) 43 x 17,7 x 1,5 02
11 Bùa chữ Phạn (không rõ nội dung) 76,8 x 25,8 x 2 01
12 Bùa tịnh độ liên hoa 58,1 x 30,1 x 2 01
13 Tây phương công cứ vãng sanh tịnh độ (phái quy y dành cho người đã chết) 26,7 x 45,8 x 2,2 01
14 Phù trấn quan nội (trấn trong quan tài) 47,7 x 24 x 1,4 01
15 Liên hoa tịnh độ phương 36,3 x 25,6 x 2,2 01
16 Chú vãng sinh 36,5 x 28,5 x 2,1  
17 Niệm Phật vãng sanh tịnh thổ Tây phương công cứ chi đồ (念 佛 往 生 淨土 西 方 公 據 之 圖) 62 x 34 x 1,9 01
18 Đại Hán Hiệp thiên Quan Phu tử giáng chế tế thế cứu cấp văn 94,5 x 45 x 2,3 01
19 Điệp dùng cho các sư trong phái Lâm Tế 62,3 x 42,3 x 2,5  
20 Điệp quy y phái Lâm Tế 53,3 x 38,5 x 1,3 01
21 Điệp thọ giới 126,2 x 53,8 x 1 01
22 Công án (dùng trong niệm phật) 51 x 27,5 x 3 01
23 Điệp quy y của dòng Lâm Tế 48 x 28 x 1,3 01
24 Hạ y chi đồ (bùa trấn ma quỷ) 139 x 32,6 x 1,6 01
25 Chánh pháp nhãn tạng (chứng nhận những vị có trình độ cao, bảng ghi thứ tự các đời truyền thừa) 118,2 x 30,9 x 2,2 01
26 Quan thánh đế quân giác thế chân kinh (觀 聖 帝 君 覺 世 真 經 ) 58 x 36 x 6,4 01
27 Thọ sinh kinh (壽 生 經) 26 x 25,5 x 3 02
28 Kinh hoa nghiêm (華 嚴 經) 33,3 x 22 x 3,6 01
29 Tuyển tăng đồ thuyết (選 僧 圖 說)   01
30 Bản in tên trang bìa các bộ kinh 71x23,3x1,6 01
31 Bản in tên trang bìa kinh
Đại phương quảng Phật hoa nghiêm kinh
39,8 x 19 x 1,3 01
32 Kinh sám hối 64,2 x 26,9 x 3 01
33 Hồng danh bửu sám kinh
(có khắc hình chư phật hải hội – hồng danh bảo sám nghi thức)
63,8 x 25,9 x 3 01
 

Tác giả: Ngô Đức Chí

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây