TỤC THỜ THÁI GIÁM BẠCH MÃ Ở HỘI AN

Thứ tư - 12/02/2014 03:29
Trong danh sách các vị thần được thờ phổ biến tại nhiều di tích tín ngưỡng ở Hội An chúng tôi đặc biệt quan tâm đến một vị thần có tên là Bạch Mã hoặc Thái giám Bạch Mã và dân gian thường gọi là ông Thái Giám. Đây là vị thần giữ vị trí cao và có ảnh hưởng lớn trong đời sống tín ngưỡng dân gian địa phương cũng như trong hệ thống phong thần của các vương triều phong kiến Việt Nam. Tuy nhiên qua phỏng vấn nhiều nhân chứng cao tuổi tại Hội An thì hầu như không ai biết rõ lai lịch của các vị thần này về thần tích cũng như lý do thờ tự, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau so với nguyên gốc.
        Để thấy được mức độ phổ biến của việc thờ thần Bạch Mã, dựa vào Bản khai phôn - clo (folklore) của các làng xã Việt Nam, phần Hội An, Quảng Nam, do Viễn Đông Bác cổ học viện thực hiện năm 1943 (1). Chúng tôi tổng hợp số sắc phong thần của các làng/xã ở Hội An như sau:
 
TT Tên làng/xã Tổng số sắc phong Số sắc phong Bạch Mã Khung niên đại của các sắc phong Bạch Mã
01 Phường Cẩm Phô 27 6 Tự Đức 5 (1852) đến Khải Định 9 (1924)
02 Phường Sơn Phong 23 Không  
03 Phường Minh Hương 33 5 Tự Đức 5 (1852) đến Khải Định 9 (1924)
04 Xã An Mỹ 18 5 Tự Đức 5 (1852) đến Khải Định 9 (1924)
05 Xã Thanh Đông 21 4 Tự Đức 5 (1852) đến Duy Tân 3 (1909)
06 Xã Sơn Phô 19 5 Tự Đức 5 (1852) đến Khải Định 9 (1924)
07 Phường Điển Hội (Hội An) 22 8 Minh Mạng 7 (1826) đến Khải Định 9 (1924)
08 Xã Thanh Hà 27 8 Minh Mạng 7 (1826) đến Khải Định 9 (1924)
09 Xã Đế Võng 17 7 Minh Mạng 7 (1826) đến Khải Định 9 (1924)
10 Xã Thanh Nam 20 Không  
11 Làng Tân Hiệp 18 Không  
12 Miếu Hội Đồng Tỉnh ở Cẩm Phô 111 3 Minh Mạng 5 (1824) đến Thiệu Trị 3 (1843)

 
      Như vậy, chúng ta thấy rằng có đến 8/11 làng/xã ở Hội An ghi trong bản khai có sắc phong thần Bạch Mã trong số các sắc phong thần của làng, chiếm tỷ lệ 73%. Tuy nhiên chúng ta cũng cần lưu ý rằng các làng không có sắc Bạch Mã không có nghĩa là cư dân của làng đó không có hình thức tín ngưỡng này. Nhìn rộng ra trong bối cảnh cả tỉnh Quảng Nam ta thấy nhiều địa phương từ miền núi cho đến trung du, châu thổ cửa sông ven biển cũng có tục thờ thần Bạch Mã (2). Ngay tại miếu Hội Đồng Tỉnh (nay đã mất) cũng thờ thần Bạch Mã với sắc phong có niên đại khá sớm (1824). Thần Bạch Mã thường được thờ chung với Đại Càn tứ vị thánh nương, Thiên - y - a - na Chúa Ngọc và một số vị thần khác tại các đình làng. Tuy nhiên do tính chất đặc biệt về tín ngưỡng nên một số địa phương đã dựng nên những ngôi miếu để thờ riêng vị thần này và gọi bằng một cái tên dân gian là miếu ông Thái giám. Hiện nay ở Thanh Hà có hai miếu Thái Giám Bạch Mã, một ở Nam Diêu, một ở Thanh Chiếm. Tại Bàu Súng hiện vẫn còn một miếu Thái Giám. Tại Cẩm Phô trước đây cũng có hai miếu Thái Giám cúng mỗi năm hai kỳ vào 13/01 và 11/8 (âm lịch)(3). Hiện nay hai miếu này không còn. Ngoài ra ở các địa phương khác chắc rằng cũng có một số miếu Thái Giám nhưng đến nay không còn dấu vết do vật đổi sao dời và không được ghi chép trong tư liệu thư tịch.
     Nhìn vào bảng kê các sắc phong thần Bạch Mã ở Hội An ta thấy nổi lên một số vấn đề cần quan tâm. Về niên đại, các sắc phong này có niên đại sớm nhất được biết cho đến nay là vào năm Minh Mạng 5 (1824) hoặc Minh Mạng 7 (1826). Đây cũng là niên đại sớm nhất của các sắc phong thần khác hiện tồn ở Hội An. Không tìm thấy ở Hội An các sắc phong thần Bạch Mã nói riêng, các vị thần khác nói chung có niên đại thời Lê, thời các Chúa Nguyễn hoặc thời Tây Sơn. Tình trạng này có lẽ là hệ quả của sự bất ổn về chính trị qua sự thay đổi của các triều đại phong kiến ở Đàng Trong thời phân tranh, trong đó có thể có cả việc thu đổi, thu huỷ các sắc phong thần của triều sau đối với triều trước nhằm chính thống hoá vương quyền và thần quyền, nhất là vào triều Nguyễn sau khi Gia Long phục quốc.
     Cũng qua bảng kê chúng tôi thấy có sự không thống nhất trong các sắc phong thần Bạch Mã ở các làng/ xã về niên đại bắt đầu và danh hiệu gia phong. Căn cứ vào danh hiệu và thời điểm gia phong dường như có một sự phân vân không thống nhất trong cách nhìn nhận vị thần này của triều Nguyễn vào những thời điểm nhất định. Sự phân vân này thể hiện ở sự khác nhau của hai nhóm sắc phong Bạch Mã. Một nhóm có thời điểm bắt đầu vào năm Minh Mạng 7 (1826) của các làng/ xã Hội An, Thanh Hà, Để Võng. Thời điểm gia phong thần Bạch Mã của các làng này trùng nhau cả về ngày, tháng, năm. Nhóm còn lại có thời điểm bắt đầu vào năm Tự Đức 5 (1852) và thời điểm gia phong cũng trùng nhau ở các làng/xã Minh Hương, Cẩm Phô, An Mỹ, Thanh Đông, Sơn Phô.
     Đây là danh hiệu, mỹ tự, thời điểm gia phong của sắc phong thần Bạch Mã các làng/xã Hội An, Thanh Hà, Đế Võng:
 
TT Danh hiệu Mỹ tự gia phong Ngày, tháng, năm phong
01 Thái giám Bạch Mã chi thần Lợi Vật 17/9/1826
02 Lợi Vật, Bạch Mã chi thần Kiên Thuận 12/4/1843
03 Lợi Vật, Kiên Thuận, Bạch Mã chi thần Hòa Nhu 14/5/1843
04 Lợi Vật, Kiên Thuận, Hoà Nhu, Bạch Mã chi thần Đoan Túc 25/9/1800
05 Lợi Vật, Kiên Thuận, Hoà Nhu, Đoan Túc, Bạch Mã chi thần Đăng trật, không phong mỹ tự 24/11/1880
06 Lợi Vật, Kiên Thuận, Hoà Nhu, Đoan Túc, Bạch Mã chi thần Dực Bảo Trung Hưng 01/7/1887
07 Lợi Vật, Kiên Thuận, Hoà Nhu, Đoan Túc, Dực Bảo Trung Hưng, Bạch Mã chi thần Đăng trật, không phong mỹ tự 11/8/1909
08 Lợi Vật, Kiên Thuận, Hoà Nhu, Đoan Túc, Dực Bảo Trung Hưng, Thái giám Bạch Mã tôn thần Hàm Quang, thượng đẳng thần 25/7/1924
      (Xã Để Võng không có đạo sắc năm 1887, nên chỉ có 7 đạo Bạch Mã, các xã Hội An, Thanh Hà mỗi xã 8 đạo Bạch Mã )

     Như vậy nhóm thứ nhất chúng ta thấy rằng danh hiệu đầy đủ của vị thần này Lợi Vật, Kiên Thuận, Hoà Nhu, Đoan Túc, Hàm Quang, Dực Bảo Trung Hưng Thái Giám Bạch Mã, Thượng đẳng thần. Tuy nhiên, phẩm trật Thượng đẳng thần mãi đến đời Khải Định 9 (1924) mới được phong. Trước đó thì thần Bạch Mã không có phẩm trật cao và chúng ta cũng thấy rằng chỉ vào thời Minh Mạng và Khải Định thì danh hiệu Thái Giám mới được sử dụng kèm với Bạch Mã.
     Ở nhóm thứ hai, gồm sắc phong của các làng/xã An Mỹ, Cẩm Phô, Thanh Đông, Sơn Phô, Minh Hương, tình trạng như sau:
 
TT Danh hiệu Mỹ tự gia phong Ngày, tháng, năm phong
01 Dương Uy, Ngự Vũ, Bảo Chướng, Kiên Thuận, Hòa Nhu Bạch Mã thượng đẳng thần Hàm Quang 2/11/1852
02 Dương Uy, Ngự Vũ, Bảo Chướng, Kiên Thuận, Hòa Nhu, Hàm Quang, Bạch Mã thượng đẳng thần Đăng trật, không phong mỹ tự 24/11/1880
03 Dương Uy, Ngự Vũ, Bảo Chướng, Kiên Thuận, Hòa Nhu, Hàm Quang, Bạch Mã thượng đẳng thần Dực Bảo Trung Hưng 01/7/1909
04 Dương Uy, Ngự Vũ, Bảo Chướng, Kiên Thuận, Hòa Nhu, Hàm Quang, Dực Bảo Trung Hưng, Bạch Mã thượng đẳng thần Đăng trật,  không phong mỹ tự 11/8/1909
05 Thái giám Bạch Mã tôn thần Hàm Quang Dực Bảo Trung Hưng thượng đẳng thần 18/3/1917
06 Dương Uy, Ngự Vũ, Bảo Chướng, Kiên Thuận, Hòa Nhu, Hàm Quang, Dực Bảo Trung Hưng Thái giám Bạch Mã thượng đẳng thần Không phong mỹ tự, y cựu phụng sự 25/7/1924
 (Mỗi làng/xã có 5 đạo sắc Bạch Mã, riêng Cẩm Phô có thêm 1 đạo năm 1917 nên thành 6 đạo, xã Thanh Đông không có đạo năm 1924 nên chỉ có 4 đạo)
 
      Ở nhóm thứ hai ta thấy rằng, vào thời Tự Đức (1852), Bạch Mã đã được phong Thượng đẳng thần và có các mỹ tự là Dương Uy, Ngự Vũ, Bảo Chướng, Kiên Thuận, Hòa Nhu, Hàm Quang. Các đời sau chỉ gia phong thêm mỹ tự Dực Bảo Trung Hưng để có tên đầy đủ Dương Uy, Ngự Vũ, Bảo Chướng, Kiên Thuận, Hòa Nhu, Hàm Quang Dực Bảo Trung Hưng Thái giám Bạch Mã thượng đẳng thần. Và ở đây, cũng vào thời Khải Định thì danh hiệu Thái giám mới được sử dụng kèm với Bạch Mã chứ trước đó thì không có.
       So sánh hai nhóm ta thấy danh hiệu của vị thần này có sự khác nhau ở một số mỹ tự. Ở nhóm một có mỹ tự Lợi Vật, Đoan Túc, ở nhóm hai có mỹ tự Dương Uy, Ngự Vũ, Bảo Chướng. Còn lại, các mỹ tự khác thì giống nhau (Kiên Thuận, Hòa Nhu, Hàm Quang, Dực Bảo Trung Hưng). Sự khác nhau này cho thấy dường như có một sự không minh định rõ ràng về lai lịch vị thần này ở những người có trách nhiệm trong việc phong tặng. Lý do của tình trạng này chúng ta sẽ tìm hiểu ở các phần sau.
       Triều đình trung ương thì như vậy còn dân gian ở các địa phương tình hình cũng không khá hơn. Tất cả Hội đồng hương chính các làng/xã kể ở trên đều không nắm rõ lai lịch vị thần Bạch Mã và trả lời rằng việc thờ tự là do triều đình có sắc phong thì phải thờ (?) chứ không biết lý do. Thực tế này dẫn đến một cách hiểu mang tính thông tục khi cho rằng Bạch Mã là con vật đỡ chân của Thành Hoàng. Vì vậy tại các địa điểm thờ Thành Hoàng hoặc Thổ Địa thường có vật cúng là tượng ngựa trắng hoặc ngựa đỏ. Thật ra đây là một cách hiểu sai lệch. Khảo qua các sắc phong, thần Bạch Mã luôn có phẩm trật cao hơn Thành Hoàng. Khi Bạch Mã đã chính danh Thượng đẳng thần thì Thành Hoàng mới được gia phong là Trung đẳng thần. Thành Hoàng luôn là vị thần đứng đằng sau Bạch Mã trong ngôi thứ, phẩm trật phong thần thể hiện qua các sắc phong ở Hội An.
       Vậy thì, Bạch Mã là vị thần như thế nào mà lại được sùng tín, thờ tự một cách rộng rãi ở nhiều địa phương tại Hội An, Đàng Trong và nguyên gốc của vị thần này xuất phát từ đâu?
       Để tìm hiểu vấn đề mấu chốt này có lẽ chúng ta phải bắt đầu với hình tượng - biểu tượng ngựa trắng trong văn hóa phương Đông. Trong văn hóa Ấn Độ  và Trung Hoa, ngựa trắng là biểu tượng của việc truyền bá đạo Phật và hộ trì Phật pháp, bảo vệ các chùa tháp Phật giáo. Người Trung Hoa có câu: “Trâu xanh qua Tây phương, Ngựa trắng sang Đông Thổ” để chỉ việc phổ biến Đạo giáo sang Ấn Độ và truyền bá Phật giáo qua Trung Hoa. Hình tượng những con ngựa trắng lưng thồ những hòm kinh sách là biểu tượng của việc phổ biến kinh sách Phật giáo từ Ấn Độ sang Trung Hoa.
      Ở nước ta, ngôi đền Bạch Mã trấn phía Đông kinh thành Thăng Long xưa cũng gắn với truyền thuyết về việc vua Lý Thái Tổ theo dấu chân ngựa trắng mà xây nên kinh thành và từ đó ngôi đền thờ Thành Hoàng Thăng Long mang tên là đền Bạch Mã(4).
Một truyền thuyết - Phật thoại về ngựa trắng của Phật giáo Ấn Độ cần được quan tâm và có lẽ đây là truyền thuyết có quan hệ đến tục thờ Bạch Mã ở Hội An nói riêng, Đàng Trong nói chung. Trong Đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương Kinh, một bộ kinh chữ Phạn của Ấn Độ về cuộc đời của bồ tát Avalokitesvara (Quan Thế Âm bồ tát) có một đoạn kể về một tiền kiếp của bồ tát Quan Thế Âm lúc đó là một con ngựa thần màu trắng có cánh tên là Balaha đã giải cứu hoàng tử Sinhgala, tiền thân Phật Thích Ca, khi ngài cùng các khách thương bị nạn trên biển (5).
       Một Phật thoại Ấn Độ được dịch sang tiếng Việt có tên: “Một cuộc chiến thắng vinh dự” kể về tiền kiếp của phật Thích Ca, khi đó là Sinhgala con một lái buôn giàu có. Sinhgala đã dẫn 500 lái buôn ra khơi và gặp nạn trên biển. Nhờ một con ngựa thần màu trắng bay được tên là Balaha mà Sinhgala đã thoát khỏi nanh vuốt của bọn quỷ Dạ xoa và trở về đất liền (6)­­.
 

Chi tiết trang trí hình con ngựa tại án thờ ở Minh Hương Phật Tự - Ảnh Hồng Việt
 
       Như vậy một số kinh điển Phật giáo cổ Ấn Độ đã ghi lại lai lịch con ngựa trắng Bahala vốn là hóa thân của bồ tát Quan Thế Âm gắn với công đức, công tích cứu nạn trên biển, đặc biệt là cứu các thương nhân, thủy thủ gặp nạn khi đi lại buôn bán bằng đường biển. Có lẽ do công tích này mà thần Bạch Mã – một dạng Việt hóa của ngựa thần Balaha đã được thờ tự phổ biến ở Hội An cũng như ở những địa phương có hoạt động đi lại buôn bán, hành nghề trên biển bằng ghe thuyền. Tại chùa Quan Âm (Quan Âm phật tự, Minh Hương phật tự) ở Hội An, trong một bàn thờ may mắn còn sót lại một đồ án trang trí hình con ngựa có cánh đang sải bước/bay trên những đám mây hình cánh sen rất sinh động. Chúng tôi cho rằng đây chính là đồ án thể hiện ngựa thần Balaha hoá thân của bồ tát Quan Thế Âm. Một đồ án trang trí khiêm tốn nhưng là dấu vết quan trọng chứa đựng thông tin về nguồn gốc của tín ngưỡng thờ thần Bạch Mã còn sót lại ở Hội An rất đáng lưu ý.
       Tuy nhiên ở đây dường như cư dân Việt không tiếp thu trực tiếp hình thức thờ Bạch Mã từ Ấn Độ mà thông qua một khâu trung gian là người Chăm. Người Chăm vốn là những nhà hàng hải giỏi và họ tiếp xúc với văn hóa, văn minh Ấn Độ khá sớm. Có thể người Chăm ở duyên hải miền Trung với truyền thống giao thương buôn bán bằng đường biển của mình đã tiếp thu hình thức thờ ngựa thần Balaha từ Ấn Độ để phổ biến rộng rãi tại địa phương - tương tự các vua Campuchia thời trung đại đã dựng tượng ngựa thần Balaha - hóa thân của bồ tát Quan thế Âm tại ngôi đền Neak - Pean thuộc Angkowat (7).
Và đến lượt mình, các cư dân Việt, đặc biệt là những người làm nghề buôn bán trên biển đã tiếp thu hình thức thờ tự này từ người Chăm. Điều này lý giải tại sao việc thờ thần Bạch Mã phổ biến rộng rãi ở các địa phương ven biển miền Trung và Nam Bộ, nơi trước đây có cư dân Chăm sinh sống (8).
      Quay trở lại việc khác nhau của các mỹ tự trong hai nhóm sắc phong Bạch Mã ở Hội An ta thấy rằng các sắc phong thời Minh Mạng đã dùng mỹ tự Lợi Vật để gia phong vị thần này. Lợi Vật (mang lại lợi ích) là một mỹ tự gắn với hoạt động buôn bán, tiền của. Đến đời Tự Đức lại ban phong các mỹ tự Dương Uy, Ngự Vũ, Bảo Chướng (thật ra, trong sắc phong dùng từ “nguyên tặng” có nghĩa là trước đó đã có các mỹ tự này). Đây là những mỹ tự thể hiện tính chất bảo hộ, che chở, ngăn ngừa tai hoạ. Cả hai cách nhìn nhận này đều liên quan đến công tích của ngựa thần Balaha là cứu nạn, che chở những người buôn bán bằng đường biển và có lẽ do tiếp thu lại từ người Chăm nên dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau về vị thần Bạch Mã như chúng ta đã thấy.
     Còn một việc cũng cần làm sáng tỏ là tại sao thần Bạch Mã lại được/bị gắn thêm tên gọi là Thái Giám, vốn là từ để chỉ các hoạn quan. Lại phải quay về với hành trạng của Quan Thế Âm bồ tát. Do để cứu độ chúng sanh nên bồ tát Quan Thế Âm phải ở lại thế gian và hóa thân thành nhiều hình tướng khác nhau, nam có, nữ có không phân biệt giới tính. Con ngựa Balaha cũng vậy, không có giới tính. Để chỉ đặc điểm này, một số sắc phong triều Nguyễn đã dùng từ Thái Giám để gắn cho vị thần Bạch Mã đức cao vọng trọng (?). Cũng với quan niệm con ngựa trắng là không có giới tính nên cư dân Hội An có tục dùng tượng ngựa trắng để thờ vong linh các thai nhi bị mất khi còn nằm trong bụng mẹ, không rõ nam, nữ. Thật ra giữa thần Bạch Mã và tượng ngựa trắng này hoàn toàn khác nhau, một bên là một vị thần thượng đẳng còn một bên chỉ là đồ thờ, vật đỡ chân…
       Trải qua quá trình phát triển lịch sử và giao lưu - tiếp biến văn hóa sâu rộng, lâu dài, kể cả sự thay đổi về các cộng đồng chủ thể văn hóa từ người Chăm đến người Việt, hình thức thờ thần Bạch Mã - một vị thần gắn với hoạt động buôn bán trên biển đã có nhiều biến đổi so với nguyên gốc. Tuy nhiên, hình thức thờ tự này đến nay vẫn có sức sống bền bỉ, góp phần minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động giao thương buôn bán bằng đường biển cũng như các hình thức tín ngưỡng liên quan đến biển từ nhiều nguồn gốc khác nhau tại Hội An nói riêng, xứ Quảng, Đàng Trong nói chung♠
  
     Chú thích:
     (1) Bản sao tài liệu này hiện lưu trữ tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An
     (2) (3)Theo bản khai Phôn - clo đã dẫn
    (4)Quốc Sử quán triều Nguyễn (1997), Đại Nam Nhất thống chí, tập 3, Nxbản Thuận Hóa, tr 210 -211
    (5) Chung - Fang - Yu, Bồ Tát Quan Thế Âm?, theo Lecongda.20fr.com
    (6) Thích Minh Chiếu, tuyển tập Truyện cổ Phật giáo, tập II-3, Internet
    (7) Phan Anh Tú, Hình tượng Lokesvara trong nghệ thuật điêu khắc cổ Đông Dương, T/c Xưa Nay, số 238, tháng 6/2005
    (8) Tạ Chỉ Đại Trường (2006), Thần, Người và Đất Việt, Nxb Văn hoá Thông tin, trang 247 -255
 
 
 

Tác giả: Trần Văn An

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây