Đầu năm nói chuyện cuối năm

Chủ nhật - 16/02/2014 20:59
Hôm nay đã qua Nguyên Tiêu và mọi hoạt động đón Tết Giáp Ngọ 2014 gần như hoàn tất nhưng có một câu chuyện nằm trong chuỗi hoạt động đón Tết ở cuối năm âm lịch vẫn còn chưa ngã ngũ. Đó là việc dựng nêu đón Tết ở địa phương, di tích diễn ra vào ngày nào. Có ý kiến cho rằng sau khi Ông Táo về trời thì dựng nêu được rồi, ý kiến khác lại cho rằng nêu thường được dựng vào ngày cuối cùng của năm âm lịch tức 30 Tết hoặc 29 Tết nếu là tháng thiếu, cũng có ý kiến cho rằng từ 25 tháng Chạp trở lên là dựng nêu được rồi… Sở dĩ có sự thắc mắc này do những 4 năm gần đây Hội An đang tổ chức hoạt động phục dựng cây nêu ngày Tết tại các địa phương, tại các điểm di tích, nơi sinh hoạt cộng đồng mà hoạt động này thì từ lâu đã không diễn ra nên ngày tháng cụ thể để thực hiện dựng nêu đã gần như không còn hoặc đã phai mờ ít nhiều trong ký ức của nhiều người thậm chí đối với những bậc lão niên.
        Ở bài viết này, chúng tôi xin tổng hợp một số tư liệu, cung cấp một số thông tin ban đầu về ngày dựng nêu để những người quan tâm có thêm cơ sở tiếp tục tìm hiểu xác thực hơn, để cùng nhau thống nhất một ngày dựng nêu chính xác hơn.
Trong tác phẩm Gia Định Thành thông Chí được xuất bản vào thời Minh Mạng, đầu thế kỷ XIX, tác giả Trịnh Hoài Đức viết: Ngày trừ tịch tức ngày cuối cùng của năm, ở trước cửa lớn mọi nhà đều dựng 1 cây tre, trên buộc cái giỏ bằng tre, trong giỏ đựng trầu cau vôi, ở bên giỏ có treo giấy vàng bạc, gọi là dựng nêu… Đến ngày mùng 7 Tết thì triệt hạ, gọi là hạ nêu. Trong mấy ngày Tết phàm những khoản nợ nần thiếu thốn đều không được đòi hỏi, đợi ngày hạ nêu rồi mới được đòi(1).
        Trong sách Đại Nam Thực Lục chính biên, tập sáu, phần năm Ất Tỵ, Thiệu Trị, năm thứ 5 tức năm 1845, mùa Đông, tháng 12, có dụ về định lại ngày tế hợp hưởng có dụ rằng: Hằng năm. tháng Chạp làm lễ "tuế trừ", tháng đủ vào ngày 30, tháng thiếu vào ngày 29... đến ngày làm lễ trống canh năm, sau khi bắn súng, hữu ty bày đặt cỗ bàn, vàng bạc, hương đèn, các hạng lễ phẩm ở các miếu đền đủ cả, biền binh thì bày hàng lỗ bộ, nghi trượng, nhã nhạc ở hai bên tả hữu trước sân miếu, hoàng tử, hoàng thân đều mặc áo thân con mãng xà, chia đến các miếu để làm lễ "tuế trừ"... lễ xong, hữu ty chiếu lệ dựng nêu... 
       Mới đây, trên website chinhphu.vn, tác giả Phan Thanh Hải trong bài viết Tái hiện lễ dựng cây nêu chốn Hoàng cung  có đề cập rằng “Theo sử liệu, dưới triều Nguyễn, đến ngày 25 tháng Chạp là ngày trừ nhật, không tiếp nhận văn thư. Ngày này làm lễ khóa ấn, nghĩa là cất ấn triện, không đóng dấu nữa, rồi dựng cây nêu (Thướng tiêu). Đó là nghi thức dùng 1 cây tre trên đó lấy tranh kết 4 dọc 5 ngang, rồi treo 1 cái sọt bên trong đựng giấy tiền, cau trầu, bùa đào… để cúng Thần. Trên bùa đào ngoài việc ghi tên Thần, còn treo câu đối nghĩa là Năm mới nhiều điềm tốt/tiết đẹp gọi xuân lành). Đến thời Tự Đức, triều đình quy định đến ngày 30 tháng Chạp mới dựng nêu... Khi thấy cây nêu lấp ló trên bức tường thành của chốn Hoàng cung, các nhà dân mới bắt đầu tiến hành dựng nêu”. Tiếc rằng trong bài viết này tác giả không dẫn nguồn cụ thể văn bản qui định trong thời vua Tự Đức, chúng tôi tiếp tục tìm hiểu và thông tin về văn bản này trong thời gian gần đây.
       Dẫn một số tư liệu như trên cho thấy rằng có sự khác nhau về thời điểm dựng nêu và những cơ sở tư liệu này cũng là cơ sở cho sự suy nghĩ về ngày dựng nêu. Theo bài viết của tác giả Phan Thanh Hải thì việc dựng nêu là một hoạt động văn hóa dân gian được chính quyền phong kiến công nhận và qui định.
       Trở lại vấn đề dựng nêu ở Hội An, ngày dựng nêu trong dân gian chưa được điều tra và chúng tôi sẽ tiến hành trong điều tra xã hội học đối với các vị cao niên nhưng cũng rất khó khi mong muốn nhận được thông tin chính xác bởi hoạt động này đã thất truyền ít nhất là trên 40 năm và chỉ mới phục hồi lại trong những năm gần đây.
      Từ những tư liệu lịch sử như trên cho thấy việc dựng nêu vào ngày 30 tháng Chạp là có cơ sở lịch sử, chính thống. Vì vậy, chúng tôi thiết nghĩ Ban tổ chức hoạt động phục dựng cây nêu ngày Tết cần qui định ngày dựng nêu năm Ất Mùi 2015 vào ngày cuối cùng của năm âm lịch, dẫu biết rằng thời gian này là rất bận rộn đối với mọi người những đó là truyền thống và chúng ta đang thực hiện một hoạt động phục dựng truyền thống văn hoá.


      *Tài liệu tham khảo:
    1. Trịnh Hoài Đức: Gia Định Thành thông chí, Hậu học LÝ VIỆT DŨNG (dịch và chú giải),Tiến sĩ HUỲNH VĂNTỚI (hiệu đính, giới thiệu), Nhà xuất bản Tổng hợp Đồng Nai (tái bản), trang 85, phần 3.
    2. Phan Thanh Hải: Tái hiện lễ dựng cây nêu chốn Hoàng cung - Nguồn: chinhphu.vn 09:53 SA, 24/01/2014
    3. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam Thực lục, Hà Nội: NXB Gíao dục, Tập 6, trang 607, 608,.

 
 

Tác giả: Trương Hoàng Vinh

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây