Một vài câu chuyện về đồng chí Trần Thị Dư trong năm 1930 - 1931

Thứ hai - 17/03/2014 23:11
Đồng chí Trần Thị Dư sinh năm 1910 ở làng Cẩm Phô, Hội An, từ nhỏ mồ côi mẹ nên sớm phải lao động để nuôi thân. Trong hồi ký Buổi đầu gieo hạt, đồng chí Dư kể “… tôi làm ở xưởng chè Phi - a của Pháp trong thị xã Hội An. Xưởng này có 1.000 công nhân… chủ xưởng trả lương cho chúng tôi rất thấp: 12,13 xu một ngày… Đến năm 1925, xưởng này đóng cửa, tôi không còn công ăn việc làm, đành về nhà đi bán mì vằn thắn”.
Một vài câu chuyện về đồng chí Trần Thị Dư trong năm 1930 - 1931
      
          Tuy nhiên, việc buôn gánh cũng gặp nhiều khó khăn do phải bị xua đuổi của cảnh sát. Nhờ người anh là Trần Cần - người mà sau này trở thành cán bộ Tiền khởi nghĩa dìu dắt, chỉ bảo, đồng chí Dư bắt đầu học chữ, biết đọc, biết viết và hiểu biết lịch sử dân tộc, về bà Trưng, bà Triệu… Đặc biệt là đồng chí Dư đã được tiếp xúc và nhận nhiệm vụ giao liên từ các đồng chí Hà Mùi – sau này là Bí thư chi bộ đảng đầu tiên của Hội An và đồng chí Phan Văn Định trong Hội Việt Nam Cách Mạng Thanh niên của Hội An. Đến tháng 5 năm 1930, đồng chí được kết nạp vào Đảng. Trong quá trình hoạt động, đồng chí Dư đã quen và yêu đồng chí Huỳnh Lắm, một thành viên của Chi bộ đảng Hội An năm 1930.
       Trong thời gian Tổ chức Đảng tỉnh Quảng Nam và của thị xã Hội An mới ra đời, để phục vụ việc in ấn truyền đơn, tài liệu, đồng chí Dư phải xuôi ngược Hội An - Đà Nẵng để mua vật liệu phục vụ in ấn. Việc in ấn thực hiện trong nhà kho để ôtô của công sở Pháp do đồng chí Phan Văn Định làm lái xe. Tuy niên sau một thời gian thì cơ sở in ấn bị thực dân Pháp theo dõi gắt gao có nguy cơ bị lộ. Để đối phó với địch đồng chí Dư đã quyết định tổ chức làm đám cưới giả để có cơ sở in ấn nhằm che mắt địch.
Người chồng giả của đồng chí Dư là anh Lội, tức Nguyễn Tất Đạt, người Duy Xuyên, là một thợ cắt tóc. Mặc dầu phải lo làm đám cưới giả cho người yêu nhưng đồng chí Lắm không mảy may nảy sinh những suy nghĩ ích kỷ theo tình cảm lứa đôi mà rất tích cực chuẩn bị mua tràu, cau rượu. Sau đám cưới, đồng chí Dư và anh Lội đến ở tại một nhà tranh ở gần giếng ông Còm, Xóm Da, Cẩm Phô. Tại ngôi nhà mới này, anh Lội hàng ngày đi hớt tóc, đồng chí Trần Kim Bảng, Trần Đại Quả bí mật in ấn các truyền đơn, tài liệu của Tỉnh ủy, đồng chí Dư giả vờ làm nghề giao hàng, hưởng hoa hồng nhưng thực tế là ngược xuôi các địa bàn để giao tài liệu của Tỉnh ủy cho các cơ sở. Đồng chí Dư còn phụ trách việc rải truyền đơn tại các Tòa sứ, Trụ sở cảnh sát và khu vực từ Chùa Âm Bổn lên đến Chùa Cầu.
Sau đợt đồng chí Trần Kim Bảng diễn thuyết tại trước Chùa Quảng Triệu khoảng 2 tháng, Cảnh sát Pháp và lính khố xanh đã đến nhà đồng chí Dư và bắt đồng chí Bảng, Quả… Từ đây, hoạt động của Chi bộ Đảng Hội An bị tạm lắng xuống. Đồng chí Dư trải qua những ngày tháng bị tra tấn, chịu đựng đời sống khắc nghiệt trong nhà lao nhưng đồng chí Dư vẫn tiếp tục đấu tranh tuyệt thực, phản đối chế độ cầm tù hà khắc của địch.
       Qua đọc Hồi ký của đồng chí Trần Thị Dư trong tập Buổi đầu gieo hạt cho thấy, những phụ nữ như đồng chí Dư trong buổi đầu gieo hạt ngoài những mưu trí, gan dạ thường thấy của một cán bộ cách mạng thì còn phải hy sinh to lớn tình cảm riêng tư để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng được giao. Đó chính là giá trị của sự gieo hạt chính trị của đồng chí Trần Thị Dư.

Tác giả: Trương Hoàng Vinh

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây