Vào năm 1944 ông được các đồng chí hoạt động cách mạng tuyên truyền giác ngộ và tham gia hoạt động Việt Minh, nuôi dấu cán bộ vận động quần chúng chuẩn bị khởi nghĩa. Trong thời gian này ông đã đào hầm bí mật nuôi giấu cán bộ...
Tháng 8/1945 ông cùng anh em trong xã tham gia nổi dậy cướp chính quyền ở thị xã Hội An. Sau cách mạng tháng 8/1945 ông đã được bầu vào uỷ viên uỷ ban nhân dân lâm thời tổng Thanh Châu (thị xã Hội An). Trong thời gian này với những đóng góp phấn đấu của người thanh niên ưu tú, ông được ghi nhận và vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng cộng sản Đông Dương năm 1945.
Trong Kháng chiến chống Pháp, ông tích cực hoạt động trong tổ chức Đảng cơ sở, trong lĩnh vực Nông hội và ông trở thành người có vai trò quan trọng trong việc xây dựng lực lượng, tổ chức nông dân lớn mạnh, góp phần chung vào công cuộc kháng chiến chống Pháp ở Hội An. Ban đầu, từ 1947 – 1948, ông là Bí thư Nông hội Khu Đông thị xã Hội An, Chi uỷ viên Chi bộ khu Đông. Đến năm 1949 ông đảm nhiệm các trọng trách Phó bí thư, rồi Bí thư Hội nông dân cứu quốc, ủy viên Uỷ ban Kháng chiến Hành chính thị xã Hội An, Thị ủy viên và năm 1952 là Trưởng ban Dân vận Thị ủy.
Giai đoạn đánh dấu thời kỳ hoạt động gian lao và hào hùng nhất của ông là giai đoạn phong trào cách mạng Hội An gặp những khó khăn vô cùng, đó là những năm 1955 - 1957. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, trong lúc nhiều cán bộ cũng như đảng viên ở Hội An phải tập kết ra Bắc theo hiệp định Giơnevơ thì có một bộ phận nhỏ cán bộ chưa bị lộ được giao nhiệm vụ nằm vùng để tiếp tục hoạt động lãnh đạo quần chúng nhân dân tiếp tục đấu tranh. Trong số những người nhận nhiệm vụ tiếp tục bám trụ tại địa phương để giữ vững phong trào có các đồng chí Trương Bút – Thường vụ Thị ủy, Nguyễn Kim Khánh, Nguyễn Khoa, Đặng Tiên, Lê Ngọc Thanh...
Trong thời gian đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, địch tập trung đánh phá ác liệt các cơ sở cách mạng, cán bộ cách mạng, đảng viên thông qua chiến dịch thanh lọc bộ máy chính quyền và chiến dịch “tố Cộng, diệt Cộng”. Bọn địch cố tâm bắt cho bằng được những cán bộ của Thị ủy Hội An đang bám trụ, duy trì phong trào, do vậy chúng đã treo giải bằng tiền thưởng và xây nhà cho ai bắt được các đồng chí Nguyễn Kim Khánh, Trương Bút, Nguyễn Khoa. Trong lúc nhiều cơ sở Cách mạng bị tan rã, bị truy lùng ráo riết, đồng chí Trương Bút phải nằm hầm, nhờ sự đùm bọc của quần chúng nhân dân để tiếp tục hoạt động. Nhiệm vụ chính của đồng chí Trương Bút trong thời này là khá nặng nề, phải đảm nhiệm công tác bí mật liên lạc với các cán bộ, cơ sở cách mạng còn chưa bị lộ, vận động nhân dân Hội An đấu tranh đòi hiệp thương tổng tuyển cử, đòi dân sinh dân chủ cũng như cố gắng bảo tồn lực lượng. Dù địa bàn hoạt động tương đối rộng, bị địch kiểm soát gắt gao, bị truy lùng thường xuyên nhưng đồng chí Bút vẫn nỗ lực bám sát các cơ sở trong lòng địch, lúc thì ở Cẩm Thanh, khi ở Cẩm Nam, lúc đến ở Cẩm Hà v.v...
Ngày 01/7/1957, trong lúc đồng chí Bút đang trên đường làm nhiệm vụ củng cố tổ chức cơ sở cách mạng, trấn áp bọn ác ôn thì bị địch phát hiện. Quân địch triển khai lực lượng bao vây tại khu vực Thuận Tình thôn Thanh Tam Tây - Cẩm Thanh và bắt đồng chí Bút tại địa điểm này. Nhằm trấn áp tinh thần và khai thác thông tin, địch đã tra tấn dã man đồng chí Bút nhiều lần bằng nhiều thủ đoạn dã man. Trước những đòn tra tấn của quân địch ông luôn giữ vững khí chất của người cộng sản, bình tĩnh đối chất, dõng dạc tố cáo đế quốc Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm đã phá hoại việc thực thi hiệp định Giơnevơ, tàn sát những người kháng chiến, đồng bào yêu nước. Trong một lần bị các tên địch quân và chỉ điểm tra tấn, ông khẳng khái tuyên bố: “Tao làm cách mạng sống vì dân có chết cũng vì dân!... Bút này chết còn hàng trăm ngàn Bút khác tiếp tục đánh Mỹ”.
Sau đó, đồng chí Bút được chuyển đến Nhà lao Điện Bàn, địch tiếp tục dùng mọi cực hình tra tấn dã man rồi chuyển sang dùng thủ đoạn mua chuộc nhưng ông vẫn một lòng một dạ trung thành với Đảng. Do không khai thác được gì, nên sau 5 ngày tra tấn dã man, bọn địch đã giết hại ông tại Nhà lao Điện Bàn vào lúc 10 giờ ngày 06/7/1957. Ông hy sinh để lại niềm thương tiếc kính phục trong lòng đồng đội và nhân dân xã Cẩm Thanh. Sự hy sinh anh dũng của ông đã hun đúc thêm ý chí căm thù giặc trong lòng đồng đội, trong lòng người dân quê ông.
Ghi nhận tinh thần chiến đấu anh dũng hi sinh của đồng chí Trương Bút trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Chủ tịch nước nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho đồng chí Trương Bút tại quyết định số 212/QĐ - CTN ngày 23 tháng 02 năm 2010.
---------
* Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo thành tích của Liệt sĩ Trương Bút đề nghị truy tặng “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”- Do gia đình cung cấp.
2. Ban chấp hành Đảng bộ Hội An: Kỷ yếu Ban chấp hành Đảng bộ thị xã Hội An 1927 – 2004.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền