Mang tâm thức chung của người Việt: “Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá”, nên ở mỗi làng, ấp cư dân đều xây dựng ngôi miếu, đình để thờ các vị thần bản xứ, các vị tiền hiền, hậu hiền nhằm tưởng nhớ công ơn và cầu mong sự phù hộ để được yên ổn làm ăn, sinh sống. Đình ấp Tu Lễ cũng được xây dựng với mục đích trên.
Theo xà cò hiện còn trong di tích thì đình được xây dựng vào năm 1908 (Duy Tân năm thứ 2). Di tích nằm ở phía Đông ngã ba Tin Lành, tọa vị trên khu đất thuộc khối Hoài Phô - phường Cẩm Phô - thành phố Hội An, nguyên trước đây là ấp Tu Lễ, xã Cẩm Phô, tổng Phú Triêm hạ, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Mặt tiền ngôi đình xoay hướng Tây Nam, nhìn ra ngã ba đường giao thông, xung quanh đình được bao bọc bởi tường rào. Lối vào ngôi đình phía trước có bốn trụ biểu hình tròn, trên hai trụ giữa có trang trí hình sư tử, trên hai trụ bên là hai quả cầu. Ngôi đình có bố cục hình chữ nhất, kiểu ba gian hai chái. Hệ mái lợp ngói âm dương, bờ nóc đắp thẳng trang trí đề tài lưỡng long triều dương cách điệu hình giao lá, bờ chảy uốn lượn mềm mại được trang trí hình mây cuộn. Tường bao xây bằng gạch, tường hồi và tường trước mái chái trổ các ô cửa có gắn khuôn đúc hình chữ thọ.
Gian hiên nhô về phía trước so với bố cục chính của ngôi đình, vì kèo hiên có cấu tạo kiểu trính chồng trụ đội, trụ đội được trang trí các bông trụ. Mái hiên được đỡ bởi hàng cột tròn xây bằng gạch vữa vôi với dáng được cách điệu. Mặt trước của hai cột hiên ở giữa khắc câu đối Hán tự với chữ màu đen trên nền màu vàng: “Tu trúc mậu lâm nhiêu thắng địa; Lễ môn nghĩa hộ hấp thuần phong”, nghĩa là Rừng trúc phì nhiêu thành thắng địa; Cửa nhà lễ nghĩa hợp thuần phong. Gian hiên rộng, được ngăn cách với nội thất bởi hệ thống cửa mặt tiền gồm 3 bộ cửa kiểu thượng song hạ bản.
Nội thất ngôi đình khá rộng, chia thành 5 gian gồm 3 gian chính và 2 gian chái. Vì kèo kiểu vài trính chồng - trụ đội được bào soi chỉ, uốn lượn, bông trụ khá độc đáo. Đây là một loại vì kèo tương đối phức tạp và đặc trưng của kiến trúc nhà gỗ Hội An. Khung chịu lực bằng cột gỗ tròn, gồm có 8 cột chính và 4 cột quân, chân cột táng đá hình tròn, nền lát gạch hoa xi măng. Nội thất ngôi đình không có hoành phi và liễn đối. Ở gian giữa, phía dưới đòn đông là xà cò đề niên đại kiến tạo di tích vào năm Duy Tân thứ 2 tức năm 1908 và năm trùng tu là năm Bảo Đại thứ 12 tức năm 1937.
Ở Hội An, con ke là một loại hình trang trí khá độc đáo, đặc trưng trong các di tích kiến trúc nhà gỗ. Tại đình ấp Tu Lễ, các con ke được trang trí với nhiều đề tài khá phong phú góp phần tạo nên vẻ đẹp, tính trang trọng của nội thất ngôi đình. Hai con ke ở gian giữa trang trí đề tài “cầm kỳ thi tửu”, hai con ke hai bên trang trí “quy thư”, tất cả các con ke đều được sơn màu rực rỡ.
Không gian thờ tự trong đình gồm có ba khám thờ chính giữa, hai chái có hai án thờ Tả ban tiền vãng và Hữu ban tiền vãng. Bên cạnh gian thờ hữu ban có một tấm bia đá, xung quanh viền hoa dây màu đỏ.
Khám thờ chính giữa đặt hai bài vị bằng gỗ, sơn màu đỏ, ở giữa khắc dòng chữ Hán. Bài vị thứ nhất đề “Đại Càn quốc gia Nam Hải tứ vị thánh phi tôn thần. Bài vị thứ hai đề “Bổn xứ Thành Hoàng Đại Vương tôn thần”. Quần bàn trang trí đề tài “long vân” - nhằm cầu mong sự thăng tiến, phát đạt, thái bình thịnh trị. Khám thờ bên phải đặt một bài vị có đề chữ Hán “Hữu ban âm linh liệt vị”. Quần bàn trang trí “hoa điểu” - nhằm cầu mong sự tốt đẹp. Khám thờ bên trái đặt bài vị có đề chữ Hán “Tả ban quý hiển âm linh liệt vị”. Quần bàn trang trí đề tài “cúc kê” - cầu mong mọi sự đều tốt lành, bình an.
Cùng với ấp Xuân Lâm, ấp Tu Lễ là một trong những ấp của làng Cẩm Phô cũ hiện còn lại ngôi đình với quy mô kiến trúc khá lớn và độc đáo. Đây là công trình kiến trúc tín ngưỡng của cư dân ấp Tu Lễ tọa lạc tại vị trí cửa ngõ - mặt Bắc của Khu phố cổ Hội An, là nơi để mọi người dân trong ấp theo định kỳ tổ chức cúng nhằm cầu mong sự bình an, làm ăn phát đạt cho mọi người trong ấp. Hàng năm, tại ngôi đình vẫn diễn ra các lễ cúng khá lớn theo tục lệ địa phương, tiêu biểu là lễ cúng xuân thu nhị kỳ với sự tham gia của đông đảo bà con trong ấp. Vì thế, di tích không chỉ mang những giá trị độc đáo về nghệ thuật kiến trúc mà còn chứa đựng nhiều giá trị sâu sắc về tâm linh, tinh thần góp phần làm phong phú loại hình kiến trúc tín ngưỡng ở Hội An, là điểm tham quan hấp dẫn, thu hút du khách đến với tuyến tham quan Khu phố cổ Hội An.
* Tài liệu tham khảo:
Nguyễn Chí Trung (2010), Cư dân Faifo - Hội An trong lịch sử.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền