Di sản kiến trúc truyền thống của người Việt ở Hội An

Thứ ba - 17/12/2013 02:03
Biểu hiện vật thể nổi bật của di sản văn hoá Hội An là di sản kiến trúc nghệ thuật của Khu phố cổ, của vùng ven đô thị Hội An. Trong đó, Khu phố cổ Hội An được công nhận là di sản văn hóa thế giới với 2 tiêu chí II và V. Tiêu chí II: Hội An là biểu hiện vật thể nổi bật của sự kết hợp các nền văn hóa qua các thời kỳ trong một thương cảng. Thật vậy, di sản kiến trúc ở Hội An thể hiện sự giao lưu kiến trúc của Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản, Pháp, Champa… Trong sách Kiến trúc cổ Việt Nam, tác giả Vũ Tam Lang phân kiến trúc cổ Việt Nam gồm có 5 loại hình: Kiến trúc quân sự - quốc phòng; Kiến trúc cung điện - dinh thự; Kiến trúc tôn giao tín ngưỡng (chùa, đền, văn miếu, lăng/mộ, đình làng, tháp Chăm); Kiến trúc dân gian (nhà ở dân gian, kiến trúc công cộng dân gian: cầu, cổng làng, quán điếm); Kiến trúc vườn cảnh(1).
        Trong bài viết này, chúng tôi xin đề cập đến một số đặc điểm nổi bật của di sản kiến trúc truyền thống của người Việt ở Hội An.
1. Một số đặc điểm kiểu dáng kiến trúc truyền thống Việt Nam ở Hội An
          Ở Hội An có 1412 di tích trong đó có 1153 di tích kiến trúc nghệ thuật thuộc khu phố cổ và 259 di tích ở vùng ven Khu phố cổ. Các di tích ở Hội An thuộc nhiều loại hình nhưng di tích là Kiến trúc quân sự quốc phòng, cung điện, dinh thự, tháp Chăm, quán điếm thì không có hoặc chỉ chiếm tỷ lệ không đáng kể. Trong các công trình kiến trúc còn lại dù ở loại hình này hay loại hình khác thì đều là những công trình kiến trúc được xây dựng, chủ yếu là nhà gỗ tường xây hoặc nhà tranh.
            Về nhà gỗ tường xây:
           Theo thống kê ban đầu của chúng tôi, ở Hội An hiện có 17 đình làng ấp, 5 chùa làng, ngoài ra còn có nhiều lăng miếu, giếng(2). Đây là những công trình thuộc kiến trúc dân gian theo như phân loại trong Kiến trúc cổ Việt Nam. Về bố cục của các công trình kiến trúc truyền thống ở Hội An cũng như các công trình kiến trúc truyền thống người Việt ở Quảng Nam gồm các: dạng chữ Nhất (一) với một dãy nhà ngang thường thì một gian hai chái, ba gian hai chái, năm gian hai chái (trường hợp nhà thờ tộc Trần Thanh, lăng Tiền hiền Cù Lao Chàm…); Dạng chữa Đinh (丁)thường thấy ở các lăng miếu, đình với tiền đường là dãy nhà ngang lớn và một phần tẩm nhô ra, vuông góc ở chính giữa của phía sau nhà ngang để làm không gian thờ tự các chính thần (trường hợp đình ấp An Bang, đình tiền hiền Kim Bồng…); Dạng chữ Quốc (國)(3) thường thấy ở một số đình làng, lăng/miếu có qui mô lớn với hai dãy nhà tả vu và hữu vu tiền đường ở phía trước như trường hợp ở Minh Hương Tuỵ Tiên đường, đình Ông Voi...
          Về không gian chiều sâu thì thường một gian của các công trình được chia làm hai lòng hoặc ba lòng. Nên nhìn chung những công trình kiến trúc gỗ truyền thống ở Hội An không có chiều sâu nhưng rộng về chiều ngang.
           Một điểm thể hiện sự sáng tạo của người xưa trong xây dựng nhà gỗ là ở hệ vì kèo. Vì kèo nhà Việt truyền thống ở Hội An chủ yếu là cột trốn kẻ chuyền (nhà ông Lê Độ - Cẩm Kim, nhà ông Lê Bàn - Thanh Hà, nhà ông Huỳnh Tải - Cẩm Châu, đình Xuân Lâm…) hoặc trính chồng trụ đội đối với nhà một nếp. Hoặc có sự kết hợp giữa hai hệ vì kèo trính chồng trụ đội ở nếp trước và cột trốn kẻ chuyền ở nếp sau (trường hợp 142 Trần Phú, 131 Trần Phú, 20 Lê Lợi, đình Thanh Hà,…). Cũng có nhà hai nếp vẫn có hai hệ vì kèo cột trốn kẻ chuyền (Nhà 85 Nguyễn Thái Học). Vì vỏ cua mà dân gian Hội An gọi là “vỏ ca” thường được xử lý ở hệ mái hiên hoặc phần giao giữa nếp nhà một và nếp nhà hai. Về kết cấu vì kèo cơ bản là như vậy nhưng sự thể hiện trong mỗi loại vì kèo là rất phong phú theo nhiều hình dạng vật thể, đồ án trang trí văn hóa Việt Nam, văn hóa Trung Hoa khác nhau qua bàn tay chạm trổ tài hoa của người thợ mộc.
Về kiểu dáng hệ mái, phổ biến là hai mái, đối với một số công trình có hai chái, hè thì bốn mái. Trong một số công trình có một hệ mái, một bờ nóc, nhưng cũng một số công trình một bờ nóc chính và lại thêm một bờ nóc giả như di tích Đình Xuân Mỹ để tạo nên không gian trang trí hệ con giống trên bờ nóc. Có một số công trình có hai bờ nóc có kết cấu tiền đường hậu tẩm thì không gian bờ nóc được đắp cẩn trang trí các đồ án rất sinh động.
            Cũng có một số di tích có diện tích nhỏ hoặc do phân bố ở vùng ven biển hoặc biển đảo mà được xây theo gạch đỡ mái vòm mà không có hệ khung gỗ. Đây là trường hợp thường thấy ở các di tích tại Cù Lao Chàm (lăng Ông Ngư, lăng Cô Hồn), lăng Ông An Bàng - Cẩm An…
           Về nhà tranh, tre: Là loại hình nhà ở phổ biến ở nông thôn Hội An trong thời gian từ 1975 trở về trước. Đây là loại có qui mô nhỏ hơn nhà gỗ, tổng thể có một gian chính hai gian hồi hoặc một gian chính cộng với một nhà phụ vuông góc với nhà chính theo hình chữ L. Nhà có mái lợp lá dừa nước (ở Cẩm Thanh, trước đây ở Cẩm Châu, Cẩm Kim, Cẩm Hà cũng có) hoặc tranh (ở Bộc Thuỷ - Thanh Hà trước đây có trồng). Hệ khung của nhà bằng tre, liên kết bằng mộng, chốt tre, hoặc dây mây, tre, cước gồm vì kèo, trính, xuyên, cột. Kèo được kết cấu theo kiểu kèo giao nguyên, kèo con tiền cái hậu… Vách nhà chủ yếu là phên cọng dừa nước/tranh hoặc tấm lá dừa nước/tranh. Nền nhà thường là đất nện hoặc lát gạch. Đặc điểm của nhà tranh là hệ cửa kể cả cửa đi và cửa sổ đều là cửa chống. Kiểu cửa này là một cách xử lý kiến trúc linh động, chống lên hứng gió, lấy sáng vào mừa khô, nắng, sập xuống che kín gió, giữ ấm vào mùa đông, mưa. Hiện nay thì nhà tranh tre dừa theo kiểu truyền thống vẫn còn được thấy ở Cẩm Thanh.
2. Một số kiểu dáng kiến trúc nhà Việt truyền thống có sự giao lưu, tiếp biến
          Kiến trúc nhà ở Hội An là loại hình có sự thể hiện tiếp biến giữa văn hoá Việt và Pháp rõ nét nhất trong các công trình. Theo thống kê chưa đầy đủ của chúng tôi thì ở Hội An có 4 biệt thự, nhà vườn (37 đường Duy Tân, nhà số 158 Nguyễn Duy Hiệu, nhà số 2, 129 Phan Chu Trinh), công sở hiện còn có nhà 149 Trần Phú - Sở bưu điện, nhà số 6 - Trần Hưng Đạo - tòa Công sứ (Tòa công sứ đầu tiên được xây dựng vào khoảng từ 1882 đến 1889) và các nhà phố. Trong khu vực I của phố cổ có ít nhất 37 nhà phố 1 tầng mặt đứng kiểu châu Âu, 34 nhà phố 2 tầng mặt đứng kiểu châu Âu. Nhà phố tập trung chủ yếu các đường Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Phan Bội Châu, Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Diệu, Lê Lợi, Nguyễn Huệ. Trong đó có một số nhà có niên đại xây dựng cụ thể, nhà 47 Nguyễn Thái Học xây năm 1920, nhà 108 Nguyễn Thái Học xây năm 1919... Điểm đặc trưng nhất của những ngôi nhà này là mái lợp ngói âm dương truyền thống, bờ hồi luôn thẳng, không có trường hợp nào uốn cong hoặc giật cấp, hiên được đổ bê tông, có hệ cột chịu lực chia hiên nhà làm ba gian, 20/34 trường hợp là không gian hiên hình vòm, ngoài ra còn có hình chữ nhật. Các cột được trang trí theo kiểu thức Gothic có áp gờ chỉ nổi cắt ngang, giật cấp vuông góc, một cột được trang trí theo kiểu Romantic. Phần trên, bên ngoài của mảng tường hiên được đắp nổi các đồ án hình thoi, hình chữ nhật, hình vuông... nằm trong các ô hộc. Tường nhà, cột tô bằng vữa vôi, xi măng hoặc cột gỗ. Hệ cửa thường thấy là cửa pa nô, lá sách bằng gỗ hoặc cửa khung gỗ hình vòm hoặc bốt (box) cửa hình vòm, cửa hình chữ nhật. Cũng có nhiều nhà xây dựng theo kiểu thức châu Âu nhưng nội thất có khung lực bằng các cột gỗ liên kết với hệ vì kèo chồng rường (có 5 nhà) hoặc kèo suốt (có 14 nhà)(4). Về không gian ngôi nhà và hệ khung chịu lực ngôi nhà là vì kèo thì không có sự khác biệt lớn đối với nhà Việt Nam truyền thống. Điểm qua loại hình kiến trúc này để nhận thấy sự xử lý sáng tạo trong kết hợp kiến trúc truyền thống Việt Nam và kiến trúc Pháp hay là kiến trúc phương Tây. Đó là kiến trúc truyền thống 3 gian hai chái, mái lợp ngói âm dương truyền thống của Việt Nam được người Hội An áp dụng vào những ngôi nhà công sở kiểu Pháp để biến thành 3 gian hai phòng lồi làm tăng không gian sử dụng mà vẫn đảm bảo mỹ thuật ở hệ mái (Nhà số 2 Phan Châu Trinh). Trong những công trình nhà phố, vẫn phân bố không gian nhà theo kiểu truyền thống và sử dụng bộ vì kèo chồng rường nhưng được nâng lên về chiều cao để làm hệ chịu lực chính cho những ngôi nhà hai tầng mặt tiền kiểu Pháp để tạo thêm diện tích sinh hoạt (nhà 151 Trần Phú; 23, 85, 106 Nguyễn Thái Học). Dưới góc độ tiện nghi sử dụng thì điều này ưu việt hơn so với những ngôi nhà cổ truyền thống có không gian chật chội, ẩm thấp. Bởi kiến trúc nhà phố Hội An vào thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX lại có đặc điểm chung là: nhà một tầng, mái ngói âm dương, đầu hồi uốn lượng, giật cấp, mặt tiền có mái hiên được đỡ bằng hệ cột, bẩy, vài gỗ, cửa gỗ ván xáng, panô, thượng song hạ bản. Nhà thường chia làm 3 đến 5 gian, hệ thống chịu lực của nội thất là vách tường xây bằng vữa hợp chất vôi ghè vỏ hến trộn nhớt thực vật hoặc vách gỗ. Vì kèo kiểu cột trốn kẻ chuyền hay trính chồng trụ đội và liên kết với các xuyên đà gỗ. Nhà được chia làm gian đầu tiên để buôn bán, kế tiếp là nhà cầu và sân trời, tiếp theo là các gian phòng ở, phía sau là bếp, khu vệ sinh.
            Điểm qua một số đặc điểm của các công trình kiến trúc truyền thống ở Việt Nam để thấy rằng kiến trúc truyền thống Việt Nam ở Hội An có sự kế thừa kiểu dáng kiến trúc truyền thống của dân tộc bên cạnh đó có sự kết hợp giao thoa. Đồng thời, do phụ thuộc vào không gian bố trí mà trong kết cấu kiểu dáng kiến trúc có sự linh động chuyển hoá cho phù hợp. Qua bài viết này, chúng tôi nghĩ rằng vấn đề nhà tranh ở nông thôn của Hội An cần được quan tâm và chọn ra một số ngôi nhà điển hình để bảo tồn nhất là đối với những nhà nằm ở vùng nông thôn có gắn kết với du lịch.
 
* Tài liệu tham khảo
(1) Vũ Tam Lang (1991), Kiến trúc cổ Việt Nam, Nhà xuất bản xây dựng và Nhà xuất bản Khoa học & Kỹ thuật, Hà Nội.
(2) Võ Hồng Viêt (2012): Di sản kiến trúc làng xã ở Hội An trong bối cảnh đô thị hóa - Kỷ yếu Hội thảo: Văn hóa làng xã Hội An trong bối cảnh đô thị hóa, tr 39.
(3) Thân Văn Bình (2008): Bố cục không gian nhà ở cổ truyền Quảng Nam - Kỷ yếu Nhà ở cổ truyền người Việt tại Quảng Nam, tr 42, 43.
(4) Viện nghiên cứu Văn hóa Quốc tế - Trường Đại học Nữ Chiêu Hòa (2003): Kiến trúc phố cổ Hội An - Việt Nam, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội.

Tác giả: Trương Hoàng Vinh

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây