Thông tin về nhà ông Lê Độ

Thứ hai - 25/11/2013 22:53
Cẩm Kim là một trong những địa phương ở Hội An có lịch sử hình thành và phát triển khá lâu đời. Trước kia, nơi đây thuộc Kim Bồng châu, tổng Mỹ Khê, huyện Duy Xuyên, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
            Châu Kim Bồng được chia thành nhiều ấp, trong đó ấp Phước Thắng - ngày nay là thôn Phước Thắng là vùng đất được các bậc tiền nhân xây dựng nhiều công trình kiến trúc văn hoá, tín ngưỡng quan trọng và được bảo tồn khá nguyên vẹn đến bây giờ, tiêu biểu trong các loại hình di tích ở đây là nhà cổ - nhà ông Lê Độ. Theo lời kể của con cháu và nhân dân sống ở đây, ngôi nhà này do ông Lê Triện - ông nội của ông Lê Độ xây dựng. Ông Lê Triện là người làm mộc, chạm khung cửi, là một người khá giàu có của ấp Phước Thắng thời bấy giờ. Trải qua hai cuộc chiến tranh, phần tường bao bọc của ngôi nhà sụp đổ nhưng đã được sửa chữa lại. Nhưng nhìn chung ngôi nhà này vẫn mang dáng dấp đặc trưng của ngôi nhà cổ dân gian ở vùng nông thôn Hội An điều đặc biệt là nó được xây dựng bởi những người thợ mộc tài hoa ở Kim Bồng.
           Ngôi nhà hiện nay toạ lạc trên thửa đất khá rộng ở khu vực phía Tây tổ 18 A, thôn Phước Thắng, xã Cẩm Kim, thành phố Hội An. Cổng vào nhà nằm sát đường bê tông, rộng khoảng 2m2. Ngôi nhà xoay theo hướng Tây Nam, được xây dựng theo kiểu “tam gian nhị hạ” mà dân gian gọi là ba gian hai chái với kích thước là 6,3 x 7m. Ngôi nhà có mái hiên, hệ cửa mặt tiền được làm bằng gỗ với 3 bộ cửa, mỗi bộ 2 cánh. Hệ mái lợp ngói âm dương với mái trước có 27 vồng ngói, bờ nóc đắp giật cấp, bờ chảy đắp uốn lượn gấp khúc. Hệ đỡ mái gồm những cột gỗ đen có đường kính lớn lên đến 60 cm, riêng các cột ở lòng nhất có đường kính lên đến 70 cm. Các cột được đặt trên các đá táng tròn mềm mại. Các cột liên kết vững chắc bằng mộng với những vì kèo gỗ theo kiểu cột trốn kẻ chuyền được chạm trổ, bào soi chỉ rất mềm mại và công phu. Tinh tế hơn là những đầu dư được chạm trổ lộng lẫy, cách điệu các đồ án truyền thống. Hệ khung chịu lực bằng gỗ với chủ yếu là cột tròn. Cột có đường kính trung bình 60cm, riêng 4 cột giữa lòng nhất có đường kính 68cm. Cột tròn được đặt trên những viên đá táng có kích thước khác nhau. Đá táng của các hàng cột đều là hình tròn. Tường bao xung quanh được xây bằng gạch vữa xi măng và phủ vôi màu xanh dương.
          Trên bình diện tổng thể, ngôi nhà được chia thành 3 gian hai chái theo chiều ngang và 2 lòng nhất và nhì theo chiều sâu. Ngôi nhà được nằm hài hòa trong không gian xanh mát của nhiều cây tỏa bóng mát của vùng thôn quê sông nước Cẩm Kim.
          Đây là ngôi nhà dùng để ở và thờ tự ông bà tính từ thời ông nội của ông Lê Độ nên nó được trang trí rất trang nghiêm nhưng vẫn giữ được nét đẹp hài hòa và nhẹ nhàng. Ở chính giữa của xà thuộc lòng nhất có đặt hoành phi bằng gỗ được sơn son thiếp vàng, hoàng đề tự: Lê từ đường. Trong không gian của lòng nhì là khu vực được bố trí các án thờ. Một hương án chung được đặt trên  một tủ thờ bằng gỗ cáo 1m và phía trong cùng là án thờ các vị tiền bối chủ chốt trong gia đình đã khuất. Một điểm nhấn trong không gian thờ tự là một ngai thờ gỗ được đặt trên cao so với án thờ tổ tiên khoảng gần 1m. Ngai thờ bằng gỗ, được trang trí chạm trổ tinh xảo các hoa văn thuộc bát bửu, hoa lá... trông khá mềm mại.  Trong không gian của ngôi nhà chính còn có một bộ bàn tiếp khách bằng gỗ và một bộ phản gỗ rộng, dày và đen. Đây là cách bố trí khá quen thuộc của những ngôi nhà khá giả của vùng quê Hội An ngày xưa và vẫn được lưu truyền đến nay.
          Hiện tại, chưa có căn cứ để xác định chính xác niên đại xây dựng của ngôi nhà. Tuy nhiên, từ thông tin điều tra cũng như qua đối sánh về mặt kiến trúc với một số ngôi nhà khác, có thể khẳng định niên đại kiến trúc của ngôi nhà vào khoảng đầu thế kỷ XX. Di tích nhà ông Lê Độ không những góp phần làm phong phú hơn các loại hình di tích ở xã Cẩm Kim mà còn góp phần phản ánh đời sống kinh tế của cộng đồng cư dân Cẩm Kim trước đây khá bề thế nhờ vào nghề mộc truyền thống của làng. Những chi tiết, cấu kiện kiến trúc được chạm trỗ là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo là những sản phẩm tinh hoa của những nghệ nhân tiền bối của làng. Cùng với những bộ phận khác của ngôi nhà, những tác phẩm này là nguồn tư liệu quý để các nhà khoa học nghiên cứu về các lĩnh vực mỹ thuật, kiến trúc, văn hóa - lịch sử Cẩm Kim nói riêng, Hội An nói chung.
 
 

Tác giả: Phạm Phước Tịnh

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây