Bảo tàng cảm nhận và mong muốn

Thứ năm - 12/09/2013 05:48
Bên cạnh công tác chuyên môn như nghiên cứu về lịch sử - văn hóa, quản lý, bảo tồn trùng tu di tích trên địa bàn Thành phố thì hoạt động bảo tàng là một mảng không thể thiếu của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An.
        Hiện nay, Trung tâm đang quản lý 6 bảo tàng (nhà trưng bày) chuyên đề đó là Bảo tàng Lịch sử - Văn hóa, Gốm sứ Mậu dịch, Văn hóa Sa Huỳnh, Văn hóa Dân gian, Nhà lưu niệm đồng chí Cao Hồng Lãnh. Hệ thống các Bảo tàng này được bố trí trong khu vực I Khu phố cổ). Riêng Phòng Truyền thống Cách mạng trưng bày tại Bảo tàng Hội An - 10B Trần Hưng Đạo (khu vực 2A khu phố cổ).  Với tổng số 3.331 hiện vật trưng bày tại các điểm bảo tàng này đã khái quát được những giá trị lịch sử - văn hóa của vùng đất và con người Hội An. Vì vậy, trưng bày bảo tàng không chỉ là một ngôi nhà chứa đầy hiện vật mà trong đó chứa đầy ý tưởng, là ngôn ngữ của bảo tàng, là cầu nối giữa bảo tàng với công chúng, với xã hội.
        Đến với hệ thống Bảo tàng chuyên đề Hội An, thông qua hiện vật, bộ sưu tập hiện vật giúp các nhà nghiên cứu và du khách hiểu rõ hơn về giá trị văn hóa tiêu biểu tại Hội An qua tiến trình phát triển của lịch sử từ thời kỳ Văn hóa Sa Huỳnh đến Champa, Đại Việt, Đại Nam, Việt Nam. Đặc biệt, thông qua những hiện vật trưng bày đã phản ánh Hội An là trung tâm thương cảng quốc tế ở Đàng Trong vào thời Đại Việt từ cuối thế kỷ XVI đến giữa thế kỷ XIX. Các  hiện vật tiêu biểu trong giai đoạn này như sưu tập cán cân hàng bằng gỗ, mỏ neo, lô lái ghe bầu,… được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử - Văn hóa -  số 13 Nguyễn Huệ.
       Sâu thẳm từ trong lòng đất Hội An đã tồn tại nền văn hóa Tiền Sa Huỳnh với di tích Bãi Ông nằm ở vùng đảo Cù Lao Chàm, niên đại cách ngày nay trên 3000 năm, với những hiện vật tiêu biểu như rìu đá, mảnh tước, hạt giống, răng hàu cá, tro than,… Thời kỳ Sa Huỳnh giai đoạn hậu kỳ cách ngày nay trên dưới 2000 năm có các di chỉ cư trú và di tích mộ táng như An Bang, Thanh Chiếm, Hậu Xá I, Hậu Xá II, Đồng Nà,… với hiện vật, sưu tập hiện vật tiêu biểu như chum mộ bằng gốm đất nung với nhiều loại hình và hoa văn trang trí phong phú như văn thừng, văn chải, văn in ô vuông, in mép vỏ sò,… Những hiện vật trang sức như khuyên tai ba mấu, hạt chuỗi bằng thủy tinh, đá, mã não, kim loại (vàng),… với kỹ thuật chế tác của người Sa Huỳnh rất tinh xảo được trưng bày tại Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh - 149 Trần Phú.
         Cũng trên trục đường Trần Phú có Bảo tàng Gốm sứ Mậu dịch tọa lạc tại số 80. Những hiện vật trưng bày nơi đây bao gồm gốm - sứ Việt Nam, Hizen (Nhật Bản), Islam (Trung Cận Đông) và gốm - sứ ở các lò Cảnh Đức Trấn, Phúc Kiến, Quảng Đông,...của Trung Quốc. Qua những hiện vật này thể hiện mối quan hệ mật thiết, hữu nghị giữa Việt Nam - Nhật Bản, phản ánh chặng đường lịch sử quan trọng trong tiến trình giao thương Nhật - Việt tại thương cảng Hội An, phản ánh con đường tơ lụa - gốm sứ nối Đông -Tây trên biển trong các thế kỷ trước mà Hội An là điểm dừng đậu các thương thuyền, là trung tâm trung chuyển mậu dịch quốc tế. Ngoài ra, qua những hiện vật gốm - sứ đã cung cấp những cứ liệu lịch sử về Hội An, về con đường tơ lụa gốm sứ qua các chứng cứ khảo cổ học và hé mở về giá trị khoa học của gốm sứ Việt Nam với thế giới như các nước Đông Nam Á, Trung Cận Đông, các nước Châu Âu. Đặc biệt là quan hệ với Nhật Bản thể hiện qua hiện vật sành, gốm sứ hoa lam... của Việt Nam phát hiện ở Nhật Bản và gốm sứ Hizen của Nhật Bản phát hiện trong di chỉ khảo cổ học tại Hội An. Điều đó đã chứng minh quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa, phát triển kinh tế giữa Hội An với các nơi khác trên thế giới.
         Cùng với văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể là chiều sâu, nền tảng của các giá trị văn hóa truyền thống, là bộ phận quan trọng tạo thành giá trị Di sản Văn hóa Hội An. Bộ phận di sản này được trưng bày giới thiệu tại Bảo tàng văn hóa Dân gian – số 33 Nguyễn Thái Học. Đó là những hiện vật, mô hình thể hiện các sinh hoạt văn hóa như sinh hoạt diễn xướng dân gian với mô hình bài chòi, hát múa bả trạo, múa lân; nghệ thuật tạo hình dân gian với  những hiện vật có giá trị về mặt thẩm mỹ, lịch sử, văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng với những hiện vật là các loại tượng, hoành phi, liễn đối; các sản phẩm, các công cụ sản xuất thể hiện kỹ thuật chế tác rất công phu; những nghề truyền thống cũng được giới thiệu chi tiết như nghề buôn, nghề đánh bắt sông nước, nghề nông. Ngoài ra, về sinh hoạt truyền thống như tục lệ cưới hỏi, trang phục của người Việt - Hoa  được khắc họa qua những hình ảnh, hiện vật gốc có giá trị tiêu biểu. Bên cạnh những hiện vật, mô hình trưng bày thì hoạt động trình diễn nghề truyền thống như ươm tơ, dệt vải của người Việt, người Chăm, chuốt gốm, thư họa được tổ chức phục vụ du khách. Thông qua hiện vật trưng bày và trình diễn nghề truyền thống tại bảo tàng này đã tạo điều kiện để nhân dân hiểu biết về giá trị truyền thống của cha ông và là điểm tham quan thu hút những nhà nghiên cứu, khách du lịch trong và ngoài nước.
         Mảnh đất Hội An không những phong phú về giá trị văn hóa mà cũng oanh liệt trong truyền thống đấu tranh yêu nước qua các phong trào từ Cần Vương, Duy Tân, Đông Du, kháng thuế,… Đặc biệt từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời cho đến những năm kháng chiến chống Pháp và Mỹ, tại Hội An đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử cách mạng quan trọng không chỉ mang giá trị của địa phương mà còn phản ánh phần nào tầm vóc cả đất nước. Do sự giữ gìn, bảo tồn của các tầng lớp nhân dân và nhiều cơ may lịch sử, nhiều tư liệu, hiện vật liên quan đến quá trình đấu tranh yêu nước của địa phương được trưng bày, giới thiệu tại Phòng Truyền thống Cách mạng Hội An - số 10B Trần Hưng Đạo.
Ngoài ra, ở Hội An còn có nhà lưu niệm đồng chí Cao Hồng Lãnh, người sáng lập ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại Hội An vào tháng 10 năm 1927. Nơi đây, không chỉ trưng bày về hiện vật gắn liền với cuộc đời, hoạt động của đồng chí Cao Hồng Lãnh, mà còn là ngôi nhà cổ tiêu biểu ở Hội An lưu dấu hiệu buôn thuốc bắc, quầy sách báo xưa của người thân trong gia đình đồng chí Cao Hồng Lãnh buôn bán, trao đổi vào thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Hiện nay, con cháu vẫn duy trì sinh sống trong ngôi nhà này.
         Các bảo tàng chuyên đề này tuy không nằm trong hệ thống của bảo tàng quốc gia nhưng đã phát huy rất hiệu quả, hàng năm đón gần mười nghìn lượt khách đến tham quan, nghiên cứu, đem lại nguồn thu đáng kể cho Thành phố. Được những kết quả như hôm nay cũng là một điều dễ hiểu đó là các bảo tàng này đều nằm trong khu phố cổ thuận lợi trong tuyến tham quan của du khách và điều rất quan trọng đó là nguyện vọng của khách tham quan khi đến bảo tàng là để được cảm nhận, để có thêm tri thức và họ được nhìn hiện vật gốc, đây là lĩnh vực đặc biệt mà bảo tàng giữ chân được du khách và cũng là điểm lợi duy nhất của bảo tàng so với các cơ quan, tổ chức công cộng khác. Tuy nhiên, việc trưng bày ở các Bảo tàng chuyên đề này còn nhiều hạn chế mà chúng ta đã nhìn ra và đang khắc phục, đó là việc chậm đổi mới, thiếu phương tiện nghe nhìn, thiết bị hỗ trợ, hệ thống trưng bày cố định tương đối lâu dài. Nói chung là thiếu phương pháp đa chiều. Nguyên nhân ở đây một phần là do kinh phí không đáp ứng kịp thời, do nhận thức, quan niệm, năng lực cán bộ, do cơ sở vật chất kỹ thuật,…
          Trước lý luận và thực tiễn, chúng ta cần có quan điểm chung trong công tác phát huy của bảo tàng là:
         - Hiện vật trưng bày không được bảo quản trong môi trường phù hợp nên nhanh xuống cấp, vì vậy phải có những giải pháp tập trung cứu hiện vật nhất là hiện vật sắt, gỗ có tuổi thọ từ vài trăm năm đến vài ngàn năm.
         - Hiện vật gốc bảo tàng là chủ đạo phản ánh nội dung, chủ đề trưng bày nhưng không thể thiếu tài liệu khoa học phụ, phương tiện nghe nhìn  hỗ trợ, vì vậy cần đầu tư.
        - Hạn chế trưng bày dàn trải hiện vật đơn lẻ mà tập trung giới thiệu bộ sưu tập hiện vật để thể hiện được tính phong phú, sinh động, tăng giá trị, tầm quan trọng của bảo tàng, thu hút người xem.
         - Bổ sung danh mục quản lý theo di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia (nếu có).
         - Đầu tư bổ sung hiện vật kho  để có điều kiện luân chuyển hiện vật trưng bày theo chủ đề, định kỳ.
         Để thực hiện những nội dung trên, cần có sự tham gia của các cấp lãnh đạo, đội ngũ cán bộ chuyên môn phải thật sự tâm huyết với nghề nghiệp, sự hỗ trợ của các phòng ban trong và ngoài Thành phố, sự giúp đỡ  của các chuyên gia cấp cao, nhất là hỗ trợ về phương pháp bảo quản hiện vật. Việc đầu tư kinh phí kịp thời cũng là một trong những yếu tố quyết định kết quả thực hiện.
        Qua giới hạn của nội dung bài viết, chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm, trao đổi của những người yêu mến Bảo tàng Hội An.

Tác giả: Lê Thị Tuấn

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây