Năm 1943, Hà Bồng đậu thành chung và đang học tiếp ban tú tài ở Huế. Nhưng trên đường về thăm quê ở làng Châu Phong (Điện Bàn), anh vô cùng căm phẫn khi chứng kiến đồn bót mọc dày ven quốc lộ, lính Nhật bắt dân gánh đất xây dựng Trảng Nhật với những đòn roi man rợ. “Cùng với thanh niên trong làng, đêm 16.8.1945, Bồng vây bắt viên tri phủ Điện Bàn khi qua cầu Ngũ Giáp để hỏi tội. Cũng tại chiếc cầu này, hai hôm sau nhóm của Bồng trong lúc dẫn đầu lực lượng dân chúng đấu tranh đã chặn đoàn xe lính Nhật, tuy chỉ gậy gộc nhưng đã uy hiếp và cướp được súng để tiếp tục vào Vĩnh Điện cướp chính quyền...”, ông Phạm Hồng Phương (sinh năm 1926, lúc đó phụ trách thanh niên tổng Định An và ủy viên Ban Chấp hành Việt Minh huyện Điện Bàn), nhớ lại.
Hà Bồng quay về Hội An thưa chuyện với thân sinh là ông Hà Mão về quyết định bỏ học để tham gia quân đội. Lúc này, ông Hà Mão đã là Phó Chủ tịch Hội truyền bá Quốc ngữ Hội An và sau ngày giành chính quyền được cử làm Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến liên tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng. Từ đó cha con trở thành đồng chí.
Hà Bồng xung phong vào trường Quân chính cấp tốc Quảng Nam và sau đó nhận nhiệm vụ Trung đội trưởng đơn vị cảm tử lên đường tiếp ứng mặt trận phía nam. Thiếu tướng Lê Khanh (nguyên trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng, từng học trường Quân chính với Hà Bồng), kể: “Lúc đó ông Huỳnh Đắc Hương- sau này là Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH - là hiệu trưởng trường Quân chính. Ra trường, chúng tôi được bổ vào Chi đội Tây Sơn chiến đấu ở đường 19 nối dài. Sáng ngày 16.1.1946, Bồng dẫn một tiểu đội đi trinh sát về hướng Bokeo để nắm tình hình quân đội Pháp kéo từ Campuchia sang Tây Nguyên. Đến cây số 21 thì phát hiện đoàn xe địch. Theo chiến thuật đã định, Bồng hạ quyết tâm đánh chặn để dùng tiếng súng báo hiệu cho đơn vị phía sau. Sau khi tấn công bằng lựu đạn, cả đơn vị xông lên đánh giáp lá cà. Hà Bồng dùng thanh kiếm của công nhân đồn điền chè Bàu Cạn tặng đâm chết tên chỉ huy Pháp vừa nhảy xuống xe. Khi rút kiếm ra khỏi tên địch, anh bị một loạt đạn từ chiếc xe gần đó bắn trọng thương và sau đó đã hy sinh… Tiếng lựu đạn và tiếng súng đã báo hiệu cho đơn vị chủ động đánh địch, chặn đứng cuộc hành quân của địch vào Tây Nguyên…”.
Tình nhà dang dở
Trong hồi ký của cụ Hà Mão viết năm 1978 có viết: “Hà Bồng là con đầu lòng của tôi nên ghi vào gia phả để đời sau có nguồn tư liệu xác thực. Gia đình đã hỏi con gái thứ hai của bác Phạm Phú Hưu (cháu nội tiến sĩ Phạm Phú Thứ) là Xuân Lan, cho Bồng. Khi nhỏ, Bồng được gửi học ở gia đình ông Phạm Phú Hưu một thời gian nên hai trẻ quen thân nhau từ khi còn bé, do đó khi hai gia đình quyết định làm sui với nhau thì hai cháu rất thuận ý…”. Những người em của liệt sĩ Hà Bồng như ông Hà Cân (nguyên Phó Tổng cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam) hay nhà giáo ưu tú Hà Quỳ kể lại: Bà Xuân Lan dự lễ truy điệu của vị hôn phu lúc đó như một người mất hồn. Hiện nay bà đang là tu sĩ và định cư ở nước ngoài…
Tướng Trần Nam Trung lúc đó là Chính ủy Trung đoàn đã phái người mang giấy báo tử, sơ đồ nơi chôn cất và cả thanh gươm của Hà Bồng trao cho gia đình ông Hà Mão. “Rất tiếc là khi tôi tập kết ra Bắc, bọn Quốc dân đảng ở Tiên Phước đến nhà sục sạo và tịch thu thanh gươm quý giá ấy!” - ông Mão viết.
Liệt sĩ Hà Bồng nằm lại trong rừng sâu của tỉnh Ratanakiri (Campuchia) cùng 4 đồng đội khác cho đến tháng 2.2012. Hài cốt của anh được tìm thấy do 2 người em Hà Cân và Hà Quỳ thực hiện bằng việc đối chiếu tư liệu gia đình, bản đồ quân sự của các chế độ khác nhau lẫn sự giúp sức của một nhà ngoại cảm và các đơn vị quân đội liên quan tại khu vực. Sau 66 năm, di cốt của người trí thức trẻ Hội An đã được rước đi quanh phố cổ, về thăm lại ngôi nhà xưa ở số 6 Hoàng Diệu và yên nghỉ ở nghĩa trang liệt sĩ Hội An.
Liệt sĩ Hà Bồng (sinh ngày 26.4.1926, hy sinh ngày 16.1.1946) đã được truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Ba. Ngày 13.2.2012, gia đình cùng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai tìm được và bốc di cốt liệt sĩ ở làng Un (xã Lumchoar, huyện Ouzadav, tỉnh Ratanakiri), đoạn cây số 19,5 đường 19 nối dài đưa về yên nghỉ ở Nghĩa trang liệt sĩ Hội An. (Theo tư liệu gia đình). |
Ông Huỳnh Đắc Hương, người sau này nhiều lần viết thư cho lãnh đạo thị xã Hội An và tỉnh Quảng Nam từ năm 1997 về trường hợp Hà Bồng, nói: “Trường Quân chính chúng tôi và Ủy ban kháng chiến thị xã Hội An lúc đó đã tổ chức lễ truy điệu liệt sĩ Hà Bồng. Thanh niên học sinh dự mít tinh rất đông, biểu thị lòng căm phẫn và tình nguyện đầu quân phục thù để noi gương anh dũng của Hà Bồng. Sự hy sinh của anh lúc đó là một hiện tượng chính trị có ý nghĩa rất lớn cho cuộc kháng chiến”. Ông Võ Văn Đặng, nguyên Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Hội An năm 1945, người đứng ra tổ chức cuộc mít tinh, truy điệu Hà Bồng cũng tán thành ý kiến của ông Hương và thiết tha đề nghị truy phong anh hùng cho liệt sĩ Hà Bồng.
Vĩ thanh
Tôi đọc tất cả hồ sơ liên quan đến liệt sĩ Hà Bồng và trao đổi với ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An hiện nay. Ông Nguyễn Sự có biết về trường hợp này qua tài liệu lịch sử Đảng bộ Hội An, nhưng chưa bao giờ thấy ai có ý kiến hay thư từ đề nghị truy phong anh hùng như đã dẫn; tài liệu từ các nhiệm kỳ trước để lại cũng không đề cập vấn đề ấy. Nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng việc liệt sĩ Hà Bồng hy sinh trước khi toàn quốc kháng chiến nổ ra đã tạo ra một phong trào sôi nổi trong thanh niên lúc bấy giờ. Gia đình nhà văn và gia đình các ông Hà Mão, Phạm Phú Hưu ở gần nhau nên tình cảm rất gắn bó. “Anh ấy xứng đáng là một anh hùng khi đang là một trí thức xếp bút nghiên vì Tổ quốc, gác lại tình riêng đang phơi phới…” - ông Ngọc nói.
Sau khi hoàn thành bài viết này, tôi đã chuyển toàn bộ hồ sơ về liệt sĩ Hà Bồng cho Bí thư Thành ủy Hội An theo đề nghị của ông Nguyễn Sự.
Tác giả: TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG
Nguồn tin: www.facebook.com/truyen.dinhba
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn