So sánh nhà truyền thống Hàn Quốc với nhà cửa hiệu Hội An - Việt Nam

Thứ ba - 10/09/2013 22:37
Trong thời gian học tập về công tác bảo tồn tại Hàn Quốc, tôi có dịp tìm hiểu về loại hình nhà ở truyền thống của Hàn Quốc (Hanoak) qua những tư liệu nghiên cứu về kiến trúc truyền thống Hàn Quốc và công tác khảo sát thực địa. Mặc dù thời gian khảo sát ngắn ngủi và mới chỉ tiếp cận tư liệu nghiên cứu ở góc độ tổng quát song tôi nhận thấy rằng nhà ở truyền thống Hàn Quốc có những giá trị riêng khá độc đáo. Vì vậy, trong bài viết này tôi xin được giới thiệu những giá trị riêng ấy trong mối tương quan, so sánh với nhà cửa hiệu Hội An (shophouse) nhằm tạo ra một chủ đề trao đổi giữa các đồng nghiệp làm công tác bảo tồn ở Hội An.
      I. SỰ TƯƠNG ĐỒNG
     1. Sự tương đồng về điều kiện tự nhiên, bối cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội:
      Nhìn chung, nhà cửa truyền thống của hai dân tộc Hàn, Việt có nhiều điểm tương đồng: phong cách kiến trúc khiêm nhường, giản dị, coi trọng việc thờ cúng ông bà tổ tiên..., bởi chúng ta có sự tương đồng về điều kiện tự nhiên và sinh hoạt kinh tế, văn hóa: đều bao quanh bởi biển cả, đều lấy nông nghiệp trồng lúa nước làm sinh kế chính, đều chịu ảnh hưởng khá sâu đậm văn hóa Trung Hoa, chịu ảnh hưởng của Phật giáo, Nho giáo… Đặc biệt đối với Hội An, sự tương đồng còn thể hiện rõ rệt hơn. Tương tự như Hàn Quốc, Hội An đã chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc, văn hóa Nhật Bản, thuyết phong thủy và các yếu tố âm dương ngũ hành hay Phật giáo, Nho giáo đã được thể hiện trong các hình thức kiến ​​trúc cũng như phong cách sống của người dân ở đây. Tuy nhiên, do bối cảnh lịch sử, ngày nay, ảnh hưởng của văn hóa Nhật Bản không còn thật sự rõ nét (mặc dù người Nhật là một trong những người đầu tiên đến Hội An thực hiện việc mua bán, trao đổi hàng hóa), chỉ còn lại cầu Nhật Bản, một số ngôi mộ của các thương gia Nhật Bản và hiện vật gốm đã được khai quật là chứng tích còn sót lại của người Nhật ở Hội An.
        Đối với cả hai quốc gia, phong thủy cũng là một yếu tố quan trọng trong việc xác định vị trí của các công trình kiến ​​trúc đặc biệt (thành quách, lăng mộ, đền đài...) hoặc của một ngôi làng, một nhóm quần cư. Tuy nhiên, không có nhiều địa điểm có thể đảm bảo tất cả các yếu tố phong thủy (tiền chu tước, hậu huyền vũ, tả thanh long, hữu bạch hổ,…) như vậy, nhìn chung, ngôi làng thường tọa lạc tại nơi có điều kiện thời tiết tốt, gần nguồn nước (sông, suối) để đảm bảo sản xuất nông nghiệp (do trồng lúa đóng một vai trò quyết định trong nền kinh tế của Việt Nam và Hàn Quốc), thuận tiện trao đổi hàng hoá bằng đường thuỷ. Riêng với Hội An, vị trí gần sông và cửa sông lớn còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương với người nước ngoài.
        2. Mặt bằng:
        Xem xét các hình thức kiến ​​trúc dân gian của Hàn Quốc và Việt Nam, chúng ta có thể nhận thấy rằng một hình thức bố cục mặt bằng rất phổ biến - mặt bằng chữ "L", có nghĩa là mỗi hộ gia đình Hàn Quốc hay Việt Nam, đang sinh sống trong khuôn viên thường có hai tòa nhà (một nếp nhà chính và một nếp nhà phụ) vuông góc với nhau. Ngoài ra, mặt bằng dạng chữ I (chỉ có một nếp nhà) hay chữ U (có 3 nếp nhà) cũng khá phổ biến.
 

       Cả hai quốc gia đều đề cao sự tôn trọng thiên nhiên, không gian của ngôi nhà truyền thống là sự kết hợp chặt chẽ giữa thiên nhiên, con người và các phong cách kiến ​​trúc. Bố cục của ngôi nhà truyền thống thường bao gồm một số nếp nhà nhỏ, đơn giản, nằm xoay quanh sân trời. Sự kết hợp hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên với cách bố cục nếp nhà chính cùng với các nếp nhà phụ trợ khác, cách bài trí sân vườn trong mỗi khoảng sân đã tạo ra một bố cục tổng thể hoàn chỉnh, cân đối. Sân trời đóng vai trò như một không gian mở đa chức năng, nơi mọi người có thể tổ chức các hoạt động trong gia đình (hóng mát, tiêu khiển…), đồng thời tạo được sự thông thoáng, cung cấp ánh sáng, điều hòa nhiệt độ. Ở Hội An, cách bố trí này có thể dễ dàng tìm thấy trong các nhà thờ tộc hoặc lăng, đền chùa, hội quán của người Hoa,… Tuy nhiên, với các ngôi nhà phố (nhà cửa hiệu), mặc dù diện tích đất khá hạn chế, chật hẹp, người ta cũng cố gắng đem một chút yếu tố tự nhiên vào ngôi nhà bằng cách tổ chức một sân trong ở giữa nhà, trang trí bằng một hồ nước nhỏ, tranh vẽ (trên bức bình phong) và cây cảnh, bon sai.
        Mặt bằng mỗi nếp nhà của hanoak và nhà cửa hiệu nhìn chung thường có dạng hình chữ nhật. Cách phân chia công năng sử dụng bên trong ngôi nhà cũng bị ảnh hưởng bởi các tôn giáo khác nhau (Nho giáo, Phật giáo…) dù ít hay nhiều.
        3. Cấu trúc gỗ:
        Kiến trúc truyền thống của Hàn Quốc và Việt Nam (không chỉ hanoak và nhà cửa hiệu, mà còn các loại hình kiến trúc bằng gỗ khác) đã được thiết kế và xây dựng dựa trên các nguyên tắc: hệ khung cột chịu lực, do đó, bức tường/vách chỉ đóng vai trò phân chia không gian bên trong/bên ngoài nhà hoặc ngăn chia thành buồng, phòng riêng biệt trong không gian nội thất (không tham gia trong việc chịu lực, gánh đỡ tải trọng của mái nhà). Cấu trúc vững chắc bằng gỗ đảm bảo các ngôi nhà có thể đương đầu với nhiều cơn bão lớn hàng năm đổ bộ vào địa phận của hai quốc gia.
        Trong cả hai loại hình hanoak và nhà cửa hiệu bằng gỗ, kỹ thuật liên kết các cấu kiện gỗ khá đa dạng (mà không cần phải sử dụng đinh, ốc vít), mộng và lỗ mộng được sử dụng để kết nối trụ cột với dầm, trính, xuyên và các khớp được thắt chặt bằng cách sử dụng chốt nêm. Trụ cột đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống kết cấu, trính, xuyên kết nối các trụ cột và giữ cho các trụ cột đứng vững. Mỗi trụ cột được đặt trên một đế đá táng để ngăn độ ẩm và côn trùng (mối) từ mặt đất.
        Một đặc tính chung của các tòa nhà bằng gỗ (của cả hanoak và nhà cửa hiệu Hội An) là lối vào chính ở hiên phía trước, trong khi đó, cấu trúc của cột và kèo trính được phản ánh ở mặt bên của ngôi nhà, do đó hình thức mặt tiền tương đối linh hoạt. Nói cách khác, hệ cấu trúc khung nhà và việc thiết kế mặt tiền có thể được tách ra, và sự dịch chuyển hoặc giảm thiểu một số cột bên trong, phía sau có thể được dùng mà không sợ gây ảnh hưởng đến thiết kế mặt tiền của ngôi nhà, hoặc có thể cải tạo, sửa chữa vách gỗ mặt tiền mà không gây ảnh hưởng đến hệ khung gỗ chịu lực.
        4. Vật liệu và các đồ án trang trí:
        Vật liệu sử dụng chủ yếu để xây dựng nhà cửa là gỗ, tre, nứa, lá..., những vật liệu sẵn có trong tự nhiên, xung quanh khu vực sinh sống. Hình ảnh quen thuộc ở cả Việt Nam và Hàn Quốc là “nhà tranh, vách đất”, mái nhà của tầng lớp bình dân được lợp bằng tranh, rơm rạ, mái nhà của giai cấp quý tộc thì được lợp ngói đất nung.
        Nhìn chung, có rất nhiều đồ án trang trí tương tự được sử dụng trong nhà cửa hiệu và hanoak (cả nội thất lẫn ngoại thất), đều mang cùng một ý nghĩa: mong cầu hạnh phúc, có sức khỏe tốt, tuổi thọ, phước lành... Điểm tương đồng này có thể hiểu là cả hai nước đều bị ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Quốc. Ví dụ:
        - Hoa văn miêu tả cảnh vật tự nhiên: núi sông, suối, đá, mây, mặt trời, mặt trăng,...
        - Trang trí hình động vật: bao gồm rồng, phượng, lân (các con vật trong truyền thuyết), hổ, dơi, rùa, cá, hạc,...
        - Mẫu thực vật: hoa sen, tre trúc, đào tiên, chùm nho,…
        - Hoa văn có dạng hình học và các ký tự Trung Quốc ngụ ý điềm báo tốt lành: vạn, thọ, hỉ, song hỉ, phúc, lộc,...
        II. KHÁC NHAU:
       1. Những khác biệt cơ bản:
        Bên cạnh những điểm tương đồng, trong kiến trúc dân gian giữa 2 dân tộc cũng tồn tại không ít những điểm khác biệt, liên quan tới các điều kiện tự nhiên và nhu cầu sinh hoạt cụ thể của mỗi dân tộc, chẳng hạn, khí hậu Hàn Quốc lạnh hơn nhiều so với Việt Nam, nhất là về mùa đông, do vậy nhu cầu sưởi ấm trở thành một công năng bắt buộc, đòi hỏi phải có hệ thống lò sưởi bên dưới sàn nhà, điều này không hề bắt gặp ở ngôi nhà Việt, bởi người Việt không phải chịu cái lạnh dưới 0oC như người Hàn. Và điều đó cũng lý giải tại sao những ngôi nhà ở người Hàn kín đáo hơn, thiên về “nguyên lý đóng”, trong khi đó nhà của người Việt thiên về “nguyên lý mở(nhà cao, cửa rộng, trổ nhiều cửa sổ…) nhằm đối phó với mùa hè nóng nực.
        Và cũng để đối phó với cái lạnh, có thể nhận thấy nhà cửa ở tầng lớp trung lưu người Hàn (yangban) thường có bố cục hình chữ “khẩu”: 4 nếp nhà bố cục theo một hình vuông, ở giữa có sân chung (phía trước là cổng). Bố cục đó phù hợp với điều kiện khí hậu Hàn Quốc, tuy nhiên, lại không phù hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới như ở nước ta, vì vậy, ít khi bắt gặp bố cục dạng này trong kiến trúc truyền thống Việt Nam.
        Bố cục không gian nội thất trong ngôi nhà truyền thống Việt và Hàn cũng có không ít những điểm khác biệt. Không gian nội thất ở ngôi nhà Việt thường mang tính cộng đồng, ít ngăn ra thành từng phòng, và vị trí trang trọng nhất trong ngôi nhà Việt (gian giữa) là nơi đặt bàn thờ gia tiên. Trong khi đó, không gian nội thất trong ngôi nhà Hàn được phân ra thành từng phòng riêng biệt dành cho các sinh hoạt và đối tượng khác nhau, khu vực thờ tự được bố trí trong một ngôi nhà khác, biệt lập với nhà chính.
Trong số các tiện nghi sinh hoạt truyền thống, người Hàn ngủ trực tiếp trên sàn nhà và nhiều sinh hoạt khác nữa cũng diễn ra trên sàn nhà. Họ ngồi hoặc quỳ trực tiếp trên sàn, do vậy không có giường, ghế mà thay vào đó là nệm. Trong khi đó với ông cha ta, giường, ghế hay chõng tre là yếu tố rất quen thuộc, phổ biến, trong khi nệm là yếu tố khá xa lạ.
        (Tôi xin trình bày các điểm khác biệt cụ thể hơn giữa nhà ở truyền thống Hàn Quốc và nhà cửa hiệu Hội An và danh mục tài liệu tham khảo trong Bản tin số tiếp theo)

Tác giả: Trần Thanh Hoàng Phúc

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây