Hoạt động của Đội biệt động Thành phố Hội An giai đoạn 1964 - 1968

Thứ ba - 10/09/2013 04:37
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhất là giai đoạn 1964 - 1968, Đội biệt động thành phố Hội An là một trong những lực lượng quan trọng hợp lực cùng các lực lượng đấu tranh khác ở Hội An liên tục tấn công địch, gây cho chúng nhiều tổn thất nặng nề, qua đó góp phần tạo nên thế và lực cho phong trào đấu tranh cách mạng ở Hội An tiến lên giành thắng lợi cuối cùng vào mùa xuân lịch sử năm 1975.
        Cũng như trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Hội An được chính quyền Mỹ - Diệm lựa chọn làm tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Nam. Toàn bộ khu vực nội ô nằm trong vùng địch chiếm đóng. Ở đó, địch cho xây dựng hệ thống các cơ quan đầu não với lực lượng ngụy quân, ngụy quyền tập trung số lượng lớn. Không những vậy, đến năm 1965, “Bọn phản động khét tiếng gian ác ở các nơi tập trung về tỉnh lỵ Hội An bổ sung vào ngụy quyền các cấp(2). Đặc biệt từ tháng 5/1966, khi lực lượng viễn chinh Mỹ chính thức tham chiến ở Hội An, chúng tăng cường xây dựng hệ thống bố phòng, chốt điểm dày đặc trong nội ô. Trên các ngã đường, nhiều sắc lính thường xuyên tuần tra canh gác, bọn gián điệp cũng được cài cắm khắp nơi nhằm tìm kiếm, phá hoại cơ sở cách mạng của ta.
        Có thể nói cách mạng Hội An giai đoạn này gặp muôn vàn khó khăn, thử thách, nhất là phong trào trong vùng nội ô. Để thúc đẩy phong trào cách mạng vùng yếu và nội ô phát triển lên một bước mới, Thị ủy Hội An đã tổ chức Hội nghị chuyên đề về công tác nội ô và vùng yếu vào tháng 3/1966 tại xã Xuyên Thọ (Duy Xuyên). Hội nghị quyết định thành lập Ban cán sự công tác nội ô do đồng chí Trương Minh Lượng - Phó Bí thư Thị ủy làm Trưởng ban. Sau đó, tháng 4/1966, Ban cán sự công tác nội ô thành lập “Đội biệt động thành phố(3). Mặc dù thời điểm này mới chính thức thành lập nhưng tổ chức và hoạt động của Đội biệt động thành phố đã hình thành từ đầu năm 1964. Khi đó, lực lượng của Đội chỉ có 02 đồng chí là Nguyễn Ngọc Mai (còn gọi là Nguyễn Khương) và Đinh Văn Lời. Đến cuối năm 1965, Đội kết nạp thêm một số đồng chí khác gồm: Nguyễn Tài, Nguyễn Dũng, Nguyễn Dinh,… Dưới sự lãnh đạo của Thị ủy, tổ chức của đội không ngừng được phát triển mạnh. Nếu tháng 4/1966, lực lượng của đội có 9 đồng chí thì đến đầu năm 1968, lực lượng phát triển lên 52 đồng chí.
        Về tên gọi “Đội biệt động thành phố” có thể nhận thấy đây là lực lượng hoạt động có nhiệm vụ đặc biệt ngay trong vùng nội thành Hội An - một địa bàn mà địch đã giành toàn quyền kiểm soát. Với nhiệm vụ đặc biệt được giao, việc phát triển đội viên và xây dựng mạng lưới cơ sở có ý nghĩa quan trọng đến quá trình hoạt động của Đội. Việc phát triển đội viên được lãnh đạo Đội cân nhắc rất kỹ lưỡng và có sự theo dõi, bồi dưỡng trong thời gian thử thách nhất định. Tham gia vào Đội phải là những người vừa có tâm huyết với cách mạng, luôn vững vàng ý chí, dám làm dám chịu, vừa phải dũng cảm, mưu trí mới có thể đảm đương nhiệm vụ.
        Từ năm 1964 đến năm 1968, mạng lưới cơ sở hoạt động của đội được gầy dựng rộng khắp trong khu vực nội thành, trong đó có 09 cơ sở hoạt động thường xuyên:
        - Trại mộc ông Một (nay là nhà số 28 Lê Lợi): là nơi ở và hoạt động của các đồng chí lãnh đạo và nhiều đội viên của Đội như: Nguyễn Khương, Đinh Văn Lời, Bùi Sơn Thanh, Tạ Đào, Phan Công Đủ, Nguyễn Vui, Đinh Quang Minh, Nguyễn Hoài Bảo, Nguyễn Kìa, Nguyễn Giáp, Nguyễn Thái, Nguyễn Tấn, Lê Viết Cho, Nguyễn Hai… Cơ sở này hoạt động từ năm 1964 đến năm 1968.
        - Trại cưa ông Một (nay là nhà số 61A Phan Châu Trinh): là nơi ở và hoạt động của các đồng chí: Trần Độ, Nguyễn Dũng, Nguyễn Hạnh, Nguyễn Dinh,… Cơ sở này hoạt động từ năm 1964 đến năm 1968. Đến trước năm 1968, đây là địa điểm mà các đồng chí lãnh đạo của Thị ủy: Trần Quang Tính, Nguyễn Phòng, Trương Minh Lượng, Nguyễn Thị Khá, Nguyễn Thị Thanh thường xuyên lui tới để họp bàn chỉ đạo hoạt động của Đội.
        - Nhà ở ông Một (nay là nhà số 63 Phan Châu Trinh): phần gác phía sau từ năm 1964 đến năm 1968 là nơi các đồng chí Nguyễn Thị Khá, Nguyễn Thị Thanh - lãnh đạo Thị ủy thường xuyên đứng chân chỉ đạo hoạt động của Đội. Ở đây cũng thường diễn ra những cuộc họp bí mật giữa lãnh đạo Thị ủy và lãnh đạo Đội để bàn kế hoạch triển khai nhiệm vụ của cấp trên.
       - Tiệm báo Thống Nhất (nay là nhà 43 Lê Lợi): là nơi ở và hoạt động của các đồng chí: Nguyễn Công Thành, Trần Công Tống, Lê Thị Phương, Nguyễn Thị Sương, Trần Thị Phượng. Cơ sở này hoạt động từ năm 1965 đến năm 1968.
       - Chùa Lễ Nghĩa (Dương Thương Hội quán): là nơi ở và hoạt động của các đồng chí Nguyễn Tri, Hà Cát, Hà Tu… Cơ sở này hoạt động từ năm 1965 đến năm 1968.
       - Chùa Ông: là nơi ở và hoạt động cách mạng của các đồng chí: Tạ Ngọc Sang, Tạ Tập, Nguyễn Giáp, Tạ Ngọc Tới, Nguyễn Văn Tư, Tạ Thị Xuyến, Nguyễn Cân,… Cơ sở hoạt động từ năm 1965 đến 1968.
       - Nhà thờ tộc Trần (nay là nhà số 21 Lê Lợi): là nơi ở và hoạt động của đồng chí Nguyễn Hơn từ năm 1968 - 1974.
       - Nhà ông Kiệu (nay là nhà 24 Lê Lợi): là nơi ở và hoạt động của đồng chí Nguyễn Văn Bưng từ năm 1965 đến năm 1968.
       - Trại mộc ông Nguyễn Bảy (khu vực miếu Ông Cọp): là nơi ở và hoạt động của đồng chí Nguyễn Minh Khuê từ năm 1965 đến năm 1968.
       Hoạt động của đội viên trong các cơ sở này đều dựa trên nguyên tắc việc người nào làm người đấy biết, mỗi người chỉ được biết người phụ trách phát triển mình chứ không biết những thành viên khác, cơ sở khác để tránh bị bại lộ nếu có tình huống xảy ra. Việc gầy dựng cơ sở, duy trì hoạt động và tổ chức đánh địch đều phải rất cẩn mật. Vì thế mà mỗi hoạt động của Đội là những cuộc chiến đấu sinh tử đầy cam go, thử thách với kẻ thù. Trong khó khăn, nhưng với sự mưu trí, sáng tạo và lòng dũng cảm kiên cường, Đội vẫn liên tục khuấy động vào sâu trong lòng địch khiến chúng không một ngày bình yên.
       Ban ngày, đội viên của Đội là những người thợ mộc, thợ cưa, cu ly, khuân vác, ở đợ,… với vẻ hiền lành, chất phát nhưng lại là cách dễ dàng vượt qua sự kiểm soát của kẻ thù để công khai đi khắp nơi theo dõi, nắm bắt tình hình địch báo cáo ra vùng giải phóng. Ban đêm là thời điểm Đội bí mật thực hiện nhiệm vụ rải truyền đơn, khẩu hiệu tuyên truyền chống Mỹ - ngụy. Thế nhưng nhiệm vụ quan trọng hơn của Đội là hoạt động như một lực lượng vũ trang trong nội ô để bí mật đánh vào các cơ quan đầu não của địch gây tiếng vang, tiêu hao sinh lực địch, diệt bọn ác ôn có nợ máu với cách mạng. Trong giai đoạn này, có lẽ điều bọn địch trong nội ô lo sợ nhất là những tiếng nổ của những quả lựu đạn, quả bom tự tạo có thể phát ra bất cứ khi nào, bất cứ nơi nào mà chúng không hề ngờ đến.
       Đã có hàng chục trận đánh lớn nhỏ khác nhau đã được Đội thực hiện. Không chỉ đánh ban đêm như trận đánh lựu đạn vào nhà tên trưởng đồn cảnh sát Xóm Mới ở nhà số 67 Phan Chu Trinh vào mồng 4 tết Mậu Thân năm 1968, trận đánh vào xe quân sự của tên Phó Ty an ninh quân đội Quảng Nam tại nhà số 123 Trần Phú năm 1967,…; Đội còn đánh nhiều trận khác vào ban ngày như trận đánh vào Ty Kiến thiết, Ty Điền địa và Đồn Quân cảnh tại ngã tư Thái Phiên - Nguyễn Trường Tộ vào ngày 05/7/1967,… để tạo sự bất ngờ và tăng thêm sự hoang mang trong hàng ngũ địch.
       Trong tổ chức đánh địch, tùy vào điều kiện từng nơi mà Đội sử dụng những cách đánh rất sáng tạo như trận đánh 2 xe bọc thép và 1 xe quân sự của địch đậu tại ngã tư Lê Lợi - Phan Châu Trinh vào ngày 23/9/1967. Đội đã phân công cho đội viên làm nhiệm vụ cảnh giới lân la đến gần rồi bí mật mở nắp các thùng xe bọc thép rồi từ trên mái nhà lân cận, những đội viên khác thả lựu đạn vào trong thùng phá hủy các xe này và làm bị thương một số tên... Tiêu biểu hơn cả là trận đánh vào phòng đại tá cố vấn tình báo Mỹ ở tiểu khu Quảng Nam năm 1967. Đây là địa điểm được địch kiểm soát rất gắt gao với 2 vòng kiểm soát trong, ngoài. Để tiếp cận mục tiêu, Đội giao nhiệm vụ cho đội viên xâm nhập vào bên trong thông qua vai trò của người thợ mộc đi làm công trình cho ông Nguyễn Một. Hàng ngày, mỗi đội viên của Đội đều dùng lon gi gô đựng nước chè, cho nhiều xác vào bên trong để mang theo uống. Thời gian đầu, địch lục soát rất kỹ. Những lon gi gô đựng nước đều bị chúng dùng cây khuấy vào kiểm tra. Sau gần một tháng ra vào làm việc, bọn địch quen mặt nên kiểm tra lơi lỏng dần. Ngày 10/5/1967, cũng như mọi ngày, những lon gi gô nước vẫn được các đội viên mang theo nhưng bên trong toàn là thuốc nổ, phía trên phủ lớp xác chè ngụy trang. Khi qua vòng kiểm soát, địch chỉ mở nắp lon kiểm tra, thấy xác chè ở trên không khác mọi ngày nên chúng cho vào làm việc. Đến trưa, sau khi các lon gi gô chứa thuốc nổ này được gài kíp hẹn giờ vào trong phòng tên đại tá cố vấn Mỹ, các đồng chí ung dung về lại trại mộc ông Một để nghỉ trưa. Đến giờ, mìn nổ làm chết 02 tên, 05 tên khác bị thương.
        Ngoài ra, Đội còn làm cơ sở nội ứng dẫn đường cho lực lượng của ta từ bên ngoài vào và cùng phối hợp đánh nhiều trận lớn trong nội ô như trận đánh giải phóng nhà lao Hội An vào đêm ngày 14 rạng sáng ngày 15/7/1967, hai lần tấn công vào khu công binh năm 1967,… và đặc biệt là tấn công vào nhiều mục tiêu trong chiến dịch Hè năm 1968. Sau trận này, nhiều cơ sở của Đội bị lộ nên không thể tiếp tục hoạt động. Một số đồng chí bị bắt tù đày, một số đồng chí thoát ly ra vùng giải phóng tiếp tục hoạt động cho đến ngày quê hương hoàn toàn giải phóng.
        Hoạt động của Đội biệt động thành phố là minh chứng sống động cho truyền thống đấu tranh cách mạng của quân và dân Hội An anh hùng. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ mới xin nêu vắn tắt một vài vấn đề nhỏ. Vẫn còn nhiều vấn đề khác cần được làm sáng tỏ về tổ chức này. Do đó thiết nghĩ cần tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu sâu hơn để bổ sung vào lịch sử đấu tranh cách mạng của quê nhà, phục vụ công tác giáo dục truyền thống cho các tầng lớp nhân dân trong thời gian đến, đồng thời qua đó có thể rút ra những bài học quý để vận dụng hiệu quả vào công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương hôm nay và mai sau.

         * Chú dẫn:
(1) Tên gọi này chúng tôi dựa theo Lịch sử Đảng bộ thị xã Hội An (1930 - 1975), 1996, trang 254.
(2) Lịch sử Đảng bộ thị xã Hội An (1930 - 1975), 1996, trang 245.
(3) Lịch sử Đảng bộ thị xã Hội An (1930 - 1975), 1996, trang 254.
         * Tài liệu tham khảo:
- Lịch sử Đảng bộ thị xã Hội An (1930 - 1975), 1996.
- Đinh Văn Lời, Báo cáo thành tích Đội biệt động thành Hội An, 2013.
- Thông tin cung cấp của các đồng chí trong Đội: Đinh Văn Lời, Nguyễn Văn Tư, Nguyễn Hơn, Nguyễn Văn Bưng, Nguyễn Tám.


 

Tác giả: Nguyễn Cường

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây