KHỔNG TỬ MIẾU Ở HỘI AN

Thứ hai - 02/09/2013 23:35
Tập tục thờ đức Khổng Tử từ lâu đã phổ biến ở một số nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Theo “Bách khoa toàn thư Wikipedia” và các tài liệu ghi chép ở các Văn miếu Quốc tử giám Hà Nội, Huế... thì “Văn miếu” còn được gọi là “Khổng Tử miếu”, “Văn Thánh miếu”, “Phu tử miếu”... được xây dựng để thờ Văn Tuyên Vương - Văn thánh Khổng Tử và phối thờ các bậc hiền tài của Nho học cũng như đề cao truyền thống học hành của địa phương.
             Quảng Nam cũng là một trong những Tỉnh xây dựng miếu thờ đức Khổng Tử từ rất sớm. Theo “Cổ học tinh hoa văn tập” do Hội Cổ học tinh hoa Quảng Nam ấn hành năm 1962 nhân dịp khánh thành Khổng miếu và Đài Kỷ niệm Danh nhân Chí sĩ tỉnh Quảng Nam, thì Văn miếu tỉnh Quảng Nam đầu tiên được xây dựng ở phía Tây xã Câu Nhí thuộc huyện Diên Phước nay là huyện Điện Bàn từ thời vua Gia Long. Sau đó, bị nước sông xói lở nên mới dời đến phía Đông của làng ấy rồi cũng bị nước xói lở. Đến năm Minh Mạng thứ 6, khi đó thủ phủ của Quảng Nam nằm ở Thanh Chiêm nay là thôn Thanh Chiêm, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn cho nên Khổng miếu của Tỉnh cũng được đặt ở đây và là trung tâm huấn học cho cả vùng Quảng Nam. Vào năm 1885, quân Pháp đến đánh phá tỉnh Quảng Nam đã đốt đi Văn miếu. Đến năm 1891, ngôi miếu được xây dựng lại như trước. Năm 1945, do nhiều biến cố, ngôi miếu lại một lần nữa bị phá bỏ, mãi đến năm 1961, Hội cổ học tinh hoa tỉnh Quảng Nam chủ trì xây dựng Khổng Tử miếu, Đài kỷ niệm tỉnh Quảng Nam tại Hội An ở vị trí hiện nay vì lúc bấy giờ Hội An là Tỉnh lỵ của Tỉnh Quảng Nam thuộc chế độ cũ. 
            Từ xa xưa, hai làng lớn ở Hội An là Cẩm Phô và Minh Hương đã có văn chỉ thờ Khổng Tử, vì thế với việc xây dựng Khổng Tử Miếu và Đài kỷ niệm Danh nhân chí sĩ Quảng Nam ở Hội An vào các năm 1961 - 1962 đã tôn vinh thêm cho mảnh đất Hội An - văn vật và làm sáng danh vùng đất “Địa linh nhân kiệt” của Quảng Nam. Đồng thời đây cũng là Trung tâm huấn học, tín ngưỡng của giới trí thức, của mọi tầng lớp nhân dân cả Tỉnh và còn lưu giữ nhiều kỷ niệm của nhiều nhân tài đất Quảng qua các thời kỳ. Qua thời gian, di tích Khổng Tử miếu đã bị hư hại và được đại tu vào năm 2002.
            Di tích Khổng Tử miếu được xây dựng trên một khoảng đất rộng, với quy mô tráng lệ bao gồm tam quan; cầu bán nguyệt, hồ sen; trụ biểu; bình phong; tiền đường, hậu tẩm; nhà đông, nhà tây và hậu điện.
            Trong số các di tích Nho học ở Hội An, mặc dù Khổng Tử miếu và Đài kỷ niệm có lịch sử hình thành muộn nhưng là khu di tích có nhiều đồ án trang trí đẹp, vừa phản ánh những điển tích của Nho giáo vừa mang những ý nghĩa nhân văn sâu sắc; là nơi tưởng niệm những tấm gương hiếu học, những danh nhân, chí sĩ của cả tỉnh Quảng Nam. Qua đó, tạo nơi gặp gỡ, trao đổi góp phần giáo dục tinh thần hiếu học, vươn lên vượt khó cho lớp trẻ Hội An nói riêng, tỉnh Quảng Nam nói chung. Về lịch sử, di tích là công trình kiến trúc gắn liền với quá trình phát triển dân cư, ghi đậm những dấu ấn lịch sử, văn hoá của đô thị cổ Hội An và của tỉnh Quảng Nam, khẳng định vị trí của mảnh đất Hội An trong lịch sử.
 
 
 

Tác giả: Trần Thị Lệ Xuân

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây