Theo các vị cao niên trong thôn, nguyên trước đây ở Đồng Nà có tổng cộng 05 ngôi miếu bao gồm: miếu Ông, miếu Bà, miếu Âm Linh, miếu Thành Hoàng và miếu Thái Giám. Tuy nhiên đến năm 1947, thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến của Đảng, nhân dân địa phương đã phá bỏ toàn bộ các ngôi miếu này. Năm 1954, nhân dân tự tích góp làm lại một ngôi miếu mới có tên gọi là miếu Bà. Nhưng đến năm 1968, lực lượng Mỹ - Nguỵ nghi ngờ cán bộ cách mạng sử dụng miếu làm cơ sở hoạt động nên đã cho đánh sập ngôi miếu Bà. Hiện tại dấu tích còn lại của ngôi miếu này chỉ là nền móng hình chữ nhật với diện tích khoảng hơn 24m2, 02 viên đá tảng chân cột và 01 thanh đá dài 1,2m.
Năm 1973, nhân dân địa phương lại một lần nữa tích góp công sức, của cải xây dựng miếu ấp Đồng Nà trên nền móng của ngôi miếu Bà và tồn tại cho đến ngày nay.
Ngôi miếu hiện trạng xây dựng trên mặt bằng hơn 4,5m2, mặt tiền quay về hướng Tây Nam. Kiến trúc ngôi miếu chỉ có một gian, chia thành hai mái. Ở chính giữa bờ nóc gắn cặp rồng và hình mặt trời được đắp bằng ximăng cẩn sành theo lối “Lưỡng long chầu nguyệt”. Chịu lực cho hệ mái là hệ thống đòn đông và đòn tay bằng gỗ, xung quanh xây tường gạch.
Toàn bộ văn tự ở ngôi miếu được viết bằng chữ Hán. Chính giữa tường mặt tiền đề ấp Đồng Nà.
Bên trong miếu, ở chính giữa có án thờ giật hai cấp, trên tường đề chữ thần, phía trên đề 3 chữ Xuân thu tế, hai bên đề hai câu đối:
Anh linh thiên cổ tại
Hiển hách vạn niên xuân.
Hai tường hồi đặt áng thờ Tả ban và Hữu ban.
Áng ngữ phía trước miếu thờ là tấm bình phong lớn xây hình cánh cung, mặt trong xây bệ thờ Âm linh.
Từ nhiều năm nay, tại ngôi miếu, nhân dân địa phương vẫn luôn duy trì cúng tế Xuân - Thu nhị kỳ hàng năm vào ngày mồng 10 tháng Giêng và 14 tháng 7 ÂL để tưởng nhớ công đức các bậc tiền nhân có công khai phá xóm làng và để cầu an mong cho mưa thuận gió hòa, cuộc sống bình yên đến với mọi người, mọi nhà. Hiện nay, ngôi miếu này là nơi sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng duy nhất của nhân dân trong thôn Đồng Nà, là nơi đã tạo nên sự gắn kết bền chặt trong mối quan hệ cộng đồng dân cư. Từ đây, những giá trị nhân văn truyền thống tốt đẹp của địa phương đã và sẽ được các thế hệ hôm nay gìn giữ, tiếp nối và lưu truyền mãi mãi cho thế hệ con cháu mai sau.
Năm 2012, ngôi miếu đã được đưa vào Danh mục di tích Lịch sử - Văn hóa của thành phố Hội An. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp chính quyền và cộng đồng dân cư thực hiện việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích ngày một tốt hơn trong thời gian đến.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền