Vào nửa cuối thế kỷ XVII, thiền sư sang Việt Nam tham dự giới đàn tại chùa Thiền Lâm – Thuận Hóa. Sau đó, thiền sư vào cư ngụ tại Hội An, được một Phật tử hiến cúng khu đất tại thôn Đồng Nà, xã Thanh Hà, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn (nay là xã Cẩm Hà, thành phố Hội An) để lập một thảo am nhỏ tu hành, và dần dần xây dựng thành một ngôi chùa có quy mô lớn lấy tên là Lang Thọ tự, Chùa Cây Cau sau đổi tên thành chùa Vạn Đức. Tại đây, thiền sư chuyên tâm thiền định, giảng giải Phật pháp cho các môn đồ, đào tạo nhiều đệ tử có cống hiến cho Phật giáo Quảng Nam như Phật Tuyết - Tường Quang, Phật Hiền – Hoa Nghiêm, Phật Tường – Đức Liên… Trong quá trình giảng giải Phật pháp và truyền đạo, thiền sư Minh Lượng truyền pháp theo bài kệ của Hòa thượng Đạo Mân:
Đạo Bổn Nguyên Thành Phật Tổ Tiên
Minh Như Hồng Nhật Lệ Trung Thiên
Linh Nguyên Quảng Thuận Từ Phong Phổ
Chiếu Thế Chơn Đăng Vạn Cổ Truyền
Sau một thời gian giảng giải Phật pháp tại Hội An, thiền sư bàn giao chùa cho đệ tử là Phật Tuyết - Tường Quang trụ trì, còn thiền sư tiếp tục vào Nam truyền đạo. Thiền sư Minh Lượng mất năm Kỷ Sửu, 1709, hưởng thọ 83 tuổi.
Có thể nói, thiền sư Minh Lượng đã giành suốt cuộc đời để tu hành và giảng giải Phật pháp cho các Tăng đồ. Thiền sư có những đóng góp nhất định đối với quá trình phát triển Phật giáo Hội An. Ngày nay, chùa Vạn Đức do thiền sư khai sơn là một trong những trung tâm Phật giáo của Hội An, thu hút nhiều môn đồ đến xuất gia học đạo. Chùa Vạn Đức còn lưu giữ những hiện vật có giá trị như các bảng khắc in kinh bằng gỗ, tượng Phật, chuông, đồng,...
Tài liệu tham khảo:1. Thích Như Tịnh (2008), Hành trạng chư Thiền đức xứ Quảng, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
2. Thích Như Tịnh (2009), Lịch sử truyền thừa Thiền Phái Lâm Tế Chúc Thánh, Nxb Phương Đông..
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền