Chùa Phước Lâm và Thiền sư Thiệt Dinh
Thứ tư - 17/07/2013 07:35
Với vai trò là cảng thị quốc tế phát triển bậc nhất ở Đàng Trong - Việt Nam thời Trung đại nên Hội An trở thành nơi du nhập, giao thoa của nhiều luồng văn hóa, tín ngưỡng và tôn giáo, trong đó có Phật giáo. Trong các thế kỷ XVII - XVIII, các chúa Nguyễn rất ưu ái đạo Phật nên Phật giáo có điều kiện phát triển mạnh ở Đàng Trong nói chung và ở Hội An nói riêng. Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hội An, ngoài hệ thống chùa làng được bảo tồn gần như nguyên trạng như chùa Kim Bửu, chùa Cẩm Giác, chùa Hải Tạng,… còn có hệ thống chùa được khai sơn vào thế kỷ XVII - XVIII bởi các vị Thiền sư nổi tiếng thuộc chi phái Lâm Tế - Chúc Thánh, trong đó có chùa Phước Lâm.
Chùa Phước Lâm nằm cách Khu phố cổ Hội An hơn 2km về phía Tây Bắc, tọa lạc trên khu đất rộng thuộc ấp Cửa Suối, làng Thanh Hà xưa, nay là thôn Cửa Suối, xã Cẩm Hà, thành phố Hội An. Ngôi cổ tự này có quy mô lớn, ngoài khu chính điện cùng bình phong uy nghi còn có nhà tổ, khu giảng đường, khu nhà tăng, miếu Ngũ Hành và giếng cổ xây bằng gạch rất đẹp. Khuôn viên chùa được phủ mát bởi những cây cổ thụ lớn sum suê tỏa bóng gợi cảm giác tĩnh mịch, thanh u.
Theo một số tư liệu, chùa Phước Lâm được khai sơn vào năm Nhâm Thìn (năm 1736) bởi Thiền sư Thiệt Dinh, thuộc đời thứ 35 tông Lâm Tế và là đời thứ hai của chi phái Lâm Tế Chúc Thánh. Thiền sư Thiệt Dinh là một trong những đệ tử xuất sắc của Thiền sư Minh Hải - Pháp Bảo, người khai sơn chùa Chúc Thánh cùng với bài kệ truyền thừa pháp danh, pháp tự nổi tiếng. Thiền sư Thiệt Dinh, tên tục là Lê Hiển, pháp tự là Chánh Hiển, pháp hiệu là Ân Triêm, sinh năm 1712 tại xã Bến Đền, phủ Điện Bàn, dinh Quảng Nam xưa. Năm 10 tuổi, Thiền sư Thiệt Dinh thọ giáo làm đệ tử Thiền sư Minh Hải - Pháp Bảo. Thiền sư Thiệt Dinh viên tịch vào năm Bính Thìn (năm 1796), thọ 85 tuổi. Tháp mộ của Thiền sư được xây dựng khang trang trong khuôn viên chùa Phước Lâm. Đệ tử của Thiền sư có nhiều vị nổi tiếng, trong đó có Thiền sư Pháp Kiêm, tự Luật Oai, hiệu Minh Giác. Thiền sư Pháp Kiêm là vị trú trì đời thứ 3 tại chùa Phước Lâm sau Thiền sư Pháp Ấn, có công trong việc tu bổ chùa Phước Lâm với quy mô bề thế.
Qua lịch sử của vị Thiền sư Thiệt Dinh, chùa Phước Lâm cùng với những hiện vật, tư liệu, đặc biệt là mộc bản kinh khắc gỗ, bộ tượng thập bát La Hán được lưu giữ, bày trí trong chùa là nguồn tư liệu quý để nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật Phật giáo và quá trình hình thành, phát triển của Phật giáo ở Hội An nói riêng, miền Nam Việt Nam nói chung. Góp phần minh chứng mảnh đất Hội An không chỉ có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời mà còn khẳng định vai trò của Hội An là cửa ngõ quan trọng của việc giao lưu, tiếp xúc văn hóa Đông - Tây ở Việt Nam thời Trung đại.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền