Những thông tin mới về chùa Kim Bửu

Chủ nhật - 07/07/2013 23:38
Chùa Kim Bửu (Kim Bửu tự 金 寶 寺) được đánh giá là một trong những ngôi chùa làng có quy mô bề thế, có lối kiến trúc cổ xưa gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của làng Kim Bồng xưa, xã Cẩm Kim ngày nay. Hơn thế nữa, nơi đây còn ghi dấu những sự kiện quan trọng về quá trình đấu tranh cách mạng của Cẩm Kim nói riêng, của Hội An, của Quảng Nam nói chung. Do đó, trong nhiều năm qua trong khi tìm hiểu, nghiên cứu về làng mộc Kim Bồng các nhà nghiên cứu đều có những khảo sát, đánh giá về vai trò của di tích tôn giáo quan trọng này. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những vấn đề liên quan đến ngôi cổ tự vẫn chưa được làm sáng tỏ, cụ thể là niên đại ra đời và tên gọi “Bửu Kim tự” (寶 金 寺) của ngôi chùa...
Mới đây, trong quá trình xử lý, dịch thuật các tư liệu Hán - Nôm về phật giáo ở Quảng Nam, chúng tôi đã tìm thấy nhiều nội dung liên quan đến chùa Kim Bửu từ tập Long Thơ Tịnh Độ (龍 舒 淨 土) được đại sư Thiệt Uyên (實 淵) hiệu Trí Bảo trụ trì chùa Hội Nguyên (會 源 寺)(1) thuộc hai giáp Đông, Nam của Kim Bồng châu, thuộc Hoa Châu, phủ Thăng Hoa, xứ Quảng Nam khắc in vào năm Cảnh Hưng thứ 7 (1746)(2).
Khi nói về sự ra đời của chùa Kim Bửu, trước đây các nhà nghiên cứu chủ yếu dựa vào lịch sử hình thành của làng Kim Bồng, hiện trạng kiến trúc của ngôi chùa và những truyền tụng trong dân gian mà cho rằng chùa Kim Bửu được dân làng Kim Bồng xây dựng vào khoảng thế kỷ XIX, đến những thập niên đầu thế kỷ XX, Hòa thượng Phổ Thoại trụ trì chùa Long Tuyền mới đứng ra đại trùng tu quy mô ngôi chùa tồn tại đến ngày hôm nay. Riêng về bức hoành mang tên “Bửu Kim tự” (寶 金 寺) và tại sao chỉ có Kim Bửu là ngôi chùa làng được ban biển sắc tứ... đến nay vẫn là những tồn nghi chưa có lời giải đáp.
Trong tác phẩm “Những ngôi chùa cổ ở Hội An”(3) Đại đức thích Như Tịnh - Trụ trì chùa Viên Giác cho rằng ban đầu Kim Bửu là một ngôi chùa làng, cúng tế theo lệ “Tam ngươn tứ quý(4), đến năm Giáp Tuất (1874) dân làng thiên di trùng tu trên mảnh đất của bà Khiêm bên cạnh sông Thu Bồn và lập biển hiệu “Bửu Kim tự” đến nay vẫn còn. Nội dung trong bản Long Thơ Tịnh Độ (龍 舒 淨 土) ghi rõ niên đại khắc in vào năm Cảnh Hưng thứ 7 (1746), có khắc tên các chùa cúng tiền ấn tống kinh, thì trong số đó có “Bửu Kim tự(tiền thân của chùa Kim Bửu). Bên cạnh đó, trong Long Thơ Tịnh Độ còn in tên của Hòa thượng Pháp Bảo tức Hòa thượng Minh Hải khai sơn chùa Chúc Thánh cúng ngân 1 quan tiền, giấy, thạch đăng... năm Cảnh Hưng thứ 7 (1746) cũng là năm tổ Minh Hải Pháp Bảo viên tịch(5). Từ những thông tin trên cho chúng ta biết một cách chính xác niên đại hình thành của ngôi cổ tự này muộn nhất cũng phải vào giữa thế kỷ thứ XVIII (mặc dù niên đại xây dựng của chùa Kim Bửu hiện nay là vào thế kỷ XX).
Điều thứ hai là hiện nay, giữa chánh điện chùa Kim Bửu còn treo bức hoành với tên gọi “Bửu Kim tự” (寶金寺), dòng lạc khoản bên phải đề “Kim Bồng đồng châu nhân đẳng trùng hưng(mọi người trong châu Kim Bồng cùng trùng hưng), dòng bên trái đề “Tuế thứ Giáp Tuất quý đông cốc đán(ngày tốt cuối mùa đông năm Giáp Tuất). Để lý giải tên gọi trên bức hoành có người cho rằng do thợ khắc bị nhầm trong quá trình sắp chữ. Ý kiến này khó chấp nhận được bởi lẽ người xưa rất cẩn thận trong việc chạm khắc các bức hoành phi, câu đối... mà đây còn là bức hoành mang tính chất quan trọng, là tên gọi của một ngôi chùa, liên quan đến vấn đề tâm linh, tín ngưỡng. Và nếu đã bị khắc nhầm thì dứt khoát người ta sẽ không dùng mà sẽ thay đổi bằng bức hoành mới. Lại có người cho rằng nội dung bức hoành như vậy là đúng, nhưng cách đọc khác thông thường tức là đọc chữ ở giữa trước, sau đó mới đọc chữ bên phải rồi đến chữ bên trái thì tên gọi sẽ đúng với tên gọi “Kim Bửu tự”. Ý kiến này tương đối hợp lý hơn bởi lẽ cách đọc hoành phi như vậy có diễn ra ở giai đoạn triều Nguyễn, nhưng chủ yếu phổ biến ở một số địa phương phía Bắc. Do đó cách lý giải về tên gọi “Bửu Kim tự” của chùa Kim Bửu cho đến trước khi tìm thấy bản “Long Thơ Tịnh Độ” vẫn chưa được giải thích một cách thỏa đáng. Do vậy, theo nội dung của “Long Thơ Tịnh Độ” thì chỉ đơn giản là ban đầu chùa có tên “Bửu Kim tự” sau được đổi lại là “Kim Bửu tự”, không phải do khắc nhầm hay cách đọc hoành phi gì cả.
Về thời gian ra đời tên gọi “Bửu Kim tự”, Đại đức Thích Như Tịnh căn cứ vào nội dung bức hoành hiện tồn cho rằng “Bửu Kim tự” được đặt vào năm Giáp Tuất (1874), sau khi dân làng di dời về trùng tu lại trong vườn bà Khiêm vẫn chưa đầy đủ vì trong Long Thơ Tịnh Độ khắc in năm 1746 thì đã có tên gọi ấy rồi. Do đó căn cứ vào bản in chúng ta có thể khẳng định rằng niên đại hình thành của chùa Kim Bửu muộn nhất cũng phải vào giữa thế kỷ thứ XVIII và thời bấy giờ chùa có tên là “Bửu Kim tự”. Việc đổi tên chùa từ “Bửu Kim tự” thành “Kim Bửu tự” một số tư liệu của các chùa cho rằng ngôi chùa mang tên Kim Bửu từ năm 1941 gắn liền với sự kiện vào năm Bảo Đại thứ 16 nhằm năm Tân Tỵ (1941), dân làng hiến cúng ngôi chùa cho Hòa thượng Phổ Thoại(6) Trụ trì chùa Long Tuyền. Hòa thượng đã đứng ra đại trùng tu ngôi chùa cải tên thành “Kim Bửu tự” (金 寶 寺) và đã được triều Nguyễn ban sắc tứ vào năm Bảo Đại thứ 18 (1943). Từ đây, chùa Kim Bửu đã nhập vào sự quản lý của chư sơn do Hòa thượng Phổ Thoại kiêm quản, sau ngài cử đệ tử là thầy Trang Long Hoa về lo hương khói. Riêng việc chùa Kim Bửu được ban sắc tứ cũng đặt ra vấn đề cần nghiên cứu tiếp đó là trên đất Hội An có khá nhiều chùa làng như Hải Tạng, Cẩm Lý (tiền thân của chùa Viên Giác), Cẩm Giác... sao chỉ có chùa Kim Bửu được sắc tứ, trong khi đó chỉ có những ngôi tổ đình như Chúc Thánh, Vạn Đức, Phúc Lâm... mới được ân ban. Phải chăng nhờ vào uy tín của Hòa thượng Phổ Thoại kiêm quản, đại tu bổ ngôi chùa này... 
Tóm lại, thông qua những nội dung trong bản Long Thơ Tịnh Độ và một số vấn đề nghiên cứu mới đây của Đại đức Thích Như Tịnh đã cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin mới về chùa Kim Bửu một di tích khá quan trọng trong quần thể di tích ở Hội An. Cụ thể là bản Long Thơ Tịnh Độ đã minh chứng khá rõ ràng về thời điểm ra đời của ngôi chùa, về tên gọi “Kim Bửu tự” (金 寶 寺), thời điểm thay đổi tên gọi của ngôi chùa... Qua đó, chúng ta càng thấy được bề dày của một ngôi chùa cổ nói riêng, của Phật giáo cũng như các vấn đề về tôn giáo, tín ngưỡng gắn liền với lịch sử  hình thành và phát riển của làng Kim Bồng nói chung♣
 
* Chú thích:
(1) Chùa Hội Nguyên (會 源 寺) thuộc nhị giáp Đông Nam của Kim Bồng châu, thuộc Hoa Châu, phủ Thăng Hoa, xứ Quảng Nam. Chùa đã bị chiến tranh tàn phá, hiện chỉ còn nền móng tại thôn Đông Hà xã Cẩm Kim.
(2) Nguyên văn trong Long Thơ Tịnh Độ (龍 舒 淨 土): Đại Việt quốc, Quảng Nam xứ, Thăng Hoa phủ, Hoa Châu thuộc, Kim Bồng châu Đông Nam nhị giáp Hội Nguyên tự Trụ trì Thiệt Uyên, hiệu Trí Bửu đại sư... Cảnh Hưng thất niên tuế thứ Bính Dần mạnh xuân cốc nhật.
(3) “Những ngôi chùa cổ ở Hội An”(3) Đại đức Thích Như Tịnh: Bản thảo chưa in.
(4) “Tam ngươn tứ quý”: Tam Ngươn còn gọi là Tam Nguyên tức Thượng nguyên (rằm tháng giêng) - Thiên quan tứ phước; Trung Nguyên (rằm tháng 7) - Địa quan xá tội và Hạ Nguyên (rằm tháng 10) - Thủy quan giải ách. Tứ quý là Xuân, Hạ, Thu, Đông.
(5) Tổ Minh Hải Pháp Bảo người gốc Phước Kiến - Trung Hoa, Tổ là người khai sáng và trù trì chùa Chúc Thánh - Hội An và cũng là vị sơ tổ của dòng Lâm tế Chúc Thánh ở Đàng Trong. Ngài sinh vào năm 1670, viên tịch vào năm 1746 nhằm năm Cảnh Hưng thứ 7.
(6) Hòa thượng Phổ Thoại thế danh Nguyễn Văn Thọ sinh năm Ất Hợi - Tự Đức 28 (1875) tại làng Kim Bồng. Năm 12 tuổi ngài xuất gia tại chùa Chúc Thánh làm môn đồ của tổ Chương đạo Quảng Viên. Năm Kỷ Dậu (1909) ngài khai sơn chùa Long Tuyền.

Tác giả: Tống Quốc Hưng

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây