Sau năm 1954, anh theo cha ra Hà Nội tập kết rồi học khoa Ngữ Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tuổi trẻ của anh trong học đường đã để lại những ký ức đẹp trong lòng bạn bè. Người bạn cùng lớp của Chu Cẩm Phong là nhà thơ Trần Nhật Lam nhớ về bạn như sau "
Từ những năm đầu tiên của đại học, Chu Cẩm Phong đã là một Bí thư chi đoàn của lớp... Anh sống hòa đồng và khiêm nhường, đặc biệt rất say mê nghiên cứu văn học Hán Nôm”. Gương mẫu, năng nỗ và hòa đồng, anh sớm được kết nạp Đảng trong thời kỳ sinh viên. Bạn bè khâm phục anh vì anh đã đã mạnh dạn từ bỏ suất đi học nước ngoài theo chế độ mà nhiều thanh niên khác mơ ước để tình nguyện cầm súng trở lại quê hương Quảng Nam chiến đấu. Trong nhật ký của mình, anh cho thấy phương châm sống cao đẹp và những dòng văn hết sức xúc động của thanh niên trước lúc lên đường chiến đấu. Anh viết: "
Sắp đến mình sẽ đi công tác, mình nhận đi Quảng Đà, một nơi ác liệt nhất. Mình có thể hy sinh trong mùa xuân lịch sử này lắm. Mình nghĩ đến điều này một cách nghiêm túc. Nếu mình ngã xuống như Phương Thảo, Văn Cận, Xuân Quý, thì ba mình, nhất là mẹ mình sẽ đau khổ chừng nào... Nhưng dầu thế nào mình cũng không xê dịch cái phương châm sống: dũng cảm, say sưa quên mình như những chiến sĩ cộng sản chân chính. Dẫu ngã xuống một giờ, nửa giờ trước khi ta giành thắng lợi hoàn toàn cũng hạnh phúc lắm thay!"
Từ năm 1964 trở lại quê hương Quảng Nam chiến đấu, anh sống gương mẫu, tích cực trong công tác, chiến đấu, trở thành một cây bút, một cán bộ chủ lực trong Ban Tuyên huấn của Khu ủy Khu V. Đời văn của Chu Cẩm Phong khá ngắn, chỉ khoảng 3 năm rưỡi. Nhưng những trải nghiệm chiến trường cùng với sự tài hòa và năng nổ của sức trẻ, Chu Cẩm Phong đã để lại nhiều tác phẩm cho đời như Gió lộng từ Cửa Đại, Mặt Biển - Mặt trận, Rét tháng Giêng… Đầu năm 1971, anh về công tác tại xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, nơi chỉ cách quê hương Hội An của anh vài chục cây số. Đến ngày 1/5/1971, từ lúc 10 giờ đến 14 giờ, sau khi bị địch phát hiện hầm bí mật, đã diễn ra cuộc chiến đấu quyết liệt giữa 8 cán bộ, chiến sĩ của huyện Duy Xuyên, cán bộ lương thực tỉnh Quảng Nam và nhà văn - nhà báo Chu Cẩm Phong - Trần Tiến với hơn một tiểu đoàn liên quân Mỹ - Ngụy. Nhà văn Chu Cẩm Phong, người con tài hoa của Hội An đã hy sinh cùng 3 người khác trong trận đánh này. Sau gần 30 năm kể từ ngày Chu Cẩm Phong hy sinh, tập sách
Nhật ký chiến tranh viết từ ngày
11 tháng 7 năm
1967 đến
27 tháng 4 năm
1971 đã được một người lính của chế độ cũ tên là Hoàng Đình Hiếu tìm thấy, cất giữ và hoàn trả. Cuốn nhật ký này đã được NXB Văn học ấn hành vào năm 2000, dày hơn 900 trang. Những suy nghĩ thơ, đẹp của anh trong cuộc chiến được phản ảnh trung thực trong nhật ký đã thu hút sự quan tâm của nhiều độc giả cả nước trong đó nhất là giới trẻ Hội An với nhiều cảm xúc sâu xa, trân trọng.
Ghi nhận những đóng góp trong công tác, chiến đấu, hy sinh của anh, vào năm 2010, Chủ tịch nước Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân cho liệt sĩ Chu Cẩm Phong và anh trở thành nhà văn duy nhất được phong tặng danh hiệu này.