Bước đầu tìm hiểu về hệ thống thần linh được thờ cúng ở Hội An

Thứ tư - 29/05/2013 21:41
Việc thờ cúng thần linh là một phần tín ngưỡng quan trọng của người Việt nói chung và người Hội An nói riêng. Để góp phần nhận diện rõ hơn về hệ thống thần linh được thờ cúng trong văn hóa làng xã ở Hội An, người viết xin giới thiệu khái quát những nét quan trọng về các vị thần trong tín ngưỡng thờ cúng hiện nay. Nếu dựa trên tiêu chí về tính chất đặc điểm của các vị thần thì có thể chia ra hai thành phần là nhân thần và nhiên thần. Nhân thần là những người có công đức được tôn vinh thờ phụng, hoặc là những vị khai canh khai khẩn trong các làng xã, hoặc những nhân vật lịch sử có công lao, tài năng và tiết hạnh như Quan Thánh được thờ ở Chùa Ông, Thiên Hậu Thánh mẫu ở Hội quán Phước Kiến… Những vị này có tên tuổi hành trạng rõ ràng. Nhiên thần là các lực lượng tự nhiên mang sức mạnh chi phối cuộc sống hàng ngày của nhân dân, được nhân dân tôn vinh để cầu xin sự bảo hộ như Ngũ Hành Tiên nương tượng trưng cho các yếu tố nước, lửa, kim loại, đất, cây được thờ các miếu, đình ở các làng xã Hội An…
          Dựa trên nguồn gốc xuất xứ, phát tích địa lý vùng miền thì có thể chia thần linh ra 3 thành phần.
Thứ nhất là những vị thần có nguồn gốc bản địa. Do đặc thù lịch sử nên trong quá trình di cư vào Đàng Trong giữa người Việt và người Champa đã có một quá trình giao thoa văn hóa. Vị thần vốn có gốc tích từ Chăm là Thiên Y A Na. Vị thần này là một hóa thân của Uma trong thần thoại Ấn Độ. Khi truyền vào Champa, Uma trở thành Po Inư Nagar, một nữ thần phúc hậu bảo hộ cho vương quốc và thần dân. Người Việt tiếp thu tín ngưỡng thờ vị nữ thần này và thờ theo đạo Mẫu thay thế cả Liễu Hạnh công chúa, được đưa lên hàng chí tôn bằng cái tên rút gọn Y Na, rồi Y A Na. Các vua triều Nguyễn sắc phong danh hiệu khá dài: Hoằng Huệ Phổ Tế Linh Cảm Diệu Thông Mặc Tướng Trang Huy Dực Bảo Trung Hưng Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi Thượng Đẳng thần, gọi tắt là Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi hay Bà Chúa Ngọc. Đồng thời cư dân Đàng Trong cũng Việt hóa luôn nguồn gốc của ngài bằng sự tích cô gái giữ vườn dừa xứ ở Khánh Hòa. Vị nữ thần này hiện nay được thờ rất nhiều trên địa bàn Hội An. Trong các làng thì có thờ Bổn Thổ Thành Hoàng là những vị có công lao khai khẩn làng xóm, phần lớn không rõ danh tính cụ thể mà chỉ mang ý nghĩa biểu trưng, là vị thần bảo vệ cho làng xóm và được thờ riêng ở các làng.
Thứ hai là những vị thần có nguồn gốc ngoại lai từ Trung Quốc như Quan Thánh Đế Quân, Cửu Thiên Huyền Nữ, Ngũ Vị Long Vương, Long Cung Quảng Vận, Bắc Đế Trấn Vũ.
Thứ ba, những vị thần có nguồn gốc Việt là các vị thần hoặc do triều đình trung ương tôn phong, hoặc do nhân dân tự sáng tạo liên quan đến đời sống văn hóa thường ngày của vùng sông nước, núi rừng, nghề nghiệp… Trong đó, ở Hội An, những làng ven sông, biển thường các vị thần liên quan đến sông nước như Bà Bô Bô, Bà Phường Chào, Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Tôn Thần. Hoặc ở những nơi trước đây có gắn bó với rừng như ấp Xuân Mỹ, làng Xuân Lâm thờ Ông Cọp…
          Nếu dựa theo phân cấp bậc thì dưới chế độ phong kiến các vị thần cũng được sắc phong qua các triều đại, các đời vua và các sự kiện trọng đại của triều đình. Tùy theo mức độ mà được phong thượng đẳng thần, trung đẳng thần, tôn thần. Mỹ tự của các thần cũng có sự thay đổi qua các lần được sắc và hình thức biểu hiện trên sắc phong cũng có sự khác nhau qua các triều đại.
          Như vậy, hệ thống thần linh được thờ cúng trong tín ngưỡng dân gian ở Hội An hết sức phong phú, đa dạng và cũng có những nét khu biệt với các địa phương khác, ngoài đặc trưng riêng là các vị thần bản địa như thần Bà Bô Bô còn gọi là Bà Thu Bồn, Bà Mường Chào, một số vị thần tiếp thu từ Chàm, làng Minh Hương thờ Lý Đại Thành, làng Thanh Châu thờ Trần Chưởng Cơ v.v..., bên cạnh đó ở Hội An còn thờ Đức Thánh Trần, Liễu Hạnh nhưng không phổ biến bằng miền Bắc. Đây cũng là một trong những đặc điểm thể hiện sự giao thoa văn hóa rõ rệt của Hội An với các vùng văn hóa khác nhau, góp phần quan trọng trong việc hình thành văn hóa tín ngưỡng dân gian Hội An.

Tác giả: Ngô Đức Chí

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây