VÀI NÉT VỀ HỆ THỐNG THỜ TỰ VÀ SINH HOẠT TÔN GIÁO Ở TỔ ĐÌNH PHƯỚC LÂM
Chủ nhật - 09/06/2013 08:47
Tổ đình Phước Lâm hiện tọa lạc tại thôn Cửa Suối, xã Cẩm Hà, thành phố Hội An. Tổ đình do Thiền sư Ân Triêm khai lập vào giữa thế kỷ XVIII.
Thiền sư Ân Triêm là Tổ đời thứ 35, dòng Lâm tế Chúc thánh, là đệ tử của Hòa thượng Minh Hải, người khai lập dòng thiền Lâm tế Chúc Thánh theo hệ phái Bắc Tông vào cuối thế kỷ XVII. Lúc đầu Tổ đình là một thảo am nhỏ để Tổ tu tập thiền, đến đời thứ ba - trụ trì là Hòa thượng Minh Giác cho xây dựng lại toàn bộ Tổ đình. Trải qua các lần trùng tu vào các năm 1864, 1891, 1965…Tổ đình đã giữ lại được nét kiến trúc cổ kính như ngày nay.
Tổ đình Phước Lâm có diện tích hơn 2000m2, bố cục kiến trúc theo kiểu chữ “Môn” gồm nhà Đông, nhà Tây, Tiền đình, Chính điện, Hậu tẩm, mặt tiền quay về hướng Đông Nam. Lối dẫn vào Tổ đình phải đi qua một hệ thống tam quan rất cổ kính được xây bằng gạch và vữa vôi, kiểu cổ lâu 2 tầng, gồm 3 cửa vòm, phía trên có đắp bức hoành “Phước Lâm Tự”. Phía trong tam quan có một khoảng sân với nhiều hoa và cây cổ thụ. Hòa trong khung cảnh rợp bóng hoa lá là một bình phong cổ kính hình cuốn thư án ngữ trước chính điện. Hai bên Đông, Tây của bình phong là nhà bia ghi công đức của Hòa thượng Minh Giác và những người đóng góp trùng tu Tổ đình.
Chính điện là công trình có giá trị kiến trúc nghệ thuật nhất, kết cấu theo kiểu tiền đường hậu điện. Tiền đường phía trước có 4 trụ tròn chạm khắc hình rồng tinh xảo cẩn sành sứ. Lối dẫn vào chính điện gồm 3 cửa, mỗi cửa gồm 4 cánh theo kiểu “thượng song hạ bản”. Chánh điện được chia làm ba gian, hệ khung sườn trong điện gồm cột gỗ to tròn, vì kèo kẻ suốt liên kết với trính chồng trụ đội. Tường xây gạch tô vữa vôi, mái lợp ngói âm dương. Bờ nóc đắp cẩn sành đồ án “lưỡng long tranh châu”. Hậu điện là nơi thờ Thập điện Diêm Vương. Cách chánh điện khoảng 7m về phía Bắc là Tổ đường, nơi thờ Tổ Ân Triêm và các đời trụ trì của chùa. Phía Tây Bắc chính điện còn có các tháp tổ là nơi an táng cố hòa thượng Ân Triêm, Minh Giác được chạm khắc tinh xảo, đỉnh tháp trang trí hình hoa sen.
Hệ thống thờ tự trong Tổ đình rất phong phú và trang nghiêm, gồm có Quan âm Nam Hải ở sân chùa, Tiêu diện Đại sĩ, Hộ Pháp Vi Đà ở tiền đường. Hai bên tường của chính điện có thờ bộ tượng La Hán có giá trị cùng với nhiều tượng Kim Cang Hộ pháp khác. Bộ tượng chính ở Đại hùng Bửu điện là Di đà Tam Tông gồm tượng Phật Di Đà ở giữa, bên phải là Quan Thế Âm Bồ Tát, bên trái là Đại Thế Chí Bồ Tát. Ngoài ra còn có thờ Ca Díp, Anan trong tư thế đứng.Tầng dưới cùng gồm tượng Phật đản sinh...
Gian bên phải của án thờ chính thờ tượng Phổ Hiền Bồ tát cưỡi voi. Gian bên trái của án thờ chính thờ tượng Bồ Tát Văn Thù cưỡi sư tử, cả hai tượng đều làm bằng gỗ, chạm trổ tinh xảo. Phía sau chính điện là Hậu đường thờ Thập điện Minh Vương, gồm 10 tượng, mỗi tượng có một tư thế riêng. Sau cùng là Tổ đường thờ Bồ Đề Đạt Ma, long vị và di ảnh các cố Hòa thượng trụ trì của Tổ đình.
Cũng như các Tổ đình khác, hàng năm tín đồ trong Tổ đình tổ chức những ngày lễ tế lớn sau: Vía Phật Đản sanh (15/4); Vía Quan Thế âm (19/6); Vu Lan báo hiếu (15/7); Vía Đức Phật thành đạo (12/12)…Bên cạnh đó, tín đồ trong Tổ đình còn tổ chức kỵ tổ Vĩnh Gia và Hòa thượng Thích Như Vạn vào ngày 20 tháng 3 Âm lịch, Kỵ tổ đình vào ngày mồng 10 tháng 11 Âm lịch.
Như vậy, Tổ đình Phước Lâm là một trong những Tổ đình lớn thuộc Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh ở Hội An, với niên đại hình thành cách đây hơn 300 năm. Tổ đình Phước Lâm có nhiều giá trị kiến trúc nghệ thuật, lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị và lịch sử lâu đời như hoành phi, liễn đối, bia ký, chuông đồng, kinh Phật, tượng …Tổ đình Phước Lâm là một địa điểm sinh hoạt tôn giáo khá đặc trưng, góp phần làm phong phú thêm đời sống tôn giáo Hội An, đã đóng góp đáng kể cho sự phát triển và sự trường tồn của Đạo pháp và Dân tộc.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền