Long Chu là từ chỉ chiếc thuyền làm hình con rồng, theo quan niệm của người xưa, Long Chu được làm dựa theo loại thuyền của vua chúa để chở thần, tướng, âm binh áp tải tống quái, tống ôn và xú uế đi, mong hưởng điều tốt lành cho nơi cư trú của con người.
Ở Hội An, Long Chu được làm bằng sườn tre, ngoài phết giấy phẩm xanh, đỏ, giữa mình là thuyền, đầu đuôi hình rồng có đủ sừng, râu, kỳ, vảy... Hông trái buộc một dầm lái, trước buộc một dầm mũi, bốn góc trước và sau thuyền có 4 hình nhân cầm dầm, một hình nhân giữa ngồi lái. Trên Long Chu cắm 4 cờ, 4 cán cờ xuyên thẳng qua thuyền thành 4 chân, giữa có lộng che và một phướn, hông thuyền cột dọc 2 đoạn tre cho 4 người khiêng, trong lòng có trang bị đầy đủ đồ dùng cho một bậc quyền uy, tất cả đều làm bằng tre và giấy màu. Long Chu được rước khỏi cổng đình, đi qua các đường phố, sau khi đi hết các đường phố, thôn xóm, đám rước dừng lại ven sông, Long Chu được đưa ra giữa sông và đốt.
Để giải mã biểu tượng Long Chu, ta có thể tìm hiểu ý nghĩa vì sao chọn hai hình tượng là con rồng và chiếc thuyền để tạo ra mô hình Long Chu. Trong chữ Long Chu thì “
Long” có nghĩa là rồng, “
Chu” là thuyền. Long chu có nghĩa là thuyền rồng. Theo quan niệm dân gian, rồng là con vật linh thiêng đứng đầu trong tứ linh (
Long, Lân, Quy, Phụng). Rồng ngự trị trong tâm thức người Việt như một linh vật đặc biệt, là “
vạn vật chi đế”, là biểu tượng cộng gộp tất cả các ước vọng tốt đẹp nhất của cuộc sống nhân sinh. Trước nhất, rồng là linh vật tổng hợp từ nhiều loài vật có thật trong tự nhiên, tạo nên một linh vật có: sừng giống nai, đầu giống đà, mắt giống thỏ, thân giống rắn, bụng giống trai, vảy giống cá, ngón chân giống chim, chân giống hổ, tai giống bò. Do vậy rồng mang trong mình hết thảy các ưu thế vượt trội của các loài, trong đó sức mạnh và quyền năng thiên biến vạn hóa là hai đặc tính quan trọng. Rồng được cho là biểu trưng của sự mạnh mẽ, hùng tráng, là uy lực bất bại trước kẻ thù; Thứ hai, rồng được tin là linh vật mang lại điềm lành, sự may mắn, thịnh vượng, sự thông thái; đồng thời, rồng còn hàm chứa ý nghĩa của sự phồn thực, cầu mong mưa thuận gió hoà, rồng phun nước tưới cho cây trồng tốt tươi, một yếu tố cần thiết hàng đầu của cư dân nông nghiệp “
nước - phân - cần - giống”; Thứ ba, rồng có thể thiên biến vạn hóa và thông thiên kết nối nhân gian và thế giới thần tiên. Biểu tượng rồng như là một biểu hiện của khát vọng vươn lên chinh phục tự nhiên và chinh phục chính mình,…
Bên cạnh đó, cũng theo quan niệm dân gian, con thuyền là biểu tượng cho việc tống tiễn những thế lực hắc ám như ma quỷ hoặc bệnh tật.
Việc chọn hình tượng con rồng với ý nghĩa về sự mạnh mẽ, hùng tráng, uy lực, mang lại sự may mắn, thịnh vượng, mang mưa thuận gió hòa và thể hiện sự vươn lên của con người để chinh phục tự nhiên,… kết hợp với hình tượng chiếc thuyền với ý nghĩa tống ôn, xú uế các thế lực hắc ám, bệnh tật,… để hình thành nên mô hình Long Chu đã thể hiện đầy đủ hết chức năng và ý nghĩa của lễ rước Long Chu ở Hội An. Biểu tượng Long Chu đã thể hiện nhân sinh quan, thế giới quan của người xưa. Khi con người chưa cắt nghĩa và có hành động giải quyết được những hiện tượng lạ xung quanh mình, thì dựa vào ý nghĩa của các loài vật, phương tiện,… để xây dựng mô hình tượng trưng và nhờ đến thế lực phù thuỷ với các lễ nghi ma thuật huyền bí để thực hiện những nhu cầu, ước muốn của con người. Vì thế, biểu tượng Long Chu được hình thành nên từ đó.
Ở Hội An, khi đô thị cổ trở thành một địa danh du lịch nổi tiếng thì việc giải mã biểu tượng Long Chu để hiểu được ý nghĩa của lễ rước là điều cần thiết trong việc tuyên truyền, quảng bá sản phẩm du lịch. Chính những yếu tố tín ngưỡng thần linh, ma quái của Long Chu được soi sáng dưới nhãn quan khoa học, sẽ tạo nên tính hấp dẫn riêng; đồng thời, giải mã biểu tượng Long Chu cũng nhằm giáo dục cho thế hệ mai sau hiểu được ý nghĩa của hoạt động văn hoá truyền thống này và có ý thức bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hóa phi vật thể này trong tương lai♣
* Tài liệu tham khảo :1. Nguyễn Đức Minh, 2003. Bài viết “
Lễ rước Long Chu ở Hội An”.
2. Jean Chevalier và Alain Cheerbrant, 2002. “
Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới’, NXB Đà Nẵng.
3. Nguyễn Ngọc Thơ, 2012. Bài viết “
Rồng trong văn hóa Việt Nam” trong website:
http://vanhoahoc.edu.vn4. Nguyễn Thượng Luyến, 2009. Bài viết “
Con rồng Việt Nam qua tác phẩm điêu khắc nghệ thuật Ông rồng”, Hội Mỹ Thuật Việt Nam.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền