Sự kiện lịch sử liên quan đến di tích Trường Viên Minh ở Hội An

Thứ tư - 17/07/2013 07:26
Ngôi nhà số 108 đường Nguyễn Thái Học, phường Minh An, thành phố Hội An hiện nay là di tích loại I, thuộc loại hình nhà phố, mang phong cách kiến trúc Pháp nằm trong Khu phố cổ Hội An. Nơi đây không đơn thuần là di tích có giá trị về mặt kiến trúc mà còn có giá trị về mặt lịch sử.
Từ khoảng năm 1938, ngôi nhà này là trường dạy Trung học, được gọi là trường Viên Minh. Vào ngày 28/8/1945, từ tình hình thực tế của tỉnh Quảng Nam nói riêng, của cả nước nói chung, tỉnh ủy Quảng Nam họp tại Cơ quan ủy ban nhân dân cách mạng Lâm thời tỉnh Quảng Nam quyết định 3 nhiệm vụ lớn và cấp bách. Trong đó có một nhiệm vụ hết sức quan trọng là đưa Mặt trận Việt Minh ra hoạt động công khai, kiện toàn lại tổ chức Mặt trận Việt Minh từ tỉnh đến xã, phát triển các đoàn thể cứu quốc nhằm kêu gọi các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng bảo vệ thành quả cách mạng vừa mới giành được. Ngày 03/9/1945, từ quyết đinh của Tỉnh ủy, Ủy ban Việt Minh Trần Cao Vân tỉnh Quảng Nam ra hoạt động công khai, chọn trụ sở trường Viên Minh ở số nhà 30 đường Quảng Đông (nay là ngôi nhà 108 Nguyễn Thái Học) để làm trụ sở Cơ quan.
Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Quảng Nam, Mặt trận Việt Minh Trần Cao Vân Tỉnh đã tổ chức các buổi học tập chính trị, tuyên truyền giải thích các chủ trương, đường lối, chính sách của Mặt trận Việt Minh đến với đông đảo các tầng lớp nhân dân trong toàn Tỉnh. Thông qua đó, Mặt trận Việt Minh Trần Cao Vân tích cực vận động mọi người tham gia xây dựng và bảo vệ chính quyền mới.
           Trong khoảng thời gian này, Uỷ ban Việt Minh Trần Cao Vân Tỉnh đã thực hiện các chủ trương của Đảng, nhanh chóng kiện toàn tổ chức từ tỉnh đến cơ sở. Uỷ ban Việt Minh Tỉnh là tổ chức đi đầu và mang tính chất quyết định trong việc vận động thành lập các đoàn thể cứu quốc như:  Hội Công nhân Cứu quốc,  Đoàn Thanh niên cứu quốc, hội Phụ nữ, hội Nông dân cứu quốc… tiên phong trong cuộc vận động “diệt giặc đói, giặc dốt”.
Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mặt trận Việt Minh Tỉnh đã kêu gọi toàn dân tăng gia sản xuất, vận động mỗi gia đình đều có hủ gạo cứu đói. Trong tuần lễ vàng xây dựng quỹ Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động từ ngày 16 đến 24-9-1945, nhân dân tỉnh Quảng Nam đã đóng góp được 20kg vàng và hàng chục tấn sắt, đồng. Nhiều gia đình trong tỉnh đã hăng hái tham gia quỹ Đảm Phụ quốc phòng. Mặt trận Việt Minh tỉnh cũng đã kêu gọi toàn dân tham gia phong trào Bình dân học vụ, làm cho người dân từng bước biết đọc, biết viết, tham gia xây dựng đời sống mới, xóa bỏ các hủ tục và các tệ nạn xã hội.
Tháng 11/1945, Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức hội nghị mở rộng tại Kho bạc Hội An. Hội nghị đã đề ra chủ trương củng cố tổ chức Đảng, Chính quyền, đoàn thể quần chúng thực hành vào cuộc vận động xây dựng và bảo vệ chế độ mới. Đồng chí Nguyễn Xuân Nhĩ được phân công làm Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Việt Minh Tỉnh.
Ngày 08/9/1945, Chính phủ Lâm thời công bố sắc lệnh Tổng tuyển cử bầu Quốc hội. Tỉnh Quảng Nam đã có 78 người tham gia ứng cử, trong đó có 14 người do Mặt trận Việt Minh Trần Cao Vân Tỉnh giới thiệu. Mặt trận Việt Minh cũng đã có những sáng kiến tuyên truyền về những đại biểu do mình giới thiệu ra ứng cử thông qua các hình thức ca dao, hò, vè... Đến ngày 06-01-1946, nhân dân toàn tỉnh Quảng Nam lần đầu tiên trong đời tham gia bầu cử Quốc hội. Trong kết quả bầu cử này, cả 14 đại biểu do Mặt trận Việt Minh Tỉnh giới thiệu ra ứng cử đều trúng cử vào đại biểu Quốc hội với số phiếu khá cao.
Trường Viên Minh được ủy ban Việt Minh Trần Cao Vân tỉnh Quảng Nam sử dụng làm trụ sở cơ quan từ tháng 9/1945 đến đầu năm 1947, khi Tỉnh ủy Quảng Nam chủ trương tiêu thổ kháng chiến, cho dời các cơ quan Tỉnh về căn cứ ở các huyện miền núi thì nơi đây không còn làm trụ sở của ủy ban Việt Minh Tỉnh nữa. Tuy thời gian đóng trụ sở hoạt động không dài tại trường Viên Minh, Hội An, nhưng có thể nói rằng, trong khoảng thời này Uỷ ban Việt Minh Trần Cao Vân Tỉnh đã giúp cho Tỉnh uỷ và Chính quyền Cách mạng Lâm thời tỉnh Quảng Nam tổ chức nhiều hoạt động xây dựng và bảo vệ thành quả cách mạng mà nhân dân vừa giành được từ tay của thực dân, phong kiến. Vì thế, di tích này là nơi ghi dấu quá trình hoạt động cách mạng của tỉnh ủy Quảng Nam trong giai đoạn đầu khi đất nước giành được độc lập.
 
Tài liệu tham khảo:
          - Hồi ký của đồng chí Võ Văn Đặng - Tài liệu lịch sử Đảng bộ Hội An
          - Lý lịch di tích Trụ sở ủy ban Việt Minh Trần Cao Vân tỉnh Quảng Nam.

Tác giả: Văn Quý - Lệ Xuân

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây