Phong tục cưới hỏi ở Hội An

Chủ nhật - 07/07/2013 23:24
Ý thức được tầm quan trọng của hôn nhân - cưới hỏi đối với một đời người, cha ông ta đã đặt ra những lễ nghi trang trọng, thiêng liêng để tạo ra những dấu ấn không phai trong tâm khảm của đôi vợ chồng trẻ, qua đó tạo cho họ ý thức về trách nhiệm và nghĩa vụ đối với nhau, cũng như đối với gia đình, con cái, với dòng họ gia tiên. Tuy nhiên, theo nhận biết của chúng tôi, ở Hội An - xứ Quảng trước đây, hôn nhân - cưới hỏi có phần giản lược hơn về một số lễ tục so với một số địa phương ở phía Bắc và ngay cả vùng Thừa Thiên - Huế.
Trước hết, việc dựng vợ, gả chồng hầu như là do cha mẹ, ông bà quyết định (cha mẹ đặt đâu con ngồi đó), trai gái không có quyền tự do tìm hiểu bạn đời và định đoạt hôn nhân cho mình (nam nữ thụ thụ bất tương thân). Vì theo quan niệm, hôn nhân là để nối dõi giòng giống, việc cưới hỏi không chỉ là của bản thân mà liên quan cả dòng họ, do đó cha mẹ, cả họ hàng đều tham gia ý kiến việc lập gia đình của đôi trai gái. Yếu tố đòi hỏi “môn đăng hộ đối” (liệu cơm mà gắp mắm ra/ liệu cửa liệu nhà mới gả con cho) luôn được đặt ra, cũng là một rào cản đối với hôn nhân. Mặt khác, cũng cần phải nói rằng trong xã hội phong kiến “môn đăng hộ đối” lại phần nào giúp tránh được sự khinh rẻ lẫn nhau do phân biệt giữa giàu nghèo; chức dịch với thường dân; học ít với không có học... tạo được sự công bằng, bình đẳng giữa cặp trai - gái và cả hai bên gia đình; tạo được sự đồng cảnh, cảm thông, tránh các mâu thuẫn sau khi hôn nhân. Hơn nữa, vì người phụ nữ là người sinh con cháu cho nhà chồng nên họ được chú ý lựa chọn cho việc sinh “con đàn cháu đống”, để dòng họ luôn phát triển đông đúc, bền vững (mua heo chọn nái, kén gái chọn dòng). Trong dựng vợ, gả chồng cho con tuyệt đối kiêng kỵ việc những người bà con, người cùng một họ mà không xác định được gốc tích. Đối với bà con bên ngoại của cả hai bên, khác họ thì có phần nhẹ nhàng hơn khi đã xuống 3 đến 5 đời. Tuy nhiên cũng khó được chấp nhận vì đối với cư dân Hội An bên ngoại cũng có ý nghĩa thiêng liêng, gắn bó gần gũi không khác gì bên nội. Đối với bà con người Hoa có điểm khác là người ta khuyến khích con trai lấy vợ người Việt, con gái lấy chồng người Hoa. Nghĩa là tăng số lượng con dâu, sui gia, thông gia với người Việt mà hạn chế con gái mình về làm dâu người Việt (bởi xuất phát từ quan niệm, con gái là con người ta, con dâu mới là con mình).
Cưới hỏi tuy có nhiều nghi tiết, nhưng cũng tùy thuộc vào hai bên gia đình mà có thể thêm hay giảm bớt, song vẫn phải trải qua trình tự các lễ sau:
Khi hai bên đã dò hỏi tuổi tác và đến thầy xem được tuổi hợp rồi, mới nhờ một người thân thiết với bên nhà gái và sắm trầu, rượu đến nhà nhờ làm mai. Có nhà người ta chọn cả ông làm mai nhưng phải là người có đức vọng, còn đủ vợ chồng, con cái song toàn. Ông/bà mai không những làm cầu nối giữa hai họ đi đến hôn nhân của con cái, mà còn là người hòa giải sau này nếu có việc gì trắc trở giữa vợ chồng và hai họ. Vì ngày xưa, chưa có lệ khai giá thú nên ông/bà mai còn là chứng nhân của việc thảo kiện khi có việc ly dị hay vợ chồng kiện cáo nhau. Lễ bỏ trầu cau là lễ đầu tiên của nhà trai đến nhà gái, là ngày nhà trai gồm có cha mẹ, anh, chị hoặc ông bà khoảng 3 - 5 người, nếu không có thì phải là người thân nhất, có quyền quyết định đến việc hôn nhân của người con trai, sắm lễ trầu - cau - rượu cùng ông/bà mai đến nhà gái và hai bên bàn bạc để thống nhất việc dựng vợ gả chồng cho con (lễ bỏ trầu cau tục còn gọi là hàng rào sưa”). Sau đó là đến lễ hỏi (còn gọi là lễ vấn danh), trong lễ này, nhà trai với thành phần đẩy đủ gồm cha, mẹ, ông, bà, bác, chú, cô, dì, cậu... tức là những người thân ruột của cha - bên nội và của mẹ - bên ngoại, chọn cho đủ đôi, đủ cặp, những người song toàn, số lượng ít cũng được 5 - 6 cặp/đôi trở lên (thường họ chọn cho đủ số cặp/đôi là số rơi vào chữ sinh thay chữ lão - theo sinh - lão - bệnh - tử). Nếu vì hoàn cảnh neo đơn có thể mượn những người thân hữu, ân nhân đi giúp. Lễ vật có trầu - cau, trà - rượu, một đôi bông tai (giàu thì đi vàng, còn nghèo thì đồng xứng). Sau lễ hỏi, hai bên (trai, gái) chính thức đi lại và công khai với họ hàng - làng xóm và nhà trai chính thức nhờ thầy xem ngày giờ để tổ chức lễ cưới. Tiếp đến là lễ cưới, trong lễ cưới có trầu - cau, trà - rượu, tiền heo - tiền giẻ. Tiền heo là của nhà trai đem đến cúng ông bà bên nhà gái và đãi khách. Tiền giẻ là cho cô dâu may áo quần lúc về nhà chồng. Tiền sính lễ hoặc là ruộng, vườn, nhà... Heo có nơi mang theo y con bỏ vào cũi khiêng đến. Tất cả đều ghi rõ trong tờ hôn thơ. Kèm theo các lễ vật này phải có ít nhất cái vòng xuyến (bằng vàng thiệt, hoặc nghèo cũng phải bằng bạc). Trước ngày định lễ cưới phải có lễ thỉnh kỳ của nhà trai gồm cha mẹ hoặc anh em khoảng 3 - 5 người có ông/bà mai cùng đến nhà gái làm thủ tục “xin y hạn” (thực chất 2 bên gặp gỡ cùng bàn bạc, rà soát lại công việc chuẩn bị hôn lễ để đi đến thống nhất thực hiện). Đặc biệt, tại lễ này nhà trai trao đầy đủ vật dẫn cưới: Tiền heo, tiền giẻ, vật sính lễ (ruộng, vườn, nhà...) theo đúng như lời ghi trong hôn thơ. Trong lễ cưới thì có hai cách, một là sau khi cưới thì rước dâu; hai là sau khi cưới thì gởi rể, việc này do ông/bà mai cùng hai bên cha mẹ tùy vào tình hình, hoàn cảnh cụ thể của mỗi nhà mà thống nhất, quyết định. Trước ngày cưới, nhà trai cũng như nhà gái phải có bữa hội thân (hay còn gọi là nhóm họ), sắm lễ trước là cáo, cúng ông bà tổ tiên, sau là mời bà con nội ngoại, thân hữu, hàng xóm, láng giềng của cha mẹ. Ngày cưới họ nhà trai thành phần đi dẫn cưới (sau này gọi là rước dâu) cũng giống như khi đi lễ hỏi. Điều quan trọng là phải sắp xếp thời gian đi làm sao để vào nhà gái đúng giờ đã quy định. Lễ vật đem đến chỉ có trầu - cau - rượu - trà - đèn giác/trầm để làm lễ cúng (còn mọi đồ dẫn cưới: Tiền heo, tiền giẻ, vật sính lễ: Ruộng, vườn hoặc nhà... thì đã đi trước tại lễ thỉnh kỳ). Lễ vật dẫn cưới cũng như khi đi lễ hỏi phải được đựng vào những cái hộp tròn, sơn đỏ - gọi là quả, trên phủ khăn đỏ có chữ song hỉ - thường phân thành 3 quả hoặc 5 quả (5 quả gồm  trầu -cau, kim - ngân, trà - rượu, đèn - giác/trầm; nem - chả). Khi đến cổng ngõ của nhà gái thì phải cho một người đại diện bưng khay đựng ve rượu, 2 ly, đĩa trầu têm sẵn vào nhà gái, lật ly, rót  rượu, mời trầu, xin thưa... gọi là trình giờ (báo đã đến giờ, họ nhà trai  xin cho vào nhà làm thủ tục cưới)
Sau khi họ nhà trai vào nhà, đại diện họ nhà gái nhận lễ rồi lấy trầu - cau, rượu - trà, đèn - giác/trầm dâng/đặt lên bàn thờ gia tiên làm lễ cúng. Cúng xong, cho cô dâu ra trình họ và nhà trai cho của thăm dâu. Hoàn tất nghi lễ họ nhà trai ra về, chú rể, ông/bà mai ở lại để cùng đi với họ nhà gái - đưa dâu/ dẫn dâu. Tục sau này có thay đổi gọi là rước dâu - tức là họ nhà trai cùng họ nhà gái, ông/bà mai và cô dâu, chú rễ cùng đi/rước về nhà trai một lần. Riêng cha, mẹ cô dâu không đi cùng đoàn mà đi riêng đến sau. Thành phần tham gia đưa dâu/rước dâu của họ nhà gái cũng giống như họ nhà trai (thông thường nhà trai có vai vế nào thì nhà gái cũng cố gắng đưa ra thành phần đủ vai vế như họ nhà trai). Việc đưa dâu/rước dâu về nhà trai, nhập/vào nhà cũng phải theo đúng giờ đã định trước. Trường hợp cô dâu/gái có thai trước thì phải gửi rể hoặc nếu rước thì phải đi vào nhà trai bằng ngõ sau, rồi đi từ dưới bếp lên. Ở nhà trai, họ đặt giữa nhà, phía trước bàn thờ một bàn án gọi là cáo trung đỉnh (có nơi gọi là bàn ông Tơ - bà Nguyệt). Khi chú rể cùng cô dâu bước vào nhà, họ nhà trai chọn một ông trong họ có đức vọng và con cháu đông đúc đứng làm lễ Trung đỉnh - cô dâu, chú rể đến lạy. Có nhà còn có lễ giao bôi (chú rể bưng chén rượu đưa cho cô dâu uống, cô dâu đưa cho chú rể miếng trầu ăn - với ý là hòa hợp đoàn viên). Sau đó lạy ông bà, tiếp đến lạy tạ ông/bà mai, cha mẹ, ông bà nội/ngoại. Sau phần nghi lễ là phần ông/bà, đại diện bên nội, bên ngoại của cả hai bên và các bác, chú, cô, cậu dì, anh chị em của cô dâu, chú rể lên trao quà cưới cho cô dâu và chú rể (ở đây có thể là vàng/bạc hoặc phong bì tiền...), thông thường họ nhà gái cho trước, họ nhà trai cho sau. Tiếp theo là phần tiệc mừng của họ nhà trai cùng họ nhà gái. Tiệc xong thì họ nhà gái ra về, cô dâu, chú rể phải ra đứng tại cổng/ngõ có khay trầu - rượu - thuốc để tiễn đưa, một số người thân của cô dâu thường lì xì cho cô dâu ít tiền gọi là làm phước. Lễ cưới chấm dứt, sau 3 ngày làm lễ phản diện (có nhà gọi là lễ lại quả), cha mẹ chồng bày một lễ nhỏ: bánh, rượu, trà, đi cùng cô dâu, chú rể, ông/bà mai đến nhà gái. lễ vật này đặt lên bàn thờ cúng ông bà bên nhà gái để tạ ơn. Trường hợp gửi rể thì sau khi dẫn cưới chú rể ở lại nhà vợ, không phải đưa/rước dâu.
Trên đây là những nét cơ bản của nghi lễ hôn nhân - cưới hỏi, tùy theo hoàn cảnh, sự thỏa thuận của cả đôi bên (họ nhà trai - họ nhà gái) mà có thể có những thay đổi thêm - bớt. Ngoài ra trong quá trình tiến hành hôn lễ còn nhiều điều kiêng kỵ mà mọi người trong gia đình phải lưu ý như: không để ly, đĩa, chén, tách... bị vỡ/ bể; nhánh cau dẫn cưới không cho đứt/ rứt trái nào; người có tang không mời đi họ dẫn cưới hay đưa dâu; khi đám cưới tránh đi ngang qua lăng miếu mà đi quanh hay đi sau lưng; số người đi họ dẫn cưới hay đưa dâu phải là số chẵn, theo từng cặp; các đồ lễ dẫn cưới không được đem đến nhà người khác để♣

Tác giả: Nguyễn Chí Trung

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây