Học sinh Trường THCS Trần Quý Cáp, Điện Phước, chăm sóc mộ nhà chí sĩ(Ảnh do Trường cung cấp)
Một bậc túc nho (không rõ danh tánh) dịch thơ: Chinh chiến vì đâu xảy họa tai?/ Mà nay thấy những dấu lang sài!/ Cờ ba sắc nhoáng tàu vô cửa/ Xe một đường thông ải suốt dài/Tiếng địch gọi hồn non nước cũ/ Bóng chiều chói rạng phố lầu ai?/ Ước chi nay có Trần Hưng Đạo/Lập lại Đằng Giang trận thứ hai!
Năm 1905, Trần Quý Cáp thân lâm đến Ngũ Hành Sơn, ghé đến động Dương Hỏa Sơn (thường quen gọi hang Ông Lê), để thăm người bạn cũ Lê Bá Trinh. Không gặp bạn, ông bèn dừng chân tại “Tịnh Lạc Hiên” (căn chòi nứa lá của Hàn Hải Lê Bá Trinh dựng nơi triền núi Dương Hỏa Sơn), sáng tác một bài thơ để lại cho bạn, trong đó có câu: “Hàn Hải sơ khai thiên cổ nhãn/ Cố nhân tọa ngọa Ngũ Hành Sơn?” Tạm dịch theo nghĩa xuôi: Lê Bá Trinh vốn dĩ có tầm nhìn ngàn xưa/Cớ sao bạn cũ nay vẫn còn nằm ngồi chốn Ngũ Hành Sơn này?
Năm 1906, phụng lãnh Giáo thọ huyện Thăng Bình, ông chủ trương cải cách giáo dục, mở mang tân học, công kích tệ lậu tham ô, nhũng nhiễu của quan lại địa phương, trở nên một nhà mô phạm mẫu mực.
Bấy giờ, thực dân Pháp và tay sai, nhận thấy phong trào Duy Tân tại Quảng Nam bộc phát lan rộng, ông bị giặc nghi ngờ. Do đó, cuối năm 1907, nhằm đầu năm 1908, ông bị đổi vào tỉnh Khánh Hòa, làm Giáo thọ huyện Tân Định (nay là huyện Ninh Hòa). Tiễn bạn lên đường, tại bến nước Hàn Giang, Chí sĩ Lê Bá Trinh cảm tác bài thơ trong đó có 4 câu thơ: Diên Phong trổi khúc lên cung Quảng/ Tân Định xuôi buồm bởi gió mây/ Đắc lộ hanh thông trong chức vụ/ Xiết bao nghĩa bạn với ơn thầy!
Nào ngờ đây là lần cuối cùng của đôi bạn, không còn cơ hội gặp lại nhau. Bởi cũng chính vào năm 1908, năm nổ ra cuộc biểu tình kháng sưu cự thuế tại huyện Đại Lộc, nhanh chóng lan rộng cả tỉnh Quảng Nam, rồi lan đến Thanh - Nghệ - Tĩnh và vào đến Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Sử gọi là Trung Kỳ dân biến, khiến giặc Pháp và tay sai rất hoang mang, nên ra sức đàn áp, bắt bớ, tù đày, giết chóc.
Liền khi nghe nhân dân tỉnh nhà Quảng Nam phát động việc xin giảm thuế, bày tỏ nguyện vọng chính đáng của bà con, ông đã chia sẻ niềm vui qua một bức thư gửi về Quảng Nam, trong thư có câu: “... Cận văn ngộ châu thử cử; Khoái thậm! Khoái thậm!” (Gần đây nghe tỉnh ta việc ấy; Sướng lắm! Sướng lắm!). Lá thư này, chẳng may lọt vào tay Trần Văn Thống, người tỉnh Khánh Hòa, lúc bấy giờ đương chức Án sát Quảng Nam, khi cho lính lục xét nhà ông phát hiện. Tay sai này liền gửi bức thư ấy vào cho Bố chánh tỉnh Khánh Hòa là Phạm Ngọc Quát tra xét.
Trước công đường, Chí sĩ Trần Quý Cáp khẳng khái bày tỏ: “... Tôi có đưa sở học thi hành để mong dìu dắt phần nào cho đồng bào khôn, nước mạnh. Nay dân trí ta đã cao, do lòng định liệu cho tương lai mình, thì tôi có tội gì? Dân tôi có tội gì?
Tưởng các ông nên xét lại việc chính sự của các ông có đồi bại không? Rồi sửa sang lại cho chính đáng, thì tự nhiên dân an nghiệp làm ăn, không ai có thể xúi dân làm gì được. Nếu chỉ là vì ý riêng, bằng vì dân mà làm, vì dân mà lo thì không bảo họ, họ cũng vâng, không ai ra oai, họ cũng tự khép mình kính phục vậy”.
Thế mà Án sát Phạm Ngọc Quát buộc tội Tiên sinh là “Tuy chưa có hành động phản loạn, nhưng đã nuôi cái lòng phản nghịch”, rồi ngày 17-5 Mậu Thân, nhằm ngày 15-6-1908 ( ), chúng đưa Tiên sinh ra bãi Sông Cạn, thuộc làng Phú An, phủ Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa, chém Tiên sinh ngang lưng (yêu trảm), một cách rất dã man, lúc tuổi đời 38.
Vô cùng thương tiếc cái chết oan uổng của Tiên sinh, Chí sĩ Phan Bội Châu (Ông già Bến Ngự), làm bài văn tế có đoạn:
Nghĩ như ông Thai Xuyên mà được án xử tử thời tội gì? Chỉ là trung hiếu thiên tính.
Hay là cái tội Ông giảng học mới?...
Hay là tội Ông, tại tội hay giảng công lý?...
Hoặc giả vì lúc đó dân Quảng Nam có việc xin xâu mà Ông bị hiềm nghi phiến động hay sao?...
Thế thời Ông chết vì tội gì? Chỉ có một tội: Chính cái tội Ông là người mất nước!..
Hỡi ôi! Than ôi! Gươm vô đạo chẳng từ ai, mạng thánh hiền mà đành như vậy!...
Chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng có bài thơ khóc bạn nguyên văn bằng chữ Hán, dịch thơ: Gươm sách xăm xăm tách dặm miền/ Làm quan vì mẹ há vì tiền/ Quyết đem học mới thay nô kiếp/ Ai biết quyền dân này họa nguyên/ Bồng đảo gió chưa đưa giấc mộng/ Nha Trang cỏ đã khóc hồn thiêng/ Chia tay chén rượu còn đang nóng/ Đà Nẵng đưa nhau lúc xuống thuyền.
Chí sĩ Phan Châu Trinh khi ở Pháp, cùng lúc viết hai tác phẩm “Trung kỳ dân biến thỉ mạt ký” và “Pháp Việt liên hiệp hậu chí tân Việt Nam” nhằm minh oan cho đồng chí, đồng bào. Trong đó, Phan Châu Trinh có đoạn nói về Tiên sinh Trần Quý Cáp:
“Nay tôi và anh không tự lượng sức mà đề xướng thuyết minh, may ra thành công thì toàn quốc đều vui hưởng, rủi mà thất bại sẽ bị dẫn đến chợ, cái đầu chịu chém thì vui biết dường nào! Chẳng ngờ, ngày nay anh lại bị hãm vào lời nói ấy mà ngậm cười nơi chín suối! Tôi rất tiếc đã không cùng người bạn bình sinh rất thân ái ấy, dắt tay nhau lên đoạn đầu đài, và cũng chẳng được một lạy trước mộ phần để tạ tội cùng phụ nhau”.
Năm 1938, Nhân sĩ Phạm Phú Thuần (1900 - 1956), cháu nội Thượng thư Tiến sĩ Phạm Phú Thứ, có bài thơ truy điệu Tiên sinh Trần Quý Cáp, trong dịp bằng hữu và gia quyến rước hài cốt Tiên sinh từ Khánh Hòa về cải táng và khánh thành lăng mộ tại làng Bất Nhị:
Dịch: Trước mộ Thai Xuyên rót chén vàng
Viếng hồn trung liệt ngậm ngùi than
Cương trường gánh vác Văn sơn nặng
Nhật nguyệt lu mờ Võ mục oan
Một thác tiếng tròn vì Tổ quốc
Ngàn năm tiết rạng chói nhà quan
Tấm bia đồ sộ đầy ghi tạc
Mãi với non sông được vững vàng.
Tiên sinh Trần Quý Cáp không chỉ học rộng, hiểu biết nhiều, sớm có tư tưởng cấp tiến theo đường lối Duy tân tự cường, mà Tiên sinh còn là người quả cảm, nhiệt tâm, giàu lòng yêu nước, yêu quê, trung hiếu vẹn toàn.