CAI PHỦ TÀU - CHU KỲ SƠN

Thứ tư - 29/05/2013 04:01
Hiện nay, tại Khối 3 nay là khối Phong An - phường Sơn Phong còn lưu lại một ngôi mộ cổ mà người dân thường gọi là mộ ông Chu Kỳ Sơn. Trong văn bia mộ có ghi: “Giang nam hiển khảo Ân thọ nội viên Cai phủ tàu Ấu Tứ Hầu Chu Kỳ Sơn. Tuế thứ Giáp tuất niên cốc Đán. Hiếu nam Chu Thủ Nương phụng lập thạch”. Từ nội dung văn bia cho biết, đây là ngôi mộ của một Cai Phủ Tàu tước Âu Thọ Hầu mang tên Chu Kỳ Sơn.
Minh Hương xã ở Hội An được hình thành khá vào nửa đầu thế kỷ XVI và có đóng góp quan trọng trong hoạt động thương mại của thương cảng Hội An lúc bấy giờ và phát triển kinh tế, văn hóa của Hội An về sau. Trong tổ chức hành chính xưa kia, đứng đầu xã Minh Hương là các Hương quan, Hương trưởng, Hương lão điều hành mọi hoạt động của làng xã. Hầu hết các bậc tiền bối của Minh Hương xã là những vị xuất thân dòng dõi quan chức ở Trung Hoa, do không chịu thần phục nhà Thanh mà sang tỵ nạn ở Hội An - Đàng Trong. Trong số đó có 10 vị lão gia thường gọi là “thập đại lão gia” gồm Khổng lão gia, Nhan lão gia, Thái lão gia, Dư lão gia, Từ lão gia, Chu lão gia, Hoàng lão gia, Trương lão gia, Trần lão gia, Thái lão gia, Lưu lão gia, Chu Kỳ Sơn là một trong 10 lão gia đó (Chu lão gia).



          Theo các tư liệu cũ như “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn, “Việc sử xứ Đàng Trong” của Phan Khoang và nhiều nguồn tư liệu khác cho biết, dưới thời các chúa Nguyễn có đặt các chức Cai phủ tàu, Cai bạ tàu, Cai tàu, Ký lục tàu... mỗi chức 2 viên. Các quan này đảm nhiệm việc quản lý các tàu thuyền ngoại quốc xuất nhập cảnh, quy định phép cân đo và định thuế lệ chiếu phép đệ nạp ... Ở Hội An - Đàng Trong, các chức vụ này thường được các chúa Nguyễn giao cho những thương nhân người Trung Hoa. Chu Kỳ Sơn là một trong những nhân vật được chúa Nguyễn giao giữ trọng trách này, với chức vụ Cai phủ tàu, tước Tứ Ân Hầu.
Dựa vào nội dung văn bia và một số tư liệu khác của Minh hương xã cho thấy Chu Kỳ Sơn sinh sống tại Hội An và giữ chức vụ Cai phủ tàu vào khoảng đầu thế kỷ thứ XVII và ông mất trong giao đoạn nữa cuối thế kỷ thứ XVII, vì trong văn bia của ngôi mộ còn ghi rõ là con trai ông Chu Thủ Nương lập năm Giáp Tuất, tức khoảng năm 1694 và đây cũng rất có thể là niên đại xây dựng của ngôi mộ. Mộ ông Chu Kỳ Sơn không chỉ có giá trị về mặt nghệ thuật còn là một trong những cứu liệu quan trọng để nghiên cứu về lịch sử di dân cũng như việc hình thành và phát triển thương cảng Hội An; đồng thời cũng cho chúng ta thấy được vai trò của người Hoa - Minh Hương đối với Hội An trong lịch sử.

Tác giả: Quốc Hưng - Ngọc Hương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây