ĐỒ SỨ HIZEN - NHẬT BẢN PHÁT HIỆN Ở HỘI AN

Thứ tư - 29/05/2013 04:04
Gốm sứ Nhật Bản có lịch sử hình thành và phát triển trải qua hàng nghìn năm mà trong đó thế kỷ XVI - XVIII là giai đoạn thịnh vượng nhất với trung tâm sản xuất tiêu biểu là tỉnh Hizen - Nhật Bản
Có thể nói gốm sứ Hizen là đỉnh cao của nghệ thuật gốm sứ Nhật Bản, có nhiều mặt hàng được xuất khẩu đến nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á và châu Âu.
Hizen là tên cũ của một tỉnh nằm trên đảo Kyushu thuộc thời kỳ Edo. Ngày nay phía đông của Hizen thuộc tỉnh Saga, phía tây của Hizen thuộc tỉnh Nagasaki. Tỉnh Hizen là nơi có lịch sử sản xuất gốm sứ lâu đời và đặc biệt phát triển rực rỡ từ đầu thế kỷ XVII khi kỹ thuật chế tác của Triều Tiên được áp dụng. Ngoài ra, chính sách cấm buôn bán với bên ngoài (thôn bản bất hạ hải) của Trung Quốc lúc bấy giờ cũng là một yếu tố quan trọng thúc đẩy gốm sứ Hizen phát triển và độc chiếm thị trường khu vực. Trước khi sản xuất đồ sứ, ở Hizen có đồ gốm Kartsu. Sau cuộc chiến với Triều Tiên vào cuối thế kỷ 16, nhiều thợ gốm nổi tiếng của Triều Tiên được các lãnh chúa ở đảo Kyushu đưa về và bắt đầu sản xuất đồ sứ ở Nhật Bản. Do Hizen là nơi sản xuất đồ sứ duy nhất ở Nhật Bản lúc bấy giờ nên kỹ thuật chế tạo đồ sứ là tuyệt đối bí mật, cuộc sống của người thợ được lãnh chúa bảo đảm nhưng bị cô lập với bên ngoài. Đồ sứ Hizen có các loại gồm Arita, Nabeshima, Mikawachi, Hirado, Hasami. Thông thường đồ sứ Hizen còn gọi là đồ sứ Imari bởi vì nó được bán ra bên ngoài thông qua phố cảng Imari. Nhiều loại hình đồ sứ Hizen làm phỏng theo đồ Cảnh Đức Trấn ở Giang Tây - Trung Quốc thời Minh. Chính sách phát triển ngoại thương của Nhật Bản, đặc biệt là thời kỳ “Châu Ấn thuyền” đã tạo điều kiện cho gốm sứ Nhật Bản nói chung, đồ sứ Hizen nói riêng trở thành mặt hàng quan trọng trong “Con đường gốm sứ mậu dịch trên biển” và có mặt ở nhiều nơi, nhiều khu vực.

          Ở Việt Nam, các nhà khảo cổ đã phát hiện đồ sứ Hizen - Nhật Bản ở nhiều di chỉ quan trọng như khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, khu mộ Mường ở Đống Thếch (Hoà Bình), Bảo Lộc (Lâm Đồng),... và đặc biệt ở Hội An.
          Kết quả những đợt khảo sát, thám sát và khai quật khảo cổ học từ các năm 1990 đến nay cho thấy Hội An là địa phương xuất hiện rất nhiều đồ sứ Hizen. Ở khu vực ngoài khu phố cổ có di tích Trảng Sỏi, Thanh Chiếm... Trong khu phố cổ thì có hội quán Triều Châu, nhà 80 Trần Phú, đình Cẩm Phô, đình ấp Tu Lễ, nhà 129 Phan Chu Trinh, nhà 16 Nguyễn Thị Minh Khai, địa điểm phía đông Chùa Cầu và rải rác tại các tuyến đường, đặc biệt là đường Trần Phú. Trong số các địa điểm trong khu phố cổ Hội An, có thể nói hố đào ở nhà thờ tộc Tăng - số 16 Nguyễn Thị Minh Khai cho bộ sưu tập hiện vật đồ sứ Hizen phong phú nhất. Tại đây, đồ sứ Hizen xuất hiện ken dày từ lớp thứ 6 đến lớp thứ 9. Bên cạnh đồ gốm sứ Hizen còn có một bếp lò bằng đất nung là chứng tích của nơi sinh hoạt ẩm thực.
          Đồ sứ Hizen phát hiện ở Hội An mang đặc trưng chủ yếu là loại men trắng vẽ lam với các loại hình cơ bản là bát, chén, đĩa. Hoa văn trang trí là đề tài rồng - mây, cá hoá long, cá, hoa thảo, chữ “Nhật” và chim phụng với nét vẽ ước lệ. Mép chân đế không tráng men và thường dính cát. Một số đồ sứ dưới mặt đế có đề chữ Hán. Niên đại khoảng giữa thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XVIII.
          Bát sứ Hizen phát hiện ở Hội An có đường kính miệng dao động từ 13,5 - 17cm, đường kính chân 5,5 - 7cm, cao từ 6,5 - 8,9cm. Xương trắng mịn, men trắng ngà vẽ lam với mặt ngoài trang trí chữ thọ, đề tài rồng mây, rồng phụng xoay theo chiều kim đồng hồ, các đường viền. Mặt trong trang trí hình tiên ông, 3 con cá cách điệu xoay ngược chiều kim đồng hồ với đầu hơi hướng lên trên, đề tài cá hoá long, các đường viền.
          Chén có đường kính miệng từ 9,4 - 11,6cm, đường kính chân từ 3,9 - 5,8cm, cao từ 4,9 - 6,1cm. Xương trắng mịn, men trắng ngà vẽ lam với mặt ngoài trang trí băng hoa văn ngọc như ý, băng hoa sen, khóm trúc, cành mai, các chữ Hán ở mặt đế như “Tuyên Đức niên chế”, các đường viền,... Mặt trong trang trí bông hoa, cành mai,...

          Đĩa có đường kính miệng khoảng 14 - 15,6cm, đường kính chân dao động từ 6,4 - 7,2cm, cao từ 3 - 3,7cm. Xương trắng, men ngã màu xám tro vẽ lam với mặt ngoài ít trang trí, thường là đường viền. Mặt trong trang trí phổ biến băng hoa văn ở thành gồm 3 chim phượng đầu xoay theo chiều kim đồng hồ được giới hạn bởi 1 đường viền sát mép miệng và hai đường viền ở gần lòng, chữ “Nhật” nhiều cỡ, hình con bướm, ô hình học vẽ đồ án bát bửu. Khi mới phát hiện, loại đĩa trang trí 3 con chim phượng và chữ Nhật ở lòng được các nhà nghiên Việt Nam cho là đồ ký kiểu thời Nguyễn.
         Đồ sứ Hizen phát hiện ở Hội An là chứng tích khẳng định mối quan hệ giao lưu giữa Hội An - Việt Nam với Nhật Bản trong lịch sử, thể hiện sự phát triển thịnh vượng cũng như vai trò quan trọng của cảng thị Hội An vào các thế kỷ XVII, XVIII.
Nhiều hiện vật sứ Hizen phát hiện ở Hội An được trưng bày phát huy giá trị tại Bảo tàng Gốm sứ Mậu dịch Hội An số 80 Trần Phú. Tham quan bảo tàng chuyên đề này chúng ta sẽ hình dung được bức tranh về đồ gốm sứ của các nước, khu vực tham gia vào luồn giao thương Nam Bắc, Đông Tây vào các thế kỷ XVI-XVIII mà Hội An là điểm trung chuyển quốc tế cũng như sẽ nhận diện được vị trí của sản phẩm sứ Hizen trong luồn giao thương này.


Tác giả: Võ Hồng Việt

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây