NĂM QUÝ TỴ - TÌM HIỂU MỘT SỐ CÂU CA DAO, TỤC NGỮ - HÒ VÈ VỀ RẮN

Thứ hai - 11/03/2013 05:30

NĂM QUÝ TỴ - TÌM HIỂU MỘT SỐ CÂU CA DAO,  TỤC NGỮ - HÒ VÈ VỀ RẮN

Rắn, âm Hán Việt gọi là Tỵ, là con vật được xếp thứ 6 trong 12 con Giáp theo Âm lịch. Tuy rắn là loài động vật nguy hiểm đối với con người nhưng nhiều loài rắn được sử dụng làm các vị thuốc chữa bệnh phong thấp, thần kinh, đau nhức, tê liệt, bán thân bất toại, các cơn co giật... Trong kho tàng ca dao, thành ngữ, tục ngữ, hò vè của người Việt, hình ảnh con rắn được thể hiện với nhiều hàm ý sâu sắc.
Trong ca dao - tục ngữ, nói về việc bày đặt thêm nhiều chuyên để cho sự việc càng thêm rắc rối, phức tạp thì có câu “Vẽ rồng vẽ rắn”, hay “Vẽ rắn thêm chân” .
          Nói đến nơi nguy hiểm cho tính mạng con người thì dân gian có câu “Hang hùm nọc rắn” hay là “hang hùm miệng rắn”, về tính nguy hiểm của từng loại rắn thì: “Rắn Mai tại chỗ, rắn Hổ về nhà”.
          Phản ánh việc mất phương hướng, phản bội thì có câu“Như rắn mất đầu”, “Cõng rắn cắn gà nhà”.
          Nghĩ về tính cách khó thay đổi của con người có câu “Cha hổ mang đẻ con liu điu”, “Liu điu lại nở ra dòng liu điu”.
          Thể hiện những sự việc không đúng đắn, đạo đức giả, nhiều chuyện có câu “Thằn lằn, rắn ráo”, “Sư hổ mang, vãi rắn rết”, “Khẩu Phật tâm xà”, “Rắn đến nhà không đánh thành quái”, “Oai oái như rắn bắt nhái”.
          Nói về việc ăn nói dài dòng, bịa đặt, mỉa mai châm biến có câu“Nói rắn nói rồng”, “Thuồng luồng ở cạn”, “Rắn trong lỗ bò ra”, “Rắn đổ nọc cho lươn”, “Thẳng như rắn bò”.
           Về so sánh có câu:“Bạnh như cổ hổ mang”, “Thao láo như mắt rắn ráo”.
          Về tính chất và việc muốn trừ khử mầm độc hại phải diệt tận gốc rễ có câu “Đánh rắn phải đánh dập đầu”, “Đánh rắn giữa khúc”, “Rắn đi còn đầm/dằm lại”.
Như vậy, tùy vào từng trường hợp mà tính cách, hành động của con người được thể hiện qua từng câu ca dao, tục ngữ về rắn.
          Trong hò vè - đối đáp:
Dân gian có bài vè khá hay về một số loại rắn như:
 “Mái gầm, chàm quạp, hổ lác, hổ hèo
Ri cốc, liu điu, ri voi, hổ lửa
Hổ hành, hổ ngựa, rắn ráo, rắn râu
Quỷ khóc thần sầu: hổ mang, hổ sậy
Thấy đà run rẩy: cạp nia, cạp nong
Lặn lội dưới sông: là con rắn nước
 Rắn rồng, rắn lục, ri cá, rắn trung
Nghe đến hãi hùng: hổ mây, hổ bướm
 Ớn đà quá ớn... chẳng dám kể thêm”
Trong vè 12 con giáp có câu:
“Tuổi Tỵ rắn ở bọng cây. Nằm khoanh trong bọng có hay chuyện gì”.
Rắn cũng đi vào chuyện tình của những đôi trai gái yêu nhau. Họ có dịp hò hát đối đáp với nhau để tìm bạn trăm năm trong những ngày lễ hội, tết, giao mùa như:
Con rắn hổ mây nằm cây thục địa
Con ngựa nhà trời ăn cỏ chỉ thiên
Phận em là gái thuyền quyên
Ai mà đối đặng kết nguyền phu thê”.
Thế rồi cô gái cất giọng đố:
“Con gì có cánh không bay?
Con gì không cẳng chạy bay năm rừng?”
Và chàng trai đáp lại:
“Con gà có cánh không bay
Con rắn không cẳng chạy bay năm rừng”
 Hoặc câu đố và đáp cũng tương tự, bên gái đố:
“Con gì không chân đi năm rừng, bảy rú?
Con gì không vú nuôi chín, mười con?”
Và bên trai đáp:
“Con rắn không chân đi năm rừng bảy rú
Con gà không vú nuôi chín, mười con”.
 Hay:
Anh vẽ rồng rắn làm chi?
Cho em mệt trí nghĩ suy đêm ngày!
 Nói đi, nói đại, sợ gì?
Em đây hiểu được, tình này em trao!
 Tình yêu qua bài vè đã được cô gái thể hiện thực tế hơn, không văn hoa bóng bẩy, e lệ, rụt rè mà đi thẳng vào thể hiện tình yêu của mình đối với chàng trai.
          Ngoài ra, Rắn được mọi người sử dụng làm câu đố vui trong dân gian: “Con gì trườn dọc bờ ao. Bắt ếch, bắt nhái le vào le ra?”. Rắn cũng là đặc sản để chế biến các món nhậu: “Cần chi cá lóc, cá trê. Thịt chuột, thịt rắn nhậu mê hơn nhiều”.
Có thể nói, trong kho tàng văn học dân gian, ca dao, tục ngữ, hò vè về rắn rất phong phú và đa dạng, phản ánh nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc sống từ tính cách con người đến tình yêu lứa đôi./.

Tác giả: Phạm Phước Tịnh

Tổng số điểm của bài viết là: 13 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 3.3 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây