Trong khoảng thời gian đó, ngoài việc sáng tác nhiều tác phẩm thơ ca,… Thiền sư Thích Đại Sán còn ghi chép các sự việc liên quan đến văn hóa, xã hội thời bấy giờ ở vùng Thuận Quảng và tất cả được tập hợp thành tác phẩm Hải ngoại kỷ sự với bài tựa giới thiệu do Đại Việt quốc vương Nguyễn Phúc Chu đề. Tác phẩm Hải ngoại kỷ sự được Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam thuộc Viện Đại học Huế phiên dịch sang tiếng Việt và xuất bản năm 1963.
Trong thời gian ở Đàng Trong, Thiền sư Thích Đại Sán đã có dịp đến thăm, trú ngụ tại Hội An một thời gian và có những ghi chép, mô tả khá thú vị về Đô thị thương cảng quốc tế Hội An cũng như về vùng đảo Cù Lao Chàm vào cuối thế kỷ XVII.
Về đô thị thương cảng quốc tế Hội An, Thiền sư Thích Đại Sán mô tả rằng: “
Vì Hội An là một mã đầu lớn, nơi tập họp của khách hàng các nước; thẳng bờ sông, một con đường dài ba bốn dặm, gọi là Đại Đường Cái, hai bên đường hàng phố ở liền nhau khít rịt, chủ phố thẩy là người Phúc Kiến, vẫn ăn mặc theo lối tiền triều. Phần đông phụ nữ coi việc buôn bán. Khách trú ở đây hay cưới vợ bản xứ cho tiện việc thương mãi. Cuối đường là cầu Nhật Bản, tức Cẩm Phô; cách bờ bên kia tức Trà Nhiêu, nơi đình bạc của các tàu ngoại quốc. Nhân dân đông đúc, cá tôm rau quả tập họp mua bán suốt ngày. Thuốc Bắc hay các món hàng khác, tìm mua ở Thuận Hóa không có thì người ta vào mua ở đây.”
Lúc bấy giờ, Cù Lao Chàm, Thiền sư Thích Đại Sán gọi là Tiêm Bích La, được ghi chép khá tỉ mĩ từ kiến trúc dân gian, địa thế, môi trường sinh thái,… đến sinh hoạt của cư dân. Về kiến trúc, Thích Đại Sán mô tả: “
cửa nhà rất thấp, đi vào phải khom lưng tránh khỏi đụng đầu. Kiểu nhà gần biển, sợ gió thốc, nên đều làm thấp như thế”. Về địa thế, môi trường sinh thái và sinh hoạt của người dân thì
“tuy nay đơn sa không còn, nhưng hình thẳng rất tốt, chắc địa mạch vẫn còn thiêng vậy. Mấy hòn đảo bao quanh như vành ghế, ở giữa một vùng đất bằng phẳng; phía đông khuyết, có hai hòn núi, hai bên đối nhau như cửa ải, làm cửa cho tàu thuyền ra vào. Trực tiếp dưới hòn núi chính có miếu Bản Đầu Công, phía tả miếu chừng một trăm bước, có một suối đá, nước trong và ngọt, người trong thôn ra múc uống. Đàn ông, đàn bà đến suối tắm rửa suốt ngày, không khi nào hở… Dưới chân núi, một bãi cát bằng phẳng hình bán nguyệt. Có rãi rác chừng non trăm chiếc nhà gianh. Trừ những người già và trẻ con, có chừng 300 tráng đinh, dân nội tịch, sinh nhai bằng hai nghề đánh cá và hái củi. Cá mắm bay mùi hôi, nhà nào cũng vậy. Núi toàn đá, cây cối rậm rạp, hoa quả khắp núi, làm đồ ăn cho chim chuột và mục đồng. Ngôi miếu cũng khá rộng lớn, rất linh thiêng. Thuyền bè qua lại đều lên cầu cúng”Có thể nói, tác phẩm Hải ngoại kỷ sự của Thiền sư Thích Đại Sán là một nguồn sử liệu quý để các nhà khoa học tham khảo, nghiên cứu về lịch sử, văn hóa và xã hội của vùng Thuận Quảng nói chung, mảnh đất Hội An nói riêng vào cuối thế kỷ XVII.