TÌM VỀ CỘI NGUỒN CỦA SỰ HƯNG KHỞI CỦA HỘI AN

Thứ hai - 26/11/2012 21:22
Đến với Hội An hôm nay, hết thảy chúng ta đã biết về một Hội An cổ kính mà đa phần đang hiện diện trước mắt ta, về một Hội An khi đã là một Hội An đích thực, với tuổi áng chừng 300 năm có dư. Thế rồi bỗng nhiên những băn khoăn chính đáng lại xuất hiện, rằng trước đó bộ mặt của Hội An ra sao? Rằng Hội An có tự bao giờ? Rằng con người và đất nước Hội An từ thuở xa xưa ấy có vị trí như thế nào đối với lịch sử...
Đại loại có nhiều những câu hỏi như vậy cần được làm sáng tỏ, để hiểu hơn, yêu hơn Hội An ngày nay, và thú thực đó là những câu hỏi chưa dễ gì tìm ra lời giải đáp rõ ràng. Bởi vì những thông tin về Hội An từ trước thế kỷ XVI quả là khan hiếm, nếu tôi không nhầm thì cho đến nay, chúng ta chưa đọc được một chuyên khảo nào dành riêng cho Hội An vào khoảng thời gian tương ứng, khác với Hội An từ thế kỷ XVII trở đi, đầy ắp những thông tin, nhiều đến nổi chúng ta chưa có thể xử lý tất cả những thông tin đó.
          Song dù vậy, không hẳn là một sự khai phá liều lĩnh. Tôi tự hạn chế công việc khó khăn này trong một phạm vi rất hẹp, là bước đầu tìm kiếm các thông tin vô cùng tản mạn đâu đó trong các nguồn tư liệu khác nhau, hệ thống và xử lý và nêu ra một vài nét mờ nhạt của chốn đô hội này trong khoảng thời gian từ trước thế kỷ XVII. 
          Trước khi làm công việc cực kỳ khó khăn ấy, tôi muốn được nêu ra một cách nhìn về Hội An trong lịch sử, hay nói cụ thể hơn là nêu ra cách phân chia các giai đoạn phát triển của Hội An, điều mà ít được quan tâm đến. Theo tôi, tính cho đến năm 1945 (hay vào đầu thế kỷ XX ) thì Hội An có hai giai đoạn phát triển chính, đó là:
          1. Hội An từ nữa đầu thế kỷ XX đến giữa thế kỷ XVII, hay là một Hội An thời cận đại.
          2. Hội An từ giữa thế kỷ XVII  trở về trước, tức là Hội An thời trung đại. Tất nhiên chúng ta cũng chưa có  điều kiện để xem xét Hội An trước khi thuộc vào lãnh thổ của Nhà nước Đại Việt.
          - Hội An thời cận đại. Mốc ban đầu của thời kỳ này có thể vào giữa thế kỷ XVII, khi Hội An đạt đến sự hưng thịnh của một trung tâm thương nghiệp lớn ở Đàng Trong thuộc quyền kiểm soát của các chúa Nguyễn. Mốc này có thể kéo dài cho đến hết thế kỷ XVII. Về mặt lý luận thì sự phân kỳ này phù hợp với cách phân kỳ lịch sử theo hình thái kinh tế - xã hội của chủ nghĩa Mac - Lênin, tức là lịch sử cận đại toàn thế giới bắt đầu từ cách mạng tư sản Anh (1640) và vì vậy, gần đây các nhà sử học Xô Viết thống nhất với nhau về mốc ban đầu này của lịch sử cận đại Việt Nam. Trên thực tế, từ tài liệu ở Hội An còn lưu giữ lại cho đến nay đã cho phép chúng ta nhiều thông tin về việc hình thành và xác lập của quan hệ tư bản chủ nghĩa ở khu vực này và hơn thế nữa, Hội An sẽ cung cấp tư liệu cho nghiên cứu lịch sử cận đại nước ta một cách hữu hiệu nhất theo quan điểm trên. Ở đây tôi không thể đi sâu vào vấn đề này được, xin trở lại vào dịp khác.
          - Hội An thời kỳ Trung đại. Để có một Hội An phát triển rực rỡ như chúng ta thấy vào giữa thế kỷ XVII trở đi thì hẳn rằng trước đó phải có một Hội An vững vàng và vô cùng hấp dẫn với thương nhân các nước tư bản phát triển lúc bấy giờ. Việc các thuyền buôn phương Tây vào ăn hàng ở Hội An và việc một số đông cư dân người Hoa thời nhà Minh tìm đến lập xã Minh Hương ở đây, có cơ sở từ sự phát triển của kinh tế Hội An bản địa, phản ánh trình độ phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Nam và nói riêng là của Hội An vào thời kỳ bấy giờ. Bộ mặt của Hội An vào thời kỳ Trung đại là vấn đề cần được nghiên cứu kỹ càng hơn, để khẳng định sự phát triển của chính khu vực này và đó là cơ sở của sự hưng thịnh của Hội An từ nửa sau của thế kỷ XVII trở đi. Nếu không có sự nhìn nhận như vậy, thì chúng ta chỉ biết có một Hội An thời cực thịnh, một Hội An mà mọi thứ đều gắn liền với thương nhân nước ngoài, gắn liền với các khu vực ngoại kiều, nhất là với sự xác lập của xã Minh Hương Hội An. 

Chợ Hội An
 
          Như mọi người đều biết, thì tư liệu về Hội An thời Trung đại quá khan hiếm, làm ảnh hưởng đáng kể cho việc nhìn nhận tìm hiểu Hội An. Song trong phạm vi cho phép, chúng tôi đã tiếp cận được một số tư liệu cũng vô cùng tản mạn, và dưới ánh sáng của khoa sử liệu học hiện đại, chúng tôi bước đầu xử lý, hệ thống, thu thập được một số thông tin có thể cho phép vẽ ra một vài đường nét mờ nhạt về Hội An xa xưa, có thể làm nền cho một bức tranh hoàn chỉnh về xứ sở đô hội này, khi chúng ta thu thập được một số thông tin cần thiết. Một số đường nét chấm phá của Hội An thời kỳ Trung đại có thể nhận biết được như sau:
          + Vị trí địa lý của khu vực Hội An như tình hình hiện tại được ổn định từ hơn 300 năm trước. Nhưng thuở ấy và cả trước đó nữa Hội An nằm ở cửa sông, biển ăn sát vào khu vực Hội An. Các họa đồ trong các sách chữ Hán của cha ông ta để lại đã vẽ lại thực trạng này tức là phố Hội An nằm gần sát với cửa bể Đại Chiêm. Ngày nay Hội An lùi sâu vào trong đất liền, cách cửa bể khá xa như chúng ta thấy.
          + Tên gọi là Hội An có tự bao giờ? Đến nay vẫn chưa có được minh chứng. Chúng tôi chưa tìm thấy tư liệu nào ghi chép về nguyên ủy của xuất xứ hai chữ Hội An. Trong sách An Nam hình thắng đồ, theo chỗ chúng tôi biết thì sách được biên soạn vào trước thế kỷ XVII (niên đại muộn nhất của sách này là năm 1602), trong họa đồ về vùng đất Thừa Tuyên Quảng Nam đã thấy có tên phố Hội An (Hội An phố) và Hội An (Hội An). Như vậy tên gọi là Hội An có thể xuất hiện từ thế kỷ XV trở về trước, nếu truy tìm chúng ta có thể tin rằng tên Hội An có thể xuất hiện vào thế kỷ XV cùng thời gian phát triển rực rỡ của đất nước, nhất là vào thời Lê Sơ, dưới thời Vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497) . Điều đó cho ta nhận biết một cách chắc chắn rằng Hội An đã là một thành phố phát triển của lịch sử Trung đại nước ta.
          + Vùng đất Hội An có một tên gọi nữa mà lâu nay không mấy ai nhắc đến và đã bị lãng quên từ lâu. Tên gọi đó là Kẻ Trài, một tên Việt cổ đích thực. Tên gọi này có lẽ được hình thành với việc những người Việt đầu tiên vào khai phá khu vực trù phú ven sông này và rồi tên gọi có biến âm là Cổ Trài hiện nay chúng tôi đã chứng minh được rằng các tên làng có từ cổ, như Cổ Loa, Cổ Lãm, Cổ Nhuế... vốn là biến âm của từ Kẻ Cổ Trái vẫn còn là một đơn vị hành chính cấp cơ sở về sau, và khi khu phố trù phú nhất của Cổ Trái tách ra và được gọi là phố Hội An (gần đây chúng tôi cũng tìm thấy trong khu vực tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng hàng loạt tên làng có ghép từ Kẻ ở trước, và đó thường là tên tục hay tên nôm như cách gọi lâu nay).
          Với sự xác định của vị trí địa lý và việc chỉ định tên gọi (cả tên chữ và tên nôm xa xưa) của Hội An, cho phép chúng ta tin chắc rằng, từ thế kỷ XVI trở về trước đã hiện diện một khu phố Hội An với tất cả những gì vốn có của nó và của sự phát triển kinh tế của Thừa Tuyên Quảng Nam thời bấy giờ, làm nên cho sự hưng thịnh rực rỡ của Hội An về sau.      
 
Đoạn phố Nguyễn Thái Học
 
          Trong các nguồn tư liệu còn lại, chúng tôi thấy rằng Marco Polo, thương nhân thành Vơniđơ từ thế kỷ XIII, khi đi đến đất Chiêm Thành đã ghé vào cửa Đại Chiêm và có ghi chú về vùng đất này, tất nhiên Marco Polo cũng chỉ cung cấp thông tin ngắn gọn khi vào cửa Đại Chiêm, mà chắc chắn rằng lúc đó cửa Đại Chiêm có thể kề sát phố Hội An.
          Về sự phát triển của Hội An, nhất là về thương nghiệp được các thư tịch nói đến rất nhiều, song về qui mô của sự phát triển đô thị, của phố xá và của kiến trúc, văn hóa... ít được ghi chép lại một cách dù là sơ sài để có thể hệ thống lại toàn bộ các giai đoạn phát triển của Hội An, và để có thể nhận biết từng cụm một các kiểu cách của các nhóm cư dân sinh sống tại Hội An.
          Bộ mặt của Hội An trước khi có sự tụ cư của người Hoa, người Nhật... ra sao cũng không có sự mô tả cần thiết. Theo các tài liệu ghi chép của những người cùng thời, thì năm 1606 người Hà Lan đã đến Hội An, năm 1609 Công ty ấn Độ, Hà Lan mua tơ lụa từ Hội An, theo giáo sĩ Christoforo Borri, thì năm 1618 phố xá Hội An rất lớn và theo Thomas Bowyear, thì năm 1695 ở Hội An có đến 100 nóc nhà của Hoa kiều... Những ghi chép ở trên phản ánh tình hình Hội An khi có sự thâm nhập của người nước ngoài , nhưng không có ghi chép nào vượt các niên đại đã nói, có nghĩa là không có trước thế kỷ XVII. 
          Hình ảnh của phố Hội An trước thế kỷ XVII may mắn còn lại trong sách An Nam hình thắng đồ như đã nói ở trên, và trong một số bản sao lại của sách Thiên Nam Tứ chí lộ đồ, vốn được biên soạn vào đời Vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497). Họa đồ trong sách An Nam hình thắng đồ, cho chúng ta một khái niệm hoành tráng về phố xá Hội An, song khó có thể nói được một cách chính xác và chi tiết cấu trúc của Hội An vào thời kỳ bấy giờ. Nhưng chúng ta có thể nhận thấy rằng các nơi đô hội của nước ta vào trước thế kỷ XVII được sách này mô tả như Kẻ Chợ (Thăng Long), Phố Hiến (Hưng Yên)... thì hình ảnh Hội An là nổi hơn cả.
          Thành phố Hội An vào thời Trung đại, hay là trước khi có sự tụ cư của người ngoại kiều, thực sự phát triển và đạt đến một trình độ cao, có thể nói là đứng vào hàng đầu của các đô hội của nước ta.
          Nhưng cũng còn một băn khoăn chưa dễ gì giải đáp được là các hoạt động kinh tế - cơ sở của tất cả các hoạt động xã hội, của Hội An thời Trung đại ra sao? Bởi vì ngoài các ghi chép của thương nhân nước ngoài từ thế kỷ XVII trở đi, thì chưa thấy có một tài liệu nào ghi chép các hoạt động kinh tế của Hội An tử trước đó, kể cả sách chữ Hán của các cha ông ta để lại.
          Như vậy cho đến nay chúng ta có cơ sở chắc chắn để khẳng định rằng đã từng có một trung tâm Hội An phát triển từ trước thế kỷ XVII về các mặt, Hội An là một thành phố Trung đại ở nước ta có vai trò và vị trí to lớn đối với sự phát triển của đất nước nói chung, của Thừa Tuyên Quảng Nam nói riêng vào khoảng thời gian trước khi xảy ra nạn cát cứ phân quyền của hai tập đoàn phong kiến Trịnh - Nguyễn. Đồng thời đây cũng là cơ sở vững chắc cho sự phát triển của Hội An sau này.         
          Nhân đây chúng tôi muốn lưu ý rằng các ghi chép của thương nhân nước ngoài chỉ nhấn mạnh đến các biểu hiện cuối cùng của các hoạt động thương nghiệp ở Hội An mà ở khâu đoạn này các thương nhân người Hoa, người Nhật... dường như nắm độc quyền ở Hội An trong suốt nhiều thế kỷ kể từ khi họ có mặt ở thành phố này, do đó các ghi chép ấy cũng chỉ phản ánh những gì có liên quan đến bộ phận dân cư Hội An không phải người Việt, vô hình trung người Việt ở Hội An và của cả vùng Quảng Nam xưa không được nhắc đến, nhưng chính họ và cả nền kinh tế mà họ xây dựng nên ở khu vực này trong suốt lịch sử là nền tảng vững chắc cho cái bề mặt thương nghiệp sôi động ấy. Rồi đây chúng ta tin rằng sẽ có những biện pháp hữu hiệu để khai thác được các nguồn tư liệu có liên quan đến hoạt động kinh tế - xã hội thuộc khu vực Hội An thuộc bộ phận dân cư người Việt - cấu phần chính của cộng đồng dân cư  Hội An và của Quảng Nam, chủ thể sáng tạo nên mọi giá trị văn hóa, không những trong khoảng thời gian trước thế kỷ XVII mà cả trong thời kỳ phát triển rực rỡ của Hội An các thế kỷ tiếp theo.
          Để kết thúc báo cáo này, dù đã nhấn mạnh đến sự phát triển tự thân của Hội An của trước thế kỷ XVII và các thế kỷ sau đó, nhưng thấy cần phải nhắc lại rằng, chúng ta phải đặc biệt chú ý đến sự phát triển của cả vùng đất thuộc Thừa Tuyên Quảng Nam và đó là cơ sở của những hoạt động thương nghiệp được thể hiện ở khu vực Hội An. Thành phố cổ Hội An có được tất cả những gì như chúng ta thấy ngày nay là kết quả của những quá trình phát triển lâu dài và liên tục của kinh tế - xã hội vùng Quảng Nam - Đà Nẵng, chúng ta không phủ nhận sự tham gia đóng góp của ngoại kiều cư trú ở đây, nhưng nếu nhấn mạnh qúa đáng yếu tố này vô hình chung làm lu mờ và coi thường những đóng góp to lớn và âm thầm của đất nước và cụ thể là của bộ mặt Hội An.

Tác giả: Bùi Thiết

Nguồn tin:  www.erct.com  

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây