ĐỒNG CHÍ NGUYỄN VỸ - NGƯỜI CỘNG SẢN ĐẦU TIÊN Ở KIM BỒNG

Thứ năm - 18/10/2012 03:45
Có một thanh niên đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Kim Bồng ngày xưa, Cẩm Kim ngày nay và của Hội An trong những ngày đầu Hội An có Chi bộ Cộng sản. Đó là đồng chí Nguyễn Vỹ, sinh năm 1909, người làng Kim Bồng.
   Vào cuối thập kỷ 20, thế kỷ XX, Hội An với vai trò là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa của miền Trung nên các tờ báo “Người cùng khổ”, Báo “Thanh niên” do Nguyễn Ái Quốc sáng lập có nội dung tuyên truyền về chủ nghĩa Mác - Lênin, con đường đấu tranh giải phóng thuộc địa được bí mật lưu nhập vào Hội An. Người thanh niên tiến bộ Nguyễn Vỹ đã đọc được từ các tờ báo này những tư tưởng tiến bộ, tính chất ưu việt của đường lối cách mạng mà Nguyễn Ái Quốc đã đặt ra. Từ đó, Nguyễn Vỹ đã quyết tâm, tích cực tham gia đấu tranh cách mạng trên quê hương Kim Bồng, Hội An vào những năm 1927 - 1929. Từ những hoạt động này, vào tháng 4 năm 1930, đồng chí Nguyễn Vỹ được trở thành thành viên của chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Hội An. Chi bộ này do đồng chí Hà Mùi làm Bí thư và có các đồng chí khác là Trần Thị Dư, Huỳnh Lắm. Từ đây, đồng chí Nguyễn Vỹ trở thành người Cộng sản đầu tiên và là nhân vật mở đầu phong trào cách mạng trong thời kỳ có Đảng lãnh đạo ở Kim Bồng.


 
   Sau khi Chi bộ Đảng ra đời, đồng chí Nguyễn Vỹ đã góp phần phát triển đảng viên, giới thiệu hai đồng chí Nguyễn Tỵ, Nguyễn Em ở Kim Bồng để chi bộ Hội An kết nạp Đảng. Trong thời gian này, Chi bộ Đảng có chủ trương tuyên truyền sự kiện ra đời của Đảng, biểu dương lực lượng vào ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930. Đồng chí Nguyễn Vỹ cùng các thành viên Tổ công hội đỏ bí mật treo cờ Đảng trên cây đa ấp Vĩnh Hưng, rải truyền đơn trên bến đò phố mà hiện nay là bến đò Cẩm Kim sang Hội An và khu vực giáp ranh giữa Kim Bồng, Thanh Hà để hưởng ứng ngày Quốc tế Lao động. Đây là lần đầu tiên, nhân dân Kim Bồng được nhìn thấy cờ búa liềm công nông, được tiếp nhận các truyền đơn: “nam nữ bình đẳng”, “chia lại ruộng đất cho dân cày”. Hoạt động này làm dấy lên phong trào đấu tranh của nhân dân yêu cầu địa chủ, hương lý trong xã giảm thuế, giảm tô tức.  
  Vào tháng 10/1930, Chi bộ Hội An bị địch đánh phá, đồng chí Nguyễn Vỹ bị bắt, nhưng địch không đủ chứng cớ kết án nên phải trả tự do. Về sau bị địch ép đi lính thợ và tiếp tục hoạt động cách mạng, tham gia thành lập “Chi bộ binh lính”, xây dựng mạng lưới cơ sở nội tuyến trong đồn lính khố xanh Hội An, tham gia vào cuộc khởi nghĩa giành chuyền Tháng 8/1945 ở tỉnh lỵ Quảng Nam. Từ sau năm 1945, đồng chí Nguyễn Vỹ tiếp tục hoạt động cách mạng ở nhiều địa phương, nghỉ hưu và qua đời vào năm 1981 tại Đà Lạt – Lâm Đồng.
   Dầu thời gian hoạt động của đồng chí Nguyễn Vỹ trên địa bàn Cẩm Kim, Hội An không lâu nhưng đó là những đợt gieo hạt cách mạng đầu tiên làm nên những sức sống của phong trào cách mạng Cẩm Kim trong thời gian sau này.

Tác giả: Trương Hoàng Vinh

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây