CÔNG ƯỚC BẢO VỆ DI SẢN VĂN HÓA VÀ THIÊN NHIÊN THẾ GIỚI VỚI HỘI AN

Thứ tư - 03/10/2012 05:57
Công ước bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới được thông qua tại phiên họp toàn thể lần thứ XVII của Đại hội đồng UNESCO vào ngày 16/11/1972. Đây là một công cụ pháp lý quốc tế nhằm bảo tồn các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới trên phạm vi toàn cầu.
Nhận thức được tầm quan trọng của công cụ nầy, vào năm 1987, ngay khi đất nước còn phải vật lộn với nhiều khó khăn, chính phủ Việt Nam đã chính thức tham gia công ước với nhiều hoạt động thiết thực. Bốn mươi năm trôi qua kể từ ngày công ước năm 1972 ra đời và 25 năm kể từ lúc Việt Nam tham gia công ước, đến nay đã có 962 di sản văn hóa và thiên nhiên của các quốc gia thành viên được ghi vào danh mục di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, trong đó Việt Nam đóng góp 7 Di sản.
          Khu phố cổ Hội An được Ủy ban Di sản Thế giới thuộc UNESCO ghi vào danh mục Di sản Văn hóa Thế giới, dưới tác động của Công ước 1972 cũng như của Luật Di sản Văn hóa Việt Nam và các quy định, quy chế của địa phương, cọng với sự chung tay góp sức của toàn thể cộng đồng dân cư, sự nỗ lực của các cấp chính quyền, sự hỗ trợ, cổ vũ của bạn bè gần xa trong nước và quốc tế, công tác quản lý, bảo tồn, phát huy Di sản Hội An đã đạt được những thành tựu đáng kể.
          Danh hiệu Di sản Thế giới trước hết đã tạo nên niềm tự hào và ý thức trân trọng Di sản Văn hóa trong cộng đồng dân cư, điều mà trước đây vài chục năm không phải ai cũng ý thức được. Đến nay, những người dân Phố cổ Hội An đều cùng chung một nhận thức là không chỉ bảo tồn, giữ gìn chi đáo Di sản Văn hóa của cha ông mà còn phải trao lại di sản đó một cách nguyên vẹn và ngày càng có sức hấp dẫn hơn cho các thế hệ mai sau, không chỉ bảo tồn di sản Hội An cho địa phương mình mà còn cho cả quốc gia và thế giới.
          Danh hiệu Di sản Thế giới đã tạo điều kiện để địa phương phát triển Kinh tế - Xã hội, qua đó giúp tăng thu nhập cho người dân và cải thiện đáng kể đời sống của cộng đồng dân cư. Với danh hiệu Di sản Thế giới, ngành du lịch đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, hằng năm doanh thu từ du lịch chiếm tỉ lệ 65 - 67% trong GDP toàn Thành phố.



 
          Danh hiệu Di sản Thế giới cũng là điều kiện để địa phương xây dựng và phát triển đời sống văn hóa, mở rộng giao lưu - hợp tác, đẩy nhanh quá trình hội nhập quốc tế trên nhiều lĩnh vực. Có thể thấy thực tế này qua các hoạt động quốc tế lớn được tổ chức tại Hội An như Hội Nghị APEC, giao lưu hoa hậu quốc tế, hoa hậu hoàn vũ, thi hợp xướng quốc tế v.v... Với những hoạt động nầy, Hội An ngày càng mang dáng dấp của một thành phố gioa lưu văn hóa. Và nhiều hoạt động văn hóa của Hội An cũng đã lên đường để giới thiệu, biểu diễn ở nhiều quốc gia như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Ý, Trung Quốc ...
          Có thể nói, từ khi được công nhận Di sản Thế giới, dưới tác động của công ước 1972 và Luật Di sản Văn hóa, với sự chung tay góp sức của toàn thể cộng đồng. Đến nay,  Di sản đã ra khỏi tình trạng nguy cấp báo động đỏ của những thập kỷ 80, 90 của thế kỷ XX và ngày càng được bảo tồn, phát huy đúng hướng, trở thành là tài sản, động lực để xây dựng, phát triển Kinh tế - Xã hội địa phương, bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
          Tuy vậy, cũng cần thấy rằng, do tác động của nhiều nguyên nhân, những thách thức mới đã xuất hiện, ảnh hưởng tiêu cực đến di sản Hội An, trong đó cần quan tâm hơn cả là sự thay đổi trong lối sống truyền thống của người dân Phố hội trước các tác động tiêu cực của xu hướng đô thị hóa, các hoạt động kinh doanh du lịch, sự biến đổi chức năng gốc của các ngôi nhà phố truyền thống từ chỗ đa chức năng sử dụng đến đơn chức năng, sự bất thường của mưa gió bão lụt, sự biến đổi tiêu cực của môi trường cảnh quan đô thị...
          Kỷ niệm 40 năm công ước 1972, một cuộc hội thảo tiểu khu vực Đông Nam Á với chủ đề: “Công ước Di sản thế giới 1972 và sự phát triển bền vững hướng tới sự gắn kết công ước 1972 với chương trình con người và sinh quyển” đã được tổ chức vào ngày 11 - 12/9 vừa qua tại Ninh Bình. Chủ đề hội thảo cho thấy sự quan tâm của UNESCO đối với việc gắn kết giữa Di sản Thế giới với cộng đồng dân cư và môi trường. Đây là sự gắn kết sống còn của bài toán bảo tồn và phát huy các di sản thế giới nói riêng, di sản văn hóa và thiên nhiên nói chung. Và đây cũng là định hướng để xây dựng thành phố Sinh thái - Văn hóa - Du lịch mà thành phố Hội An chúng ta đã quan tâm khởi động. Với kinh nghiệm của chặng đường đã qua, với quyết tâm và nỗ lực mới, tin tưởng rằng trên chặng đường sắp đến sự nghiệp quản lý, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Hội An nói riêng, xây dựng và phát triển thành phố Hội An nói chung sẽ ngày càng thu được những thành tựu mới.

Tác giả: Trần Văn An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây