CHÈ ĐẬU VÁN HỘI AN

Thứ hai - 03/09/2012 22:41
Mỗi khi mùa hè đến cùng với những đợt nắng nóng chói chang là những cơn gió nam khô rát làm cháy rát da người. Đi dọc những con đường quanh phố cổ Hội An, tôi lại nghe đâu đấy âm thanh tiếng rao của những cô bán chè ngọt.
Chè ở đây cũng phong phú và đa dạng không kém gì những nơi khác, đủ chủng loại như: chè đậu đỏ, đậu xanh, đậu ngự, chè trôi nước, tàu xá, chè thưng… nhưng có lẽ loại chè được người dân nơi đây ưa thưởng thức đó là chè đậu ván. Đậu ván có tên khoa học là Lablab purpureus, là một loại đậu mình hơi tròn, màu trắng, nhỏ bằng cúc áo...  Theo y học, đậu ván chứa nhiều protein, vitamin A, B rất tốt cho sức khỏe, lại có tính giải nhiệt trong những ngày hè như thế này.
Để tạo ra món chè thơm ngon, mát lành, dịu nhẹ cũng đòi hỏi người nấu có vài bí quyết nhỏ. Hạt đậu to tròn đã đủ độ già thì được lựa chọn để nấu chè. Nấu chè đậu ván tuy đơn giản nhưng cũng cần phải tỉ mỉ, khéo léo thì mới có được một món chè ngọt ngào, thanh tao và để lại nhiều ấn tượng trong lòng người thưởng thức. Do vậy, việc chế biến cũng là một nghệ thuật. Đầu tiên, đậu được rửa sạch và loại bỏ những hạt sâu, lép. Cho đậu vào nồi, đổ nước vào luộc, khoảng 15 phút thì tắt lửa cho thêm một ít nước lạnh vào ngâm cho đến khi thấy hạt đậu căng tròn rồi nhẹ tay bóc lớp vỏ lụa bên ngoài sao cho hạt đậu không bị vỡ ra làm đôi. Tiếp theo cho nước vào luộc đậu khi đậu gần sôi lên, lọc bỏ nước giữ lại đậu. Trong thời gian luộc đậu cần chuẩn bị nước đường, tùy vào khẩu vị của từng người mà chọn loại đường thích hợp. Nếu người thích ăn ngọt nên chọn loại đường bát để nấu (đường nguyên chất làm đông đặc lại). Thông thường dùng loại đường cát mịn là được. Có người lại thích cho thêm một ít đường phèn để tăng độ “thanh” cho đường. Nồi đường được bắc lên bếp, đổ một ít nước nấu cho đến khi đường tan chảy hết, vớt bọt đường bỏ đi, chỉ còn lại màu nước đường vàng trong kính. Cùng lúc này cho đậu vào nồi luộc lửa phải thật đều khi sôi lên, chắc nước ra thau, cho nước đường đã nấu vào, đây có thể nói là công đoạn quan trọng nhất bởi lẽ nếu không khéo đậu có thể bị vỡ vụn ra. Chính vì vậy, khi cho đường vào rim đậu lúc này lửa phải thật nhẹ, hơi nóng của lửa chỉ có thể làm rung hạt đậu là đạt yêu cầu, nấu trong vòng 30 phút, sau đó nhẹ nhàng cho phần nước đã luộc đậu vào. Để nguội là có thể dùng được. Một nồi chè ngon là đậu không nứt, vỡ vụn, ăn vào thấy đậu “tan” trong miệng, nước chè trong kính không một chút gợn bọt. Đó là yêu cầu của loại chè này. 


Để làm tăng thêm hương vị cho ly chè người ta thường vắt thêm tí nước quật hay dầu chuối, có nơi còn cho thêm đường phảnh. Nhưng muốn cảm nhận được hết những hương vị thơm ngon của chè dậu ván thì phải thưởng thức chè đậu ván ướp lạnh. Khi ngậm một muỗng nước chè ngọt ngào, thanh mát, những hạt đậu ván mềm mại, bùi bùi, thấm vị ngọt của đường, mùi thơm từ quật, dầu chuối  và hơi lạnh của đá tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên một cảm giác khó tả lan trên đầu lưỡi, thấm dần xuống cổ, xua tan cái nóng của mùa hè, làm tan biến cảm giác mệt mỏi trong người.
Chè đậu ván tuy là món ăn chơi nhưng làm mê hoặc lòng người bởi sự hòa quyện của đường, đậu, mùi thơm mát của các hương liệu đi kèm. Vào mùa hè chè này nên ăn vào buổi gần trưa là thời điểm thú vị nhất. Ở Hội An, khi hè đến đâu đâu cũng có thể dễ dàng bắt gặp những gánh chè dậu ván. Với giá chỉ từ 3 đến 5 ngàn đồng là có thể thưởng thức được ly chè tuyệt hảo. Có lẽ, đây là loại chè mang đậm chất dân dã, lại không cầu kỳ mỹ vị, màu sắc bằng những loại chè khác nhưng lại đi sâu vào lòng người bởi hương vị nhẹ nhàng làm nên nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực của người dân nơi đây.

Tác giả: Lê Thị Ngọc Hương

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây