CHÂU THƯỢNG VĂN - DANH NHÂN HỘI AN THỜI CẬN ĐẠI

Thứ sáu - 13/07/2012 03:43

CHÂU THƯỢNG VĂN - DANH NHÂN HỘI AN THỜI CẬN ĐẠI

Châu Thượng Văn sinh năm 1856, là con của một gia đình buôn bán giàu có của làng Minh Hương - Hội An.
Thơ Đồng Châu Thượng Văn sinh năm 1856, là con của một gia đình buôn bán giàu có của làng Minh Hương - Hội An. Ông sinh ra, lớn lên khi thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Đà Nẵng rồi thực sự cai trị đất nước ta vào năm 1885. Đã gắn bó máu thịt với quê hương Việt Nam lại chứng kiến đất nước bị xâm lược, đô hộ nên ông đã sớm có tinh thần kháng Pháp, bảo vệ đất nước.Khác với những chí sĩ yêu nước kháng Pháp khác, Châu Thượng Văn đã chọn cho mình hướng đi phù hợp với bản thân là ra sức buôn bán, đóng góp kinh phí cho các phong trào kháng Pháp. Ông hưởng ứng chiếu Cần Vương, tích cực góp phần kinh phí từ gia sản gia đường đến vốn liếng buôn bán của bản thân. Nhưng vào 1887, phong trào Cần Vương ở Quảng Nam bị đàn áp, lãnh đạo phong trào của tỉnh là Nguyễn Duy Hiệu đã hy sinh.
Khó khăn là vậy nhưng Châu Thượng Văn vẫn không nản chí, ông vẫn  tìm kiếm móc nối với các chí sĩ Nguyễn Thành, Tăng Bạt Hổ, Phan Bội Châu để khởi xướng Duy Tân Hội, tiếp tục kháng Pháp như lời tự phán của Phan Bội Châu là “Thượng tuần tháng chạp Giáp Thìn tức tháng 1-1905, tôi cùng ông Ngư, Hải, ông Tử Kính với nhà Tiểu La nhóm mật hữu ba bốn người như các ông Trình Ô Gia, tôn Thất Toại, Châu Thơ Đồng thương định những kế hoạch, chia đường làm việc”. Từ đây, ông cầm văn khế nhà đất được 350 đồng ủng hộ Duy Tân Hội, trang trải cho thanh niên tiến bộ sang Nhật Bản học tập, nâng cao dân trí, phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ngôi nhà của ông ở giữa chợ Phố cũng trở thành nơi hội họp, đón tiếp chí sĩ Đông Du, Duy Tân ghé đến Hội An.  
Khi tham gia phong trào Đông Du, ông đã sớm bị mật thám Pháp theo dõi và trong sự kiện chống sưu thuế nổ năm 1908 ông đã bị quân Pháp bắt, kết tội âm mưu phiến loạn, giam ở nhà lao Hội An. Để đảm bảo an toàn cho các đồng chí, trước kẻ thù ông đã khẳng khái: "Người nước Nam sang Nhật Bản và hạt dân xin thuế, chính tôi là người chủ mưu, không ai dám dự vào cả."  Trong nhà lao, ông đã tiếp tục thể hiện khí tiết kiên trung bằng hành động tuyệt thực 20 ngày. Ngày cuối cùng, tại nhà lao gặp Huỳnh Thúc Kháng lần cuối và ông khiêm tốn bộc bạch: “Tôi làm cái dễ, còn anh em gắng gánh lấy sự khó”, sau đó ông bị giải đến Huế, qua đời vào tháng 3 năm Mậu Thân tức tháng 4 năm 1908. 
Cuộc đời mà Thơ Đồng Châu Thượng Văn đi qua đã để lại cho hậu thế Hội An niềm tự hào về một con người Hội An kinh doanh giỏi, khiêm cung, nhiệt tình cống hiến sức mình đến phút cuối cùng cho phong trào Cần Vương, Đông Du để mong ngày đất nước được độc lập.

Tác giả: Trương Hoàng Vinh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây