Nhà yêu nước, Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Huỳnh Thúc Kháng (1876 - 1947) có sự nghiệp cách mạng trải dài từ nửa cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX. Trong sự nghiệp cách mạng của cụ Huỳnh Thúc Kháng, Hội An đã lưu lại một dấu ấn mà chúng tôi muốn được giới thiệu với tiêu đề
Hội An qua góc nhìn của cụ Huỳnh Thúc Kháng được tổng hợp từ tư liệu thư tịch của Huỳnh Thúc Kháng. Trước tiên xin đề cập đến phong trào Duy Tân được thành lập ở Quảng Nam vào năm 1903 với chủ trương thành lập các hội quần chúng, lập trường học, thương cuộc để phát triển kinh tế, sản xuất, nâng cao dân trí, xóa bỏ hủ tục tạo nên sức mạnh nội tại để kháng Pháp. Những người khởi xướng phong trào này là các chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Qúi Cáp, Nguyễn Thành… Trong phong trào này, Hội An trở thành một trong những điểm đi đầu để phát triển thương cuộc, giáo dục, mở rộng buôn bán mạnh mẽ vào những năm 1905 – 1907, cụ Huỳnh Thúc Kháng có ghi lại trong tác phẩm
Huỳnh Thúc Kháng niên phổ như sau: “
Tôi cùng các thân hào bằng hữu đề xướng chung vốn lập thương cuộc tại Phố (Faifoo Hội An) cùng lập trường học, hội nông, …” Và theo tác giả Nguyễn Q. Thắng trong tác phẩm
Huỳnh Thúc Kháng – Con người và thơ văn thì “
Thí điểm thứ hai (của phong trào Duy Tân – người viết chú thích) là Hội An. Ở đây họ đặt một cơ sở buôn bán vững vàng hơn. Và đây cũng là tiếp nhận những sách vở mới từ Bắc, Nam và Trung Hoa nhập vào để có thể phân phối cho người trong các vùng lân cận học hỏi”. Như vậy, từ trong thời gian đầu hoạt động cách mạng, Hội An được cụ Huỳnh Thúc Kháng nhìn nhận như một địa điểm quan trọng để phát huy công cuộc Duy Tân do vai trò đô thị thương mại hành chính vốn có của nó và thực tế đã đóng góp khá nhiều cho phong trào Duy Tân.
Đến khi phong trào chống thuế Trung kỳ xảy ra vào tháng 3 năm 1908 nhằm thể hiện sự phản đối mạnh mẽ chính sách sưu cao thuế nặng của nhân dân trước chính quyền phong kiến Nam triều và thực dân Pháp đặt ra để bóc lột người dân. Khởi phát của phong trào này là từ các nhân sĩ, nông dân ở làng Phiếm Ái - huyện Đại Lộc, sau đó người dân tập trung đến huyện, phủ đường để thưa kiện. Phong trào phát triển mạnh, lan rộng, khiến nhân dân ở các huyện, phủ khác trong tỉnh cũng đồng tình cùng với đoàn người của huyện Đại Lộc tập trung về Tỉnh đường ở Điện Bàn và cuối cùng là Hội An nơi có tòa công sứ để thể hiện ý chí kháng thuế, cự sưu. Trong tác phẩm
Cuộc cự sưu ở Trung kỳ năm 1908, được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1947, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã mô tả khá cô đọng, súc tích: “
Hội An là thị trấn buôn bán hội tụ đông nhất tỉnh Quảng Nam. Tòa công sứ cũng đóng ở đấy. Không kể dân ở các phủ, huyện trong tỉnh mà dân buôn bán ở các tỉnh lân cận cũng thường qua lại rất đông.” Với địa thế này, Hội An đã có tác động làm cho phong trào mau chóng phát triển theo như ý kiến của cụ Huỳnh “
Vì thế, kẻ truyền đi, người đồn lại tấn kịch “nhân dân xin sưu” không cánh mà bay lan tràn rất chóng” và không chỉ góp phần mở rộng phong trào trong tỉnh mà còn lan rộng đến cả Quảng Ngãi, cụ Huỳnh mô tả thêm “
Đến nhịp“cự sưu xảy ra, bọn buôn bán ra Hội An thấy thế truyền tin đến Quảng Ngãi là hưởng ứng…””
Về hoạt động và qui mô của đoàn người chống sưu thuế ở Hội An, cụ Huỳnh viết “
Nhân dân các phủ huyện trong tỉnh khoai mo, cơm gói, quần xách, áo mang kéo đi từng đoàn ra Phố (Hội An), thay nhau kẻ ở người về giúp nhau”.
Về thời gian diễn ra cuộc biểu tình, Nhà nghiên cứu Nguyễn Viết Ngạc cho rằng cuộc chống thuế bắt đầu diễn ra vào ngày 11/3/1908 với số lượng người ban đầu là 400 người và ngay trong chiều ngày này những người dẫn đầu đoàn người chống sưu thuế đã bị quân lính bắt ở Tòa sứ gồm Lương Châu, Trương Hoành, Hứa Tạo, Trương Tốn, Trương Côn, Trương Đính đều là người ở làng Phiếm Ái, huyện Đại Lộc.
Về sự tham gia của người Hội An trong cuộc chống sưu thuế Trung kỳ 1908 chúng ta không thấy cụ Huỳnh Thúc Kháng mô tả cụ thể sự can dự trực tiếp của họ trong tác phẩm
Cuộc cự sưu ở Trung kỳ năm 1908. Về vấn đề này, tham khảo một số tư liệu, chúng ta có thấy rõ hơn. Trong công điện ngày 31-3-1908 lúc 11 giờ của Khâm sứ Trung Kỳ Levecque gửi Toàn quyền Đông Dương cho biết qui mô của cuộc biểu tình vĩ đại năm ấy ở Hội An như sau: "
Công sứ Hội An báo: nhiều người Nam ở các phủ và huyện tập họp ở nhiều nơi trong tỉnh và hàng nghìn người đã kéo đến Hội An, phản đối thuế thân và sưu dịch... Một đoàn năm, sáu trăm người đã vượt rào chắn, một hôm đã tìm cách tràn vào văn phòng công sứ, yêu cầu trả tự do cho những tên cầm đầu bị bắt. Họ đã bị đẩy lùi bằng đòn gậy và từ đó đám biểu tình luôn đông người, bị cản lại và dừng lại cách Hội An khoảng một cây số. Sáng hôm sau đến từ các làng lân cận mà họ nghỉ qua đêm và nhận tiếp tế của những người cầm đầu, họ tụ tập theo từng làng ở ven đường, nằm dài và yên lặng... ". Theo những tư liệu trên thì người Hội An đã tham gia vào phong trào chống thuế với đoàn người biểu tình bằng cách cho người dân ngủ lại nhà qua đêm và tiếp tế lương thực trong thời gian đoàn người biểu tình tại đây, ngoài ra tuy chưa có tài liệu nào nói đến trực tiếp nhưng chúng tôi cho rằng với vai trò của Châu Thượng Văn trong phong trào Đông Du, Cần Vương thì hẳn trong phong trào này cụ Châu Thượng Văn cũng đã góp phần sức của để phục vụ đoàn người biểu tình.
Bên cạnh những sự kiện ở Hội An đã in sâu vào tâm trí cụ Huỳnh Thúc Kháng còn có một chí sĩ cách mạng Hội An là Châu Thượng Văn lúc bấy giờ có sự gắn bó trong thời gian ngắn nhưng đã để lại sự trân trọng trong lòng cụ Huỳnh Thúc Kháng. Điều này được thể hiện qua cuối phần mô tả về Cuộc kháng thuế ở Quảng Nam trong tác phẩm
Cuộc cự sưu ở Trung Kỳ năm 1908, cụ Huỳnh mô tả “
Châu Thượng Văn hiệu Thơ Đồng . Bạn thân với các cụ Tiểu La, Sào Nam. Trong ngoài thường có thư từ qua lại mà chính nhà Châu là cơ quan. Bị bắt, Châu mắng chửi chính sách bóc lột Pháp và nhận cả mọi việc, từ cách mạng đến cuộc chống sưu đều một tay mình đề xướng. Vào ngục rồi giải lên tỉnh để kết án, Châu tuyệt thực trong hai mươi ngày. Ngày đày ra Lao Bảo tới Huế thì tắt thở, Châu tuyệt thực bảo người bạn cùng giam: “Tôi làm phần dễ, còn phần khó sau này các bạn gắng lấy””. Theo như đoạn văn này, cụ Huỳnh có nói về vai trò của cụ Châu trong giới sĩ phu yêu nước Quảng Nam và khí tiết của cụ Châu khi bị bắt sau khi phong trào chống thuế nổ ra nhưng không nói đến sự liên can cụ thể của cụ Châu đối với phong trào chống thuế năm 1908. Và khí tiết của cụ Châu Thượng Văn đã làm cho cụ Huỳnh Thúc Kháng cảm động, khóc qua câu đối:
“
Nhân gia úy tử, quân độc bất tham sinh, bát xích tu mi, tu dữ hà sơn dinh nhất bảo”
“
Thùy vi kì nan, quân khước vi kỳ dị, nhất phần trách nhiệm, các tương tâm huyết cáo đồng bào”
Dịch nghĩa:
“
Người đề sợ chết, ngươi chẳng tham sống nhơ, tám thước mày râu, thẹn với non sông lo bữa gạo”
“
Ai đương việc khó, người đành làm việc dễ, một hần gánh việc, hãy đem tâm huyết tỏ đồng bào”.
Sau cuộc kháng thuế ở Quảng Nam, cụ Huỳnh Thúc Kháng bị bắt cùng các chí sĩ khác và bị giam ở Nhà lao Hội An trước khi bị đày ra Côn Đảo vì theo cáo trạng và tài liệu theo dõi của Công sứ Quảng Nam thì hoạt động của các chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh, Châu Thượng Văn, Nguyễn Thành trong phòng trào Duy Tân đã bị theo dõi và bị kết tội là chủ xướng phong trào kháng thuế năm 1908.
Như vậy, qua các tác phẩm của cụ Huỳnh Thúc Kháng, chúng ta có thể thấy:
- Trong sự nghiệp của cụ Huỳnh, Hội An với vị trí là trung tâm thương mại, hành chính của tỉnh là một trong những nơi có vai trò quan trọng cho việc phát triển đường hướng cách mạng của mình.
- Bên cạnh đó, cụ Huỳnh Thúc Kháng cũng đã nhìn nhận Hội An với vai trò là một trung tâm hành chính, thương mại của Quảng Nam đã trở điểm cuối cùng của phong trào chống thuế Quảng Nam cũng như góp phần làm cho phong trào kháng thuế Quảng Nam lan rộng khắp miền Trung, tạo nên một sự kiện đấu tranh quần chúng qui mô thể hiện sức mạnh quần chúng trước sự đàn áp của thực dân Pháp.
- Con người Hội An mà đặc biệt là cụ Châu Thượng Văn với đức tính khiêm tốn, khí tiết hào phóng, kiên trung đã làm cho cụ Huỳnh Thúc Kháng, một chí sĩ cách mạng lớn Huỳnh Thúc Kháng phải kính trọng, đề cập cụ thể trong di sản trước tác của mình.