NẾP ỨNG XỬ TRONG VĂN HÓA HỘI AN

Thứ sáu - 13/07/2012 03:26

NẾP ỨNG XỬ TRONG VĂN HÓA HỘI AN

Nếp ứng xử, nếp sống của cư dân Hội An có một sắc thái gì đó vừa lạ, vừa quen, vừa có tính phổ biến ở nhiều vùng miền của đất nước lại vừa có những nét riêng phân biệt với các đại phương khác.
Cảm nhận như vậy nhưng diễn tả thì không dễ. Có người xác định nếp sống này qua một số mỹ từ như: hiền hòa, hiếu khách, chân chất, hồn hậu... Thế nhưng đây cũng là phẩm chất của người Việt ở mọi miền đất nước. Nếu khác chăng thì ở Hội An chúng đậm nét hơn mà thôi.
Liên quan đến nếp sống ở Hội An có một số biểu hiện đáng lưu ý sau:
- Người Hội An cởi mở trong giao tiếp, tận tình khi người khác có việc cần nhờ. Những khách lạ muốn hỏi han đường xá, tìm nhà người quen ở Hội An thường được chỉ cặn kẽ, có trường hợp được chở hoặc đưa đến tận nơi trong sự vui vẻ, nhiệt tình, vô vụ lợi. Vào các quán ăn, quán hớt tóc, ngồi lại bên những gánh chè, gánh mì Quảng, ngồi sau những chiếc xe thồ, xe đạp ta có thể dễ dàng bắt chuyện như là cả hai  đã từng quen biết nhau. Thái độ lạnh nhạt ít khi gặp phải khi ta cần sự giúp đỡ của những người ở đây.
- Người Hội An dường như quen biết nhau rất rộng, nhất là những người lớn tuổi. Khi  ra đường họ thường chào hỏi nhau một cách thân tình, vui vẻ hoặc chí ít họ cũng gật đầu chào nhau khi đi ngang qua. Thái độ lễ phép của những người trẻ tuổi khi chào hỏi những người lớn tuổi, già cả vẫn được duy trì cho đến bây giờ cả ở nông thôn lẫn phố thị.
- Một gia đình gốc ở Hội An thường gồm nhiều thế hệ chung sống. Nhiều gia đình có truyền thống về học hành đỗ đạt từ cha mẹ cho đến con cái. Nhiều gia đình lại thành đạt về buôn bán hoặc có năng khiếu về âm nhạc, thể thao từ đời ông cha cho đến con cái. Các gia đình này thường được cư dân địa phương nêu ra để động viên, bảo ban con cái  noi theo.
- Trong các gia đình ở Hội An thường có bóng dáng của người già. Dường như khi già họ muốn quay về Hội An để an hưởng phần đời còn lại, để sống với ký ức về những ngày đã qua và để sum họp cùng gia đình, con cháu. Hội An vì thế có thời được gọi là “Thành phố dưỡng già”.
- Do đặc điểm là một đô thị - thương cảng nên tại Hội An từ khá sớm đã hình thành một tầng lớp thị dân và kèm theo đó là một lối sống ít nhiều mang tính thị dân. Lối sống này phát triển mạnh mẽ ở trung tâm phố thị và có ảnh hưởng nhất định đến lối sống văn hóa cư dân các vùng ven. Tuy vậy ngay ở khu trung tâm phố thị lối sống này vẫn chưa đủ mạnh để thay thế lối sống cộng đồng làng xã, vì vậy, một thực tế dễ nhận thấy là ngay trong lòng khu phố cổ vẫn có những đình làng, nhà thờ tộc và các thiết chế tôn giáo - tín ngưỡng mang tính làng xã. Quan hệ cư dân trong khu phố vẫn gắn bó chặt chẽ, thắm đượm nghĩa xóm, tình làng. Cho đến nay khi muốn tìm địa chỉ, người Hội An vẫn dùng tên người, tên chủ hiệu thay vì dùng số nhà. Việc tang ma, hiếu hỉ vẫn được tổ chức với những nghi thức đậm nét truyền thống. Những người trong khu phố  hầu như đều quen nhau, biết mặt nhau. Những sự kiện không bình thường xảy ra trong khu phố, xóm ấp đều thu hút sự chú ý của nhiều người, ngay cả với những chuyện mang tính cá nhân hay gia đình. Vì thế người Hội An rất sợ làm điều gì không đúng, không tốt ảnh hưởng tới gia đình, bà con tộc họ, vì một khi có chuyện xảy ra thì mọi người đều biết. Đây chính là tập quán có nguồn gốc sâu xa từ lối sống cộng đồng làng xã. Vì vậy, nhiều người đã gọi “Hội An phố như làng”.
- Người Hội An có thói quen giữ gìn, trân trọng những kỷ vật gia đình, người thân. Trên các bàn thờ gia đình thường lưu lại một vài món đồ dùng gắn với cuộc đời của người đã mất. Họ thường giữ lại những đồ vật mang tính kỷ niệm cho dù những đồ vật đó đã quá cũ kỹ, lâu đời. Có lẽ do tâm lý này mà ở một số nhà phố thường bố trí một gian phía sau để giữ lại những  vật dụng cũ, những chai lọ, bàn ghế, áo quần tuy không còn dùng nữa nhưng lại không nỡ vất bỏ đi.
- Tuy có nhiều thành phần cư dân chung sống nhưng Hội An không xảy ra tình trạng phân biệt, kỳ thị, trong lịch sử cũng vậy và ngày nay cũng vậy. Quan hệ giữa các thành phần cư dân là mối quan hệ giao lưu, cởi mở, hòa hợp. Thực tế này được ghi lại trong đoạn mở đầu gia phả tộc Châu, một tộc lớn của làng Minh Hương ở Hội An:
Hội An là nơi buôn bán dễ dãi, sưu thuế nhẹ nhàng, nam canh nữ chức, tục mỹ phong thuần, khiến cho lòng khách viễn phương ai nấy đều muốn kiết cư lập nghiệp
Hiện nay, nhiều du khách nước ngoài cũng cảm thấy rất yên tâm khi ở Hội An. Họ dễ dàng hòa mình vào cuộc sống thường ngày của cư dân nơi phố thị, đi về tận các làng hẻo lánh mà không sợ bị gây khó khăn, mất an toàn.
Theo các tác giả dân gian thì Thuần hậu, Thanh cảnh là nét đẹp văn hóa của vùng đất Hội An và cũng là của con người Hội An. Thuần hậu thì đã rõ, còn Thanh cảnh chứ không là/ chưa đến mức là Thanh lịch như ở Kinh kỳ Thăng Long, kẻ chợ hoặc Thanh tao như ở Huế. Thanh lịch dùng để nói về người, Thanh tao cũng vậy, mang ý nghĩa kiểu cách, đài các, còn Thanh cảnh có sự kết hợp giữa người và cảnh, giữa con người với vùng đất lại nghiêng về phía dân dã hơn, đời thường hơn. Có lẽ vì vậy mà từ lâu đời, người địa phương đã lưu truyền câu ca:
Cây đa mô to bằng cây đa Bàn Lãnh
Đất mô thanh cảnh cho bằng đất Hội An
Chỗ mô vui cho bằng phố, bằng Hàn
Dưới sông tàu chạy trên đàng ngựa với xe

Tác giả: Trần Văn An

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây